Phát Triển Nông Nghiệp Hữu Cơ Cú Huých Cho Ngành Nông Nghiệp

Thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), mỗi năm Việt Nam sử dụng 10 triệu tấn phân bón các loại và đang là một trong những nước sử dụng phân bón/đơn vị diện tích cao nhất trên thế giới. Trong 3 năm gần đây, Việt Nam đã nhập và sử dụng từ 70 nghìn đến 100 nghìn tấn hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV) thành phẩm để phục vụ sản xuất nông nghiệp. Điều này khiến một lượng lớn hóa chất BVTV tồn lưu, gây nguy hại cho sức khỏe con người cũng như môi trường.
Lạm dụng phân hóa học, thuốc BVTV
Vào đầu vụ gieo sạ, nhất là vụ đông xuân, đồng ruộng được nhiều nông dân vệ sinh bằng…thuốc diệt cỏ! Sự thay đổi này, theo họ là do ruộng đồng bây giờ nhiều cỏ dại, chuột, côn trùng nên nếu sử dụng các biện pháp thủ công như nhổ cỏ bằng tay, cày dầm cuốc ải… vừa tốn tiền, mất công lại không tiêu diệt được chúng tận gốc.
Vì những lẽ đó nên dù biết dùng thuốc diệt cỏ sẽ hại mình, hại đất, nhưng nhiều nông dân vẫn lựa chọn phương thức dọn đồng này. Tuy nhiên, chẳng biết vì chưa nhận ra, hay do quá chuộng tính năng diệt cỏ nhanh, chi phí rẻ mà họ lại chấp nhận bỏ qua “tác dụng phụ” của thuốc. Đó là càng dùng, cỏ mọc càng nhiều. Nhiều đến nỗi ông Bùi Minh, thôn Tình Phú Nam, xã Hành Minh (Nghĩa Hành) đã phải bơm thuốc hai lần chỉ trong vòng hơn một tháng, nhưng hiện giờ cỏ vẫn phủ xanh từ bờ đến ruộng. “Không biết do thuốc dỏm hay vì cỏ khỏe nữa”, ông Minh nói buồn.
Không chỉ lúa, mà thuốc diệt cỏ và các loại phân bón hóa học, hóa chất BVTV cũng được nông dân ưa chuộng trong quá trình sản xuất rau màu, nuôi trồng thủy sản. Vì thế, thay vì bón phân chuồng đã ủ để dưỡng đất nuôi cây, dùng chế phẩm vi sinh để thúc tôm cua thì người dân lại lựa chọn phân, thuốc hóa học bởi tác dụng nhanh lại rẻ. Về lâu dài, cách làm này đã khiến đất ngày càng chai sần bạc màu, nguồn nước ô nhiễm, kéo theo năng suất và chất lượng sản phẩm cũng chóng suy giảm.
Hẳn thế mà trong Hội nghị triển khai sản xuất vụ đông xuân 2014 – 2015, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật miền Trung Nguyễn Văn Thơ cảnh báo: “Nông dân Quảng Ngãi ngày càng ít dùng phân chuồng hay cày dầm gốc rạ, mà đang lạm dụng phân hóa học, thuốc BVTV. Điều này khiến cỏ dại, sâu bệnh “nhờn” thuốc nên chúng phát triển nhanh và mạnh; trong khi thiên địch của chuột, dịch hại thì lại thưa dần”.
Đã đến lúc phải thay đổi
Phải thừa nhận rằng, phân hóa học và các hóa chất BVTV đã góp công lớn trong việc nâng cao năng suất và sản lượng, đảm bảo an ninh lương thực. Tuy nhiên, lâu nay nông dân sử dụng chúng với suy nghĩ “bón phân phun thuốc càng nhiều thì cây càng tốt, lại ít sâu bệnh”. Thế mới có chuyện lượng phân bón, thuốc BVTV đổ xuống đất nhiều, nhưng hiệu quả sử dụng chẳng đáng là bao. Điều này theo ông Nguyễn Văn Thơ là do “bà con nông dân chưa nhận thức đúng và đầy đủ vai trò của phân bón hóa học và thuốc BVTV”.
Vậy làm thế nào để nông dân nhận thức đúng? Câu hỏi này đã được đặt ra từ lâu nhưng đến giờ, câu trả lời vẫn còn bỏ ngỏ. Và, tại Hội nghị trực tuyến về công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản trong cả nước hồi tháng 7 vừa qua, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã gợi mở: “Bên cạnh việc thực hiện các chương trình IPM, ICM, "1 phải 5 giảm", "3 giảm 3 tăng" hay sản xuất theo quy trình VietGap, thì đã đến lúc ngành nông nghiệp phải thay đổi tư duy và phương thức sản xuất. Và nông nghiệp hữu cơ là lựa chọn tất yếu”.
Nói thì dễ, nhưng để thực hiện "nông nghiệp hữu cơ" là cả một vấn đề. Bởi hiện giờ, việc sản xuất của nông dân dường như không thể không có phân hóa học, hóa chất BVTV; trong khi sản xuất nông nghiệp hữu cơ thì còn manh mún, nhỏ lẻ. Thế nên để nông nghiệp hữu cơ sớm được phát triển rộng rãi, thực sự trở thành cú huých cho ngành nông nghiệp trong việc gia tăng năng suất gắn với chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm... thì nó cần những chính sách hỗ trợ đặc thù, cũng như sự vào cuộc mang tính đột phá của ngành nông nghiệp và nông dân, mà trước hết là làm sao để bà con từ bỏ dần thói quen dùng phân hóa học và hóa chất BVTV.
Nguồn bài viết: http://baoquangngai.vn/channel/2025/201412/phat-trien-nong-nghiep-huu-co-cu-huych-cho-nganh-nong-nghiep-2356585/
Có thể bạn quan tâm

Cá lóc đồng 4,2 kg vừa được anh Nguyễn Văn Vũ (ấp Long Thành, xã Long Điền B, Chợ Mới - An Giang) bắt được tại con kênh trước nhà nối vào rạch Ông Chưởng.

Vài năm trở lại đây, nhiều hộ nuôi tôm ở Lấp Vò (Đồng Tháp) lâm vào tình trạng thua lỗ hoặc lợi nhuận thấp do thời tiết diễn biến bất thường, nguồn tôm giống bị thoái hóa.

Nhiều trang trại nuôi gà đẻ trứng tại các huyện: Vĩnh Cửu, Trảng Bom và Xuân Lộc (Đồng Nai) cho biết, hiện giá trứng gà bán ra tại trại chỉ còn 18-19 ngàn đồng/chục, giảm 2-3 ngàn đồng/chục so với cuối tháng 8-2013. Giá trứng gà giảm là do nhu cầu tiêu thụ chậm lại so với gần 2 tuần trước. Năm nay, nhu cầu mua trứng để làm bánh trung thu không nhiều, nên giá trứng ít biến động.

Lãnh đạo UBND huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) vừa khảo sát và làm việc với 18 hộ dân ấp Vàm Hồ, xã An Thạnh Nam nhằm bàn biện pháp khắc phục vùng nuôi tôm bị thiệt hại.

Một số nơi trong tỉnh Bắc Giang, có việc chính quyền sở tại cho nông dân thầu hoặc buông lỏng quản lý để xảy ra nhiều trường hợp lấn chiếm lưu vực, dòng kênh tiêu để nuôi thả cá. Việc làm này mang lợi ích cho số ít người nhưng lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác tiêu úng, gây thiệt hại lớn về sản xuất của hàng trăm hộ dân.