Phát Triển Nuôi Nhuyễn Thể Hai Mảnh Vỏ Bền Vững

Ngày 6-11, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN&PTNT Quảng Ninh tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề Phát triển nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ bền vững.
Tham gia diễn đàn có các đại biểu của Vụ, Viện nghiên cứu về nuôi trồng thủy sản của Bộ NN&PTNT, đông đảo bà con ngư dân của các tỉnh Hải Phòng, Hà Tĩnh, Nam Định, Ninh Bình, Nghệ An, Thái Bình, Thanh Hóa và Quảng Ninh.
Tại hội nghị, tiến sỹ Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khẳng định: Nuôi trồng thủy sản nói chung, nuôi nhuyễn thể nói riêng đạt hiệu quả kinh tế cao phụ thuộc vào nguồn giống tốt và khoa học kỹ thuật tốt. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay của các tỉnh phía Bắc trong nuôi nhuyễn thể là nguồn giống trong nước sản xuất ra chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu con giống của ngư dân, phần còn lại phải nhập giống chủ yếu từ Trung Quốc nên khó kiểm soát chất lượng con giống.
Cũng tại diễn đàn, nhiều đại biểu cho rằng để phát triển nuôi nhuyễn thể bền vững đòi hỏi các địa phương cần có quy hoạch và quản lý quy hoạch chi tiết vùng nuôi nhuyễn thể tập trung để kiểm soát tốt về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và cân đối cung cầu về sản lượng, hạn chế tình trạng khủng hoảng thừa/thiếu. Kiểm soát tốt chất lượng con giống, mật độ nuôi và các yếu tố môi trường để giảm thiểu dịch bệnh và hiện tượng chết do thiếu nguồn thức ăn tự nhiên; tăng cường công tác quản lý, quan trắc môi trường; kiểm tra, lấy mẫu và cấp giấy chứng nhận xuất xứ, chất lượng để đạt tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch.
Trung tâm Khuyến nông Quảng Ninh cũng đã đưa ra giải pháp cần đa dạng hóa đối tượng nuôi trồng, cân bằng sinh thái; tăng cường tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật, thông tin đến người nuôi các biện pháp kỹ thuật mới một cách thường xuyên.
Nhân dịp này, các Viện nghiên cứu của Bộ NN & PTNT đã giới thiệu cho bà con ngư dân các tỉnh phía Bắc một số phương pháp sản xuất con giống loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ như: Sản xuất giống ngao Bến Tre, Hầu bám, Hầu rời...
Nhuyễn thể được xác định là đối tượng nuôi chủ lực của nước ta, trong đó các loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ nuôi phổ biến ở các tỉnh ven biển phía Bắc, tập trung ở các bãi bồi, cửa sông ven biển, nơi có nền đáy có cát hoặc cát pha bùn. Diện tích nuôi nhuyễn thể tăng liên tục trong những năm gần đây. Nếu như năm 2008 tổng diện tích nuôi nhuyễn thể là hơn 20.000 ha thì đến năm 2013 đã tăng lên tới gần 41.000 ha. Mục tiêu phát triển diện tích nuôi nhuyễn thể hai mảnh ở khu vực phía Bắc đạt hơn 43.000 ha trong năm 2015 và hơn 55.000 ha vào năm 2020.
Tại diễn đàn, các nhà khoa học, cơ quan chức năng đã trực tiếp giải đáp những thắc mắc của bà con ngư dân và các doanh nghiệp về kỹ thuật, cách phòng chống dịch bệnh và sản xuất giống trong nuôi nhuyễn thể.
Có thể bạn quan tâm

Công đoàn các KCN & Chế xuất Trà Nóc (Cần Thơ) và Cty CP Thủy sản Bình An (Bianfishco) tổ chức cuộc họp với các đối tác và đại diện các hộ nông dân bán cá tra.

Thành công bước đầu của việc trồng xen canh cây sa nhân tím dưới tán rừng, và rừng xoan đã cho kết quả tốt, hứa hẹn một sự khởi đầu thuận lợi, đồng thời mở ra hướng đi mới, tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người dân đồng thời gắn kết tăng hiệu quả công tác bảo vệ rừng

Nằm về phía tây tỉnh Quảng Trị, Hướng Hóa đến nay vẫn là huyện biên giới miền núi nghèo. Để tìm lời giải cho bài toán xóa đói giảm nghèo, huyện Hướng Hóa đã và đang phát huy nội lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển nông nghiệp bền vững, sản xuất hàng hóa tập trung. Thực hiện có hiệu quả lộ trình xây dựng nông thôn mới, để giảm nghèo bền vững ở những xã đặc biệt khó khăn.

Sau khi tiến hành khảo nghiệm trên cả diện hẹp và diện rộng, các đơn vị nghiên cứu loại ngô biến đổi gen có chung ý kiến rằng loại cây này không ảnh hưởng đến hệ sinh thái xung quanh. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học cảnh báo, kết quả nghiên cứu còn chưa đủ tin cậy và cần tiếp tục tiến hành khảo nghiệm thêm trước khi trồng đại trà.

Nuôi cá đồng đã góp phần nâng cao thu nhập của nhiều hộ gia đình ở nông thôn. Lượng cá nuôi này đã cung ứng một lượng lớn cho thị trường nội địa. Phát triển nuôi cá đồng theo hướng bền vững được xem là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong kinh tế nông nghiệp ở mỗi địa phương