Phát Triển Nuôi Nhuyễn Thể Hai Mảnh Vỏ Bền Vững

Ngày 6-11, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Sở NN&PTNT Quảng Ninh tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp với chủ đề Phát triển nuôi nhuyễn thể hai mảnh vỏ bền vững.
Tham gia diễn đàn có các đại biểu của Vụ, Viện nghiên cứu về nuôi trồng thủy sản của Bộ NN&PTNT, đông đảo bà con ngư dân của các tỉnh Hải Phòng, Hà Tĩnh, Nam Định, Ninh Bình, Nghệ An, Thái Bình, Thanh Hóa và Quảng Ninh.
Tại hội nghị, tiến sỹ Phan Huy Thông, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khẳng định: Nuôi trồng thủy sản nói chung, nuôi nhuyễn thể nói riêng đạt hiệu quả kinh tế cao phụ thuộc vào nguồn giống tốt và khoa học kỹ thuật tốt. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay của các tỉnh phía Bắc trong nuôi nhuyễn thể là nguồn giống trong nước sản xuất ra chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu con giống của ngư dân, phần còn lại phải nhập giống chủ yếu từ Trung Quốc nên khó kiểm soát chất lượng con giống.
Cũng tại diễn đàn, nhiều đại biểu cho rằng để phát triển nuôi nhuyễn thể bền vững đòi hỏi các địa phương cần có quy hoạch và quản lý quy hoạch chi tiết vùng nuôi nhuyễn thể tập trung để kiểm soát tốt về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và cân đối cung cầu về sản lượng, hạn chế tình trạng khủng hoảng thừa/thiếu. Kiểm soát tốt chất lượng con giống, mật độ nuôi và các yếu tố môi trường để giảm thiểu dịch bệnh và hiện tượng chết do thiếu nguồn thức ăn tự nhiên; tăng cường công tác quản lý, quan trắc môi trường; kiểm tra, lấy mẫu và cấp giấy chứng nhận xuất xứ, chất lượng để đạt tiêu chuẩn xuất khẩu chính ngạch.
Trung tâm Khuyến nông Quảng Ninh cũng đã đưa ra giải pháp cần đa dạng hóa đối tượng nuôi trồng, cân bằng sinh thái; tăng cường tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật, thông tin đến người nuôi các biện pháp kỹ thuật mới một cách thường xuyên.
Nhân dịp này, các Viện nghiên cứu của Bộ NN & PTNT đã giới thiệu cho bà con ngư dân các tỉnh phía Bắc một số phương pháp sản xuất con giống loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ như: Sản xuất giống ngao Bến Tre, Hầu bám, Hầu rời...
Nhuyễn thể được xác định là đối tượng nuôi chủ lực của nước ta, trong đó các loài nhuyễn thể hai mảnh vỏ nuôi phổ biến ở các tỉnh ven biển phía Bắc, tập trung ở các bãi bồi, cửa sông ven biển, nơi có nền đáy có cát hoặc cát pha bùn. Diện tích nuôi nhuyễn thể tăng liên tục trong những năm gần đây. Nếu như năm 2008 tổng diện tích nuôi nhuyễn thể là hơn 20.000 ha thì đến năm 2013 đã tăng lên tới gần 41.000 ha. Mục tiêu phát triển diện tích nuôi nhuyễn thể hai mảnh ở khu vực phía Bắc đạt hơn 43.000 ha trong năm 2015 và hơn 55.000 ha vào năm 2020.
Tại diễn đàn, các nhà khoa học, cơ quan chức năng đã trực tiếp giải đáp những thắc mắc của bà con ngư dân và các doanh nghiệp về kỹ thuật, cách phòng chống dịch bệnh và sản xuất giống trong nuôi nhuyễn thể.
Có thể bạn quan tâm

Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, đang chuẩn bị nhập khẩu gạo lần đầu tiên trong vòng gần một phần tư thế kỷ, nhằm cung cấp lương thực cho khu vực vùng sâu vùng xa.

Từ giữa tháng 9/2014, bắt đầu đăng ký nuôi cá tra và hợp đồng xuất khẩu sản phẩm cá tra, thực hiện Nghị định 36 của Chính phủ, để đưa ngành cá tra vượt qua khủng hoảng.

Theo Cục Quản lý chất lượng Nông lâm thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), mới đây Nga tiếp tục dỡ bỏ lệnh tạm đình chỉ nhập khẩu đối với một số doanh nghiệp thủy sản Việt Nam. Đầu tháng 8/2014, Nga cho phép 7 doanh nghiệp thủy sản Việt Nam xuất khẩu vào thị trường nước này.

Khảo sát tại hệ thống các cửa hàng chuyên bán thực phẩm hữu cơ với các chủng loại sản phẩm không dùng thuốc kháng sinh, phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật tại quận 1, quận 3, quận 7- TP.HCM cho thấy, số lượng thực phẩm sạch phục vụ bữa ăn gia đình cho người tiêu dùng rất phong phú với khoảng 300 sản phẩm từ các loại rau nhiệt đới, rau ôn đới, các loại thịt heo, gà, hải sản…

Hiện trang trại đang có 16 nhà trồng nấm, với số lượng lên đến 250.000 bịch mỗi đợt. Sau 2 tháng đưa lên giàn chăm sóc, nấm sẽ cho thu hoạch lứa đầu tiên, mỗi bịch thu được khoảng 4-5kg nấm tươi và sau mỗi vụ nấm khoảng 6 tháng, mỗi nhà nấm cho thu hoạch gần 1 tấn nấm khô, trị giá khoảng 120 triệu đồng.