Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Phát Triển Thủy Sản Trên Lòng Hồ Thủy Điện Sơn La

Phát Triển Thủy Sản Trên Lòng Hồ Thủy Điện Sơn La
Ngày đăng: 16/12/2013

Thực hiện Dự án tái định cư Thủy điện Sơn La, diện tích đất sản xuất nông nghiệp của thị xã Mường Lay bị thu hẹp. Chính vì vậy, vấn đề giải quyết việc làm cho người dân hậu TĐC luôn được các cấp, các ngành chú trọng.

Bằng nguồn vốn DANIDA và vốn của Sở Khoa học Công nghệ, Dự án nuôi cá rô phi đơn tính trong lồng đã được Trung tâm Thủy sản tỉnh Điện Biên triển khai trên hồ Thủy điện Sơn La tại thị xã Mường Lay, nhằm khai thác lợi thế từ hồ thủy điện cũng như tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân hậu tái định cư.

Mục tiêu chính của Dự án là chuyển giao khoa học kỹ thuật nuôi trồng thủy sản cho người dân TĐC trên địa bàn thị xã, qua đó nhằm khai thác tiềm năng thúc đẩy phát triển thủy sản cho vùng có ưu thế về diện tích mặt nước như hồ Thủy điện Sơn La và tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho người dân.

Sau 2 năm triển khai thực hiện mô hình, cá rô phi đơn tính cho hiệu quả kinh tế khả quan, mở ra hướng phát triển sản xuất mới từng bước giúp người dân thay đổi tập quán canh tác quảng canh sang nuôi thâm canh, tạo nguồn thu lớn cho nông dân.

Hồ Thuỷ điện Sơn La trên địa bàn thị xã Mường Lay bắt đầu vận hành từ năm 2011 với mực nước dâng bình quân 215m, lưu lượng nước lớn, chất lượng nước tương đối sạch, dòng chảy ổn định đã tạo ra một hệ sinh thái khép kín phù hợp với nuôi thủy sản. Đây là lợi thế quan trọng trong chiến lược phát triển ngành nông nghiệp sản xuất hàng hóa nói chung, trong đó có nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, những năm qua, phần lớn người dân trên địa bàn chỉ áp dụng phương pháp nuôi thả truyền thống nên chưa phát huy hết tiềm năng, hiệu quả kinh tế.

Mô hình nuôi cá rô phi đơn tính trên hồ thủy điện được triển khai tại phường Sông Đà đã có 4 HTX và 4 nhóm hộ gia đình tham gia. Tham gia mô hình, các hộ dân được hỗ trợ giống, thức ăn; được hướng dẫn quy trình chuẩn bị ao nuôi, cách chăm sóc, phòng và trị bệnh cho cá. Cán bộ kỹ thuật Trung tâm Thủy sản tỉnh thường xuyên theo dõi giúp đỡ các hộ triển khai mô hình trong suốt quá trình thực hiện.

Thực tế cho thấy, sau gần 6 tháng nuôi, trung bình cá rô phi đơn tính đạt trọng lượng từ 0,5 - 0,7kg/con, nhanh lớn hơn nhiều so với cá rô phi thường. Anh Tô Thanh Toản, tổ 2 phường Sông Đà cho biết: Các loại cá rô phi khác thường cho hiệu quả kinh tế không cao bởi chúng có trọng lượng nhỏ, giá cá thương phẩm thấp. Sau khi được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn kỹ thuật và qua thực tế nuôi, tôi thấy rô phi đơn tính dễ nuôi, giá cá thương phẩm cao, nhu cầu thị trường rất lớn.

Kỹ thuật chăm sóc cá cũng không khó lắm: giai đoạn cá nhỏ dưới 300 gam cho cá ăn thức ăn tự chế có hàm lượng đạm 25 - 30% hoặc thức ăn công nghiệp; giai đoạn cá trên 300 gam nên cho ăn thức ăn công nghiệp và có sự điều chỉnh lượng thức ăn hợp lý. Qua theo dõi cho thấy, tại 4 lồng nuôi theo mô hình, cá phát triển tốt, không mắc dịch bệnh.

Do nuôi cá lồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, nên đến nay thị xã Mường Lay đã có 4 HTX và 4 nhóm hộ nuôi cá lồng, thay vì một vài hộ lúc đầu. Kết quả lạc quan từ mô hình nuôi cá rô phi đơn tính trong lồng cho thấy, không chỉ đem lại giá trị thu nhập ổn định mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập để phát triển kinh tế hộ gia đình.

