Phát Triển Thủy Lợi Góp Phần Thúc Đẩy Sản Xuất Nông Nghiệp

Theo Sở Nông nghiệp – PTNT tỉnh thì qua 6 năm thực hiện Nghị quyết 12/2006/NQ – HĐND của HĐND tỉnh về phát triển thủy lợi vừa và nhỏ, hiện tại trên địa bàn tỉnh đã xây dựng và đưa vào khai thác 200 công trình thủy lợi các loại, với tổng dung tích hữu ích hồ chứa trên 213 triệu m3.
Trong đó, có 94 hồ chứa và đập dâng, 6 công trình trạm bơm, kênh tiêu, kênh tưới, hàng năm, phục vụ nước tưới cho gần 34.000 ha cây trồng các loại, chiếm 54% tổng diện tích cây trồng. Đối với cây trồng cạn, các công trình thủy lợi đáp ứng nước tưới cho 21.958 ha cà phê, hồ tiêu và 2.517 ha hoa màu và cây công nghiệp ngắn ngày…
Theo đánh giá của ngành chuyên môn, thời gian qua, các công trình thủy lợi sau khi bàn giao đưa vào sử dụng đã phát huy được hiệu quả thiết thực. Điển hình, tại huyện Krông Nô, toàn huyện đã đầu tư xây dựng được 8 công trình thủy lợi, phân bổ đều trên địa bàn. Vì vậy, từ năm 2006 đến nay, diện tích sản xuất lúa nước 2 vụ của huyện được nâng lên từ 1.300 ha lên trên 2.000 ha; còn diện tích ngô lai đông xuân từ 914 ha lên 1.929 ha.
Đối với cây công nghiệp dài ngày như cà phê, hồ tiêu… nhờ có các công trình thủy lợi cùng với các ao hồ do người dân tự đào đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu nguồn nước tưới. Cùng với việc tăng diện tích gieo trồng do chủ động được nguồn nước tưới thì hệ số sử dụng đất cũng tăng lên, hiện nay đã đạt 1,5 lần.
Có thể nói, các công trình thủy lợi đưa vào khai thác đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đầu tư thâm canh, áp dụng hiệu quả các biện pháp khoa học kỹ thuật, nên năng suất cây lúa nước từ 4,89 tấn/ha năm 2006, đến nay tăng bình quân 6,8 tấn/ha. Có địa phương thâm canh tốt đã đạt trung bình 7-8 tấn/ha như các xã Đắk Nang, Đức Xuyên, Buôn Choáh, Nâm N’đir…
Đối với cây ngô lai, năm 2006, năng suất cây ngô mới chỉ đạt 5,6 tấn/ha, đến nay, bình quân đã đạt ngưỡng 7,5 tấn/ha. Mặt khác, các công trình thủy lợi còn giữ vai trò quan trọng trong việc điều tiết nước, giảm bớt dòng chảy khi mưa lớn và tập trung khắc phục một phần tình trạng úng lũ cục bộ tại địa phương.
Còn tại huyện Đắk Mil, việc quy hoạch, xây dựng hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn cũng được địa phương gắn với quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011 – 2020 cũng như lồng ghép với chương trình xây dựng nông thôn mới…
Theo đó, song song với việc đầu tư xây dựng, nâng cấp hơn 56 công trình thủy lợi, địa phương đã khuyến khích, vận động người dân góp công, góp tiền của đào đắp được hàng trăm công trình hồ, đập và 54 km kênh mương nội đồng.
Trong đó, có gần 20 km kênh mương đã được bê tông hóa, cơ bản đáp ứng nhu cầu tưới cho cây trồng. Đến nay, huyện Đắk Mil đã thành lập được 1 hợp tác xã dùng nước và 8 tổ hợp tác dùng nước ở các xã. Điều đáng ghi nhận là hiện hệ thống các công trình thủy lợi đã cơ bản đáp ứng nhu cầu tưới cho trên 350 ha lúa nước và hàng ngàn hécta cà phê.
Ngoài huyện Krông Nô, Đắk Mil thì hiện nay, việc phát triển thủy lợi vừa và nhỏ ở các huyện còn lại của tỉnh cũng được đầu tư, xây dựng khá đồng bộ, từng bước hoàn chỉnh hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp của các địa phương.
Cùng với việc đầu tư hệ thống thủy lợi, tỉnh còn ban hành các quy định về quản lý, khai thác công trình thủy lợi, đảm bảo đúng quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT, phù hợp với điều kiện của địa phương. Hiện nay, trong tổng số 200 công trình thủy lợi, Công ty TNHH MTV Quản lý Khai thác công trình thủy lợi Đắk Nông quản lý 156 công trình, UBND các xã quản lý 32 công trình, các công ty, đơn vị khác quản lý 12 công trình.
Nhờ chú trọng đầu tư xây dựng công trình thủy lợi, kiện toàn ban quản lý, khai thác, sử dụng công trình nước hợp lý đã góp phần từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng sản xuất, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển, làm thay đổi bộ mặt nông thôn và cải thiện môi trường sinh thái.
Các công trình thủy lợi còn kết hợp với cấp nước sinh hoạt cho đồng bào vùng sâu, vùng xa đã giúp giảm bớt khó khăn thiếu nước trong mùa khô. Bên cạnh đó, các công trình hồ chứa lớn, nhỏ trên địa bàn còn tham gia tích cực vào công tác phòng chống thiên tai trong mùa mưa lũ cũng như phục vụ nuôi trồng thủy sản, tạo việc làm, cải thiện thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn.
Có thể bạn quan tâm

Trước tình hình đó, những ngày qua, huyện Cam Lộ đã tập trung chỉ đạo ngành chức năng cũng như chính quyền các địa phương tăng cường các biện pháp phòng chống, khoanh vùng không để bệnh lây lan ra diện rộng.

Chính vị trí địa lý đặc biệt ấy đã tạo nên một vùng tiểu khí hậu, thổ nhưỡng riêng có và tạo nên một giống gà bản địa thuần chủng, mà tên của thôn đã được đặt cho giống gà này: Gà Liên Minh.

Năm 2014, Trung tâm Khuyến nông Khuyến ngư (KNKN) Quảng Bình đã thực hiện mô hình chăn nuôi gà thịt thả vườn trên địa bàn của 6 huyện, thị xã (Lệ Thủy, Quảng Ninh, Đồng Hới, Bố Trạch, Ba Đồn và Tuyên Hóa) với quy mô 15.000 con, thực hiện tại 15 hộ, mỗi hộ 1.000 con.

Hiện nay, bệnh viêm phổi dính sườn, bệnh tai xanh trên heo đang diễn biến khá phức tạp ở khu vực các tỉnh miền Đông Nam bộ. Đây là bệnh truyền nhiễm gây thiệt hại lớn đến các hộ chăn nuôi. Tại hội thảo, các bác sĩ thú y đã đưa ra các biện pháp, phác đồ điều trị hiệu quả nhất bằng cách sử dụng một số loại thuốc kháng sinh dành cho heo.

Tuyến đường 534 chạy qua địa phận Nghi Lộc (Nghệ An) trở nên tấp nập hơn từ ngày trại nuôi bò Úc ở cụm công nghiệp Đô Lăng thuộc xã Nghi Lâm đi vào hoạt động. Đây là trại nuôi bò thịt, nhập ngoại đầu tiên của khu vực phía Bắc, và là trại nuôi bò thứ 7 của công ty Kết Phát Thịnh có trụ sở ở tỉnh Long An (6 trại khác ở Long An và TP. Hồ Chí Minh)...