Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Phát Triển, Nhân Rộng Các Mô Hình Kinh Tế Ở Thạch Thành

Phát Triển, Nhân Rộng Các Mô Hình Kinh Tế Ở Thạch Thành
Ngày đăng: 03/11/2014

Theo chân cán bộ xã Thạch Quảng, chúng tôi đến thăm mô hình chăn nuôi dưới tán rừng của gia đình anh Bùi Văn Cự tại làng Thố. Không giấu nổi niềm vui khi đã chọn được con đường làm giàu đúng đắn, anh Cự nhiệt tình dẫn chúng tôi đi thăm những chuồng trại dưới đồi mía và keo.

Anh chia sẻ, những năm trước, do chưa có định hướng nên gia đình chỉ độc canh 4 ha keo và mía, hiệu quả kinh tế chưa cao. Từ khi biết đến đề án “chăn nuôi dưới tán rừng” của huyện cùng với sự quan tâm của chính quyền, cán bộ địa phương và