Phòng Bệnh Cho Cá Lóc

Trong nuôi cá nói chung và cá lóc nói riêng, việc phòng bệnh vô cùng quan trọng.
Bởi phòng bệnh là tránh đưa mầm bệnh từ bên ngoài vào hệ thống ương nuôi, hoặc ngăn ngừa mầm bệnh phát triển, trị bệnh chỉ là giải pháp tình thế cuối cùng. Về thức ăn phải vệ sinh, tươi, sống; thức ăn công nghiệp phải đầy đủ dinh dưỡng và khoáng chất.
Sau đây cần lưu ý một số bệnh thường gặp và cách phòng, trị cụ thể cho từng loại:
Bệnh lở loét: Cá có triệu chứng ít ăn hoặc bỏ ăn, bơi nhô đầu khỏi mặt nước, da sậm, xuất hiện những vết loét màu đỏ. Những vết loét lan rộng, vẩy rụng, xuất huyết và viêm. Vết loét ăn sâu vào đến xương, thịt thối rữa và cá bị chết. Để phòng bệnh, người nuôi cá nên định kỳ trộn Vitamin C liều lượng 5 - 10 gr/100 kg cá nuôi. Thả lá xoan, dây giác vào ao, bè. Còn trị bệnh thì dùng vôi bột liều lượng 5 - 7 kg/100 m3 hòa tan lấy nước tạt đều ao, bè hoặc sulfat đồng liều lượng 1 kg/2.000 - 3.000 m3. Dùng kháng sinh trộn vào thức ăn: Oxytetracyline 2 gr + Sulfathyozon 5 gr/100 kg cá nuôi từ 5 - 7 ngày. Vitamin C 2 gr/kg thức ăn. Cho ăn liên tục 5 - 7 ngày.
Bệnh trắng da: Thời kỳ đầu đuôi cá xuất hiện vết trắng lan dần về phía đầu, đến vây lưng và vây hậu môn, cá mất nhớt và bong da, bong vẩy. Bệnh nặng, cá treo đuôi, cắm đầu xuống và chết trong thời gian ngắn. Nên hòa tan vôi bột: 5 - 10 kg/100 m3, tạt đều ao 2 - 3 lần/tuần. Còn khi cá đã mắc bệnh này, bắt cá bệnh tắm thuốc Streptomycine 25 mg/lit nước, tắm trong 30 phút. Dùng kháng sinh trộn vào thức ăn: Sulfadimidine 3 - 5 gr/kg thức ăn, cho ăn liên tục 5 - 7 ngày. Trộn vitamin C cho ăn liên tục 5 - 7 ngày.
Bệnh nấm thủy mi: Da có những đốm trắng, trên đó có những sợi nấm nhỏ mềm, tua tủa như bông gòn, dùng sulfat đồng 1 kg/2.000 - 3.000 m3 nước, xử lý liên tục 2 - 3 lần/tuần.
Bệnh sán lá đơn chủ: Cá thường nổi đầu nơi có nước chảy. Phải thường xuyên thay nước ao, tránh thức ăn thừa gây bẩn môi trường. Dùng muối liều lượng 0,5 - 1 kg/100 lít nước đối với cá nhỏ, 3 - 4 kg/100 lít nước đối với cá lớn, tắm trong 10 - 15 phút. Dùng thuốc tím 1 - 2 gr/m3 tạt đều ao, 3 lần/tuần. Hoặc dùng lá xoan 0,3 - 0,5 lá xoan bó lại treo ở đầu bè hoặc đầu cống cấp nước vào ao.
Bệnh xuất huyết: Cá bơi lội không bình thường, da chuyển sang màu sẫm, mắt mờ đục, sưng phù và có thể bị mù, xuất huyết ở các vây, da, bụng, quanh miệng, nắp mang, có thể bị chảy máu một số nơi, cơ thể bị tuột nhớt. Cách điều trị: trộn kháng sinh Doxycyline 0,5 - 1 gr/kg thức ăn, cho ăn liên tục 5 - 7 ngày, Kanamycine: 50 mg/kg thể trọng cá, liên tục 5 - 10 ngày, nhóm Sulfamid: 150 - 200 mg/kg thể trọng cá, liên tục 5 - 10 ngày, bổ sung Vitamin C.
Có thể bạn quan tâm

Mùa vụ nuôi cá Lóc nuôi phụ thuộc vào việc sản xuất con giống. Nguồn cá giống phụ thuộc nhiều vào tự nhiên, thông thường nguồn cá giống xuất hiện tập trung vào tháng 7 – 8. Do vậy, mùa vụ nuôi cũng tập trung vào những tháng này.

Tại khu vực ĐBSCL, kỹ thuật nhân giống cá lóc bằng cách dùng kích thích tố sinh sản đang được nông dân ứng dụng khá rộng rãi. Hiệu quả thu được từ nguồn giống này khá lớn: cứ 100% cá mẹ sinh sản, thu được 70 - 80% cá giống. Qua nghiên cứu cho thấy, yếu tố quyết định thành công là khâu chọn, nuôi vỗ cá bố mẹ và sử dụng kích thích tố đúng liều lượng.

Cá lóc là loài cá có giá trị kinh tế cao, chúng có một số đặc điểm như sức chịu đựng cao, kích thước lớn, tốc độ tăng trưởng nhanh, thịt ngon. Nghề nuôi cá lóc ở nước ta đang ngày càng phát triển.

Hiện nay phong trào nuôi cá lóc phát triển khá mạnh ở các tỉnh ĐBSCL, nhất là vào mùa nước nổi. Bà con thường nuôi cá trong ao, trong bể lót bạt nilon hay trong bè. Cá lóc trong tự nhiên thường rất khỏe, ít bệnh tật, nhưng trong điều kiện nuôi nhân tạo với mật số cao thì cá lóc cũng có nhiều bệnh gây hại. Nhiều gia đình mới nuôi cá lóc, chưa có nhiều kinh nghiệm đã thất bại do dịch bệnh gây ra.

Để nuôi cá lóc, nông dân ở xã Đại An (huyện Trà Cú, Trà Vinh) không chỉ vất vả đào ao mà họ còn phải cất công khoan giếng lấy nước ngọt nuôi cá. Sau hơn 4 tháng nuôi, bà con thu về hàng trăm triệu/ao nuôi 1.000 m2, so ra cao gấp 50 lần so với trồng lúa.