Ông Trần Văn Ngạn, Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Mường Lay cho biết: Hiệu quả từ mô hình nuôi cá rô phi đơn tính đã góp phần quan trọng tạo ra hướng phát triển kinh tế mới cho người vùng TĐC. Thực tế cho thấy, việc triển khai nuôi cá lồng trên hồ thủy điện không chỉ góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho nông dân, đặc biệt là giải quyết việc làm cho lao động sau TĐC mà còn khai thác được tiềm năng lòng hồ để tạo ra nguồn thực phẩm thuỷ sản sạch, chất lượng cao phục vụ tiêu thụ của thị trường, đồng thời bảo vệ môi trường.

Đó cũng là một trong những hướng đi vừa giải quyết việc làm cho lao động và đem lại nguồn thu nhập nâng cao mức sống người dân địa phương. Hơn nữa cá rô phi đơn tính được triển khai trên hồ Thủy điện Sơn La phát triển rất tốt, tỷ lệ sống cao, cá thích nghi được với môi trường nước của lòng hồ thủy điện.

Xác định khai thác tiềm năng thế mạnh trong việc phát triển kinh tế thủy sản là một trong những thế mạnh để phát triển kinh tế xã hội của địa phương, thời gian tới, thị xã Mường Lay sẽ tăng cường công tác tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện tốt các quy trình nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững, đẩy mạnh công tác quản lý đi đôi với việc phát triển các dự án nuôi trồng thủy sản tập trung, thực hiện tốt công tác hỗ trợ vốn công tác kĩ thuật chăn nuôi thủy sản cho nhân dân, phấn đấu đến năm 2020 đưa kinh tế thủy sản trở thành nền kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế của địa phương.


Có thể bạn quan tâm

Giá Nhãn Tăng Trở Lại Ở Đồng Tháp Giá Nhãn Tăng Trở Lại Ở Đồng Tháp

Mặt dù giá tăng cao trở lại, nhưng trên địa bàn huyện Cao Lãnh (Đồng Tháp) hiện chỉ có khoảng 150/330 ha nhãn đang cho trái, tập trung ở các xã ven quốc lộ 30, nên lượng nhãn cung cấp ra thị trường sắp tới đây vẫn không được nhiều.

20/02/2014
Giá Atiso Trở Về Mức Ổn Định Giá Atiso Trở Về Mức Ổn Định

Ngày 12/3/2014, ông Hồ Ngọc Dinh- Hội trưởng Hội Nông dân phường 12 cho biết: Thời điểm này giá bông atiso và các dược liệu khác từ atiso đã trở về mức ổn định, bông Atiso khô trở về giá 210.000 đồng/1kg. Tuy giảm so với những tháng cuối năm 2013 nhưng mức giá này vẫn cao so với nhiều năm trước.

17/03/2014
Đảo Bé Ở Quảng Ngãi Được Mùa Tỏi Đảo Bé Ở Quảng Ngãi Được Mùa Tỏi

Cùng với người trồng tỏi trên đảo Lớn (An Vĩnh, An Hải), hiện nay người trồng tỏi ở đảo Bé, xã An Bình, huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) cũng đang khẩn trương thu hoạch diện tích tỏi đông xuân. Được mùa tỏi, không khí trên đảo Bé trở nên nhộn nhịp hơn.

17/03/2014
Xây Dựng Vùng Chuối Nguyên Liệu Tại Huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai) Xây Dựng Vùng Chuối Nguyên Liệu Tại Huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai)

Ngày 18-2, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Chánh đã làm việc với Công ty TNHH Tân Lân (TP. Biên Hòa) và đại diện các sở, ngành liên quan về dự án đầu tư trồng chuối Nam Mỹ tại xã Hiếu Liêm (huyện Vĩnh Cửu).

20/02/2014
Thả Gần 2.000 Cá Dìa Giống Trên Phá Tam Giang Thả Gần 2.000 Cá Dìa Giống Trên Phá Tam Giang

Hiện xã Quảng Lợi có 3 chi hội nghề cá: Hà Công, Ngư Mỹ Thạnh và Cư Lạc đã được cấp quyền khai thác mặt nước và thành lập khu bảo vệ thủy sản. Việc thả cá giống sẽ mang lại hiệu quả thiết thực cho ngư dân tại đây.

20/02/2014