Phát triển nuôi trồng thủy sản

Tuyển chọn cá chép lai bố mẹ tại Trại cá giống Cù Vân (Đại Từ).
Thái Nguyên có tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản.
Tổng diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh là 6.925ha, trong đó có 2.285ha ao gia đình; 1.140ha hồ chứa nước thuỷ lợi vừa và nhỏ có thể nuôi thủy sản theo hình thức thâm canh, bán thâm canh và quảng canh; 1.000ha ruộng cấy lúa có thể kết hợp nuôi thủy sản; 2.500 ha hồ chứa Núi Cốc có thể nuôi thả, nuôi lồng và bảo tồn các giống loài thuỷ sản quý hiếm.
Ngoài ra còn 12.000ha mặt nước các sông suối, có khả năng nuôi lồng, nuôi eo ngách, khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Trong giai đoạn 2011 - 2014, nuôi trồng thủy sản của tỉnh đã có những bước phát triển đáng kể.
Diện tích mặt nước được đưa vào nuôi thủy sản ngày càng tăng, đến nay là 5.881ha, bao gồm các ao, hồ nhỏ, hồ Núi Cốc (2.500ha) và một phần diện tích ruộng kết hợp cấy lúa; sản lượng thủy sản tăng bình quân 8,7%/năm (năm 2011 là 6.171 tấn; năm 2014 đạt 7.778 tấn và năm 2015 ước đạt 8.000 tấn).
Đối tượng nuôi chủ yếu là cá truyền thống, chiếm khoảng 70% diện tích và sản lượng, bao gồm: cá mè, trắm, chép, trôi...; các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao như: rô phi đơn tính, chép lai, chim trắng, diêu hồng... và loài đặc sản ba ba, lươn, ếch, cá tầm… chiếm khoảng 30%.
Hình thức nuôi hiện nay chủ yếu là nuôi ghép chiếm khoảng 90%, nuôi đơn chiếm khoảng 10% diện tích.
Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh, có một số vùng có nguồn nước lạnh có thể phát triển nuôi các đối tượng thủy sản nước lạnh bao gồm các xã: La Bằng, Hoàng Nông, Mỹ Yên, Quân Chu (Đại Từ); Phú Thượng, Thần Sa (Võ Nhai)… có thể cho sản lượng nuôi trên 100 tấn/năm.
Hiện nay đã có 3 cơ sở đang đầu tư nuôi cá tầm tại xã La Bằng (Đại Từ) và xã Phú Thượng (Võ Nhai), sản lượng năm 2014 đạt khoảng 28 tấn.
Cùng với đó, trên địa bàn tỉnh có 6 trại sản xuất giống thủy sản và Xí nghiệp thủy sản Núi Cốc, ngoài ra còn mạng lưới ương nuôi, dịch vụ giống thủy sản tại các huyện trong tỉnh.
Các cơ sở sản xuất giống cung ứng trên 500 triệu cá bột và 50 triệu cá giống đáp ứng khoảng 85% nhu cầu nuôi của tỉnh.
Công tác nghiên cứu khoa học và khuyến ngư đã có những chuyển biến đáng kể.
Nhiều giống loài nuôi mới và kỹ thuật nuôi tiên tiến đã được nghiên cứu và áp dụng vào sản xuất đem lại hiệu quả.
Trong 3 năm (2013 - 2015), từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước 340,6 triệu đồng, Trung tâm Thủy sản đã triển khai hỗ trợ các mô hình phát triển thủy sản như mô hình nuôi cá tổng hợp trong ao theo hướng GAP trên diện tích 1ha tại các huyện Định Hóa, Phú Lương và Đại Từ.
Trong 7 tháng thực hiện, năng suất trung bình đạt 8,4 tấn/ha, trừ chi phí mua cá giống, thức ăn và thuốc phòng bệnh, người nuôi thu lãi trên 62,2 triệu đồng.
Năm 2013; mô hình nuôi cá ao thâm canh sử dụng chế phẩm sinh học cũng được triển khai tại Phổ Yên, Phú Bình và Đại Từ với quy mô 0,4ha, sau 7 tháng thực hiện mô hình, năng suất cá đạt 12,33 tấn, trừ chi phí còn lãi trên 89 triệu đồng.
Mô hình nuôi cá trong hồ chứa nhỏ (năm 2014) với diện tích 4,5ha tại các địa phương: Định Hóa, Phú Lương, Phú Bình, cũng đem lại cho người nuôi số tiền lãi gần 31 triệu đồng/ha.
Mô hình nuôi cá diêu hồng trong ao quy mô 0,8ha tại các huyện Định Hóa, Phú Lương, Đại Từ, T.P Thái Nguyên và Phú Bình; nuôi thâm canh cá rô phi đơn tính đực (năm 2015), cũng đang sinh trưởng và phát triển tốt.
Kết quả của các mô hình là cơ sở quan trọng cho việc lựa chọn đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế và kỹ thuật nuôi tiên tiến để phát triển nuôi trồng thủy sản trên địa bàn.
Theo ông Vũ Đình Thịnh, Giám đốc Trung tâm Thủy sản, sản lượng thủy sản tăng trưởng như hiện nay là nhờ mạnh dạn thay đổi cơ cấu giống mới năng suất cao vào sản xuất.
Thay đổi tập quán canh tác của bà con từ thả cá sang nuôi cá có đầu tư; chăn nuôi một số loại cá đặc sản thủy sản như nuôi cá tầm nước lạnh, cá diêu hồng, cá chiên (nuôi lồng), nuôi lươn không bùn với công nghệ mới; khai thác và nuôi cá ở các hồ chứa nhỏ.
Có thể nói, nguồn lợi do nuôi trồng thủy sản đem lại khá cao, từ 300 - 350 triệu đồng/ha, trong khi sản lượng cá của Thái Nguyên mới chỉ đáp ứng được một phần ba nhu cầu của người dân trong tỉnh.
Để tận dụng tiềm năng sẵn có, phát triển nuôi trồng thủy sản, trong những năm tới, ngành Thủy sản tiếp tục có những giải pháp nhằm tận dụng toàn bộ diện tích mặt nước hồ chứa thủy lợi vào nuôi trồng thủy sản trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa khai thác thủy lợi, nuôi trồng thủy sản và các hoạt động khác.
Xây dựng vùng sản xuất thuỷ sản hàng hoá tập trung, chất lượng cao với quy mô diện tích 500ha, chiếm 30% diện tích nuôi thâm canh cả tỉnh; dự kiến xây dựng các vùng sản xuất hàng hoá tập trung tại các huyện Phú Bình, Phổ Yên, Đại Từ, Phú Lương, T.P Thái Nguyên; khuyến khích áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP);
Phát triển nhân rộng các hình thức tổ chức sản xuất hiệu quả và tăng cường phát triển dịch vụ thuỷ sản…
Có thể bạn quan tâm

Bộ Tài chính vừa ban hành Công văn số 6239/BTC-QLG, công bố giá thành sản xuất và giá mua lúa định hướng vụ hè thu năm 2014.

Doanh nghiệp thủy sản muốn được xuất khẩu cá tra phải đạt các yêu cầu trong các điều khoản của Nghị định 36/2014/NĐ-CP về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra thì mới được Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VN Pangasius) xác nhận đăng ký hợp đồng trước khi xuất khẩu.

2013 được coi là năm thành công đối với nuôi tôm nước lợ của các tỉnh phía Bắc, khi khống chế được dịch bệnh hoại tử gan tụy, người nuôi được mùa, được giá.

Các rào cản thương mại mang tính bảo hộ của Mỹ sẽ không những là nguy cơ đối với xuất khẩu thủy sản không chỉ của Việt Nam mà, còn các nước ASEAN khác. Đó là nhận định được đưa ra bên lề cuộc thảo luận bàn tròn về hợp tác nông nghiệp Việt-Mỹ vừa diễn ra tại Washington DC.

Với ưu điểm trái ngon, nhanh cho thu hoạch, giá cả và thị trường đầu ra hấp dẫn, cho thu nhập cao, nên có không ít nông dân xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy (Hậu Giang) đang chọn cây ổi lê Đài Loan trồng thay thế những cây trồng kém hiệu quả. Đây được xem là mô hình điểm trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, góp phần giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.