Phòng, Chống Sâu Bệnh Gây Hại Lúa Đông Xuân 2014-2015

Thời tiết đang trong mùa lạnh là điều kiện thuận lợi cho một số loại sâu bệnh hại lúa phát triển, do đó người dân nên quan tâm chăm sóc lúa đông xuân để quản lý tốt các đối tượng dịch hại, nhất là từ nay đến Tết Nguyên đán 2015.
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh Đồng Tháp, thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Đồng Tháp đã hoàn tất việc xuống giống lúa đông xuân 2014-2015 với diện tích trên 201 ngàn ha. Trong đó, lúa đang trong giai đoạn làm đòng chiếm gần 73.200ha, lúa trong giai đoạn trổ chín 85.700ha.
Ngoài ra, số diện tích lúa đã thu hoạch đạt trên 23 ngàn ha, năng suất 6,81 tấn/ha (thấp hơn 0,16 tấn/ha so với vụ trước). Số diện tích lúa đông xuân gieo sạ sớm hiện nay đang trổ chín và sẽ thu hoạch trước Tết Nguyên đán 2015 chiếm 50%, còn lại là phần lớn diện tích nông dân xuống giống đồng loạt lúa đang trong giai đoạn làm đòng sẽ thu hoạch đông ken, tập trung thời điểm tháng 2-3 dương lịch.
So với các vụ sản xuất trước, vụ đông xuân năm nay do ảnh hưởng thời tiết nên việc phát triển của cây lúa gặp nhiều bất lợi. Đáng chú ý là từ đầu tháng 11 đến nay, thời tiết chuyển sang lạnh và có sương mù vào sáng sớm đã ảnh hưởng đến sự sinh trưởng, phát triển của cây lúa, nhiều diện tích lúa đang bị một số đối tượng sâu bệnh gây hại.
Ông Trần Thanh Tâm - Trưởng Phòng BVTV, Chi cục BVTV tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Tính đến ngày 20/1, dịch hại lúa đông xuân trên địa bàn tỉnh chủ yếu là bệnh đạo ôn và rầy nâu nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Trong đó, số diện tích bị nhiễm rầy nâu chỉ ở mức độ nhẹ và trung bình.
Bên cạnh đó, dịch muỗi hành cũng đang xuất hiện trên các trà lúa trong toàn tỉnh, chiếm 3.742ha (diện tích bị ảnh hưởng nhẹ chiếm 2.056ha). Dự báo, đối tượng rầy nâu sẽ nở rộ vào ngay dịp Tết Nguyên đán, thời điểm từ 28 Tết đến mùng 3 Tết, còn bệnh đạo ôn lá sẽ xuất hiện nhiều vào giai đoạn đẻ nhánh tới làm đòng (thời điểm sau Tết Nguyên đán 2 tuần).
Để hạn chế thiệt hại do các đối tượng sâu bệnh gây ra, Chi cục BVTV tỉnh khuyến cáo chính quyền các địa phương và bà con nông dân cần tăng cường thăm đồng thường xuyên, không được chủ quan lơ là, kịp thời phát hiện dịch hại, triển khai các giải pháp phòng trị hiệu quả, kiểm soát tốt dịch hại, tổ chức chăm sóc, bón phân cân đối cho cây lúa theo đúng quy trình kỹ thuật “4 đúng”. Đối với những vùng đang xuống giống lúa hè thu sớm (diện tích đã xuống giống là 821ha) gần khu vực bị dịch muỗi hành, cần tăng cường bón phân lân, kali để giúp cây lúa sớm đẻ nhánh.
Ông Tâm cho rằng: “Nông dân cần thường xuyên thăm đồng, nắm rõ diễn biến rầy nâu và các loài dịch hại khác trên ruộng lúa để có những biện pháp kịp thời. Nếu phát hiện rầy cám có màu vàng nhẹ mật số hơn thì phun thuốc trừ rầy. Tuyệt đối không phun ngừa định kỳ khi mật số rầy còn thấp và không nên sử dụng thuốc phổ rộng phun cho lúa dưới 40 ngày tuổi để bảo vệ thiên địch, tránh bùng phát rầy nâu vào cuối vụ”.
Có thể bạn quan tâm

Ngày 10/1, UBND huyện Sông Hinh đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác sản xuất và điều hành nguyên liệu mía, sắn niên vụ 2011-2012, triển khai nhiệm vụ niên vụ 2012-2013.

Bến Tre là một trong 3 tỉnh đứng đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long về diện tích trồng cây ăn quả. Trong đó, một số cây trồng đã có “thương hiệu” như sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, bưởi da xanh, nhãn... Đây cũng là nhóm cây ăn quả đặc sản của tỉnh và được quy hoạch phát triển, ổn định sản xuất đến năm 2020.

Nhằm giúp nông dân có định hướng nuôi trồng thủy sản gắn với tiêu thụ sản phẩm, phát huy thế mạnh và phát triển kinh tế - xã hội địa phương, Phòng Nông nghiệp – Phát triển nông thôn huyện An Phú phối hợp với Trung tâm Giống thủy sản An Giang (đơn vị chuyển giao kỹ thuật) đã triển khai dự án “Mô hình ứng dụng khoa học công nghệ phát triển nuôi cá sặc rằn”, từ tháng 3 - 2011 đến tháng 3 - 2013.

Vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) đã bắt đầu cho thu hoạch. Theo ông Vũ Đình Bát, Chủ tịch Hiệp Hội sản xuất và tiêu thụ vải thiều Thanh Hà, giá bán vải quả tại vườn ngày 5 - 6 là 15 nghìn đồng/kg, tăng từ 4.000 - 6.000 đồng/kg so với năm ngoái. Nguyên nhân là do thị trường Trung Quốc tiêu thụ ngày càng nhiều, sản lượng vải thiều Bắc Giang giảm.

Sau nhiều năm tìm đầu ra ở thị trường nước ngoài, thanh long ruột đỏ, một trong những trái cây đặc sản của tỉnh Trà Vinh đã chính thức được xuất khẩu sang thị Mỹ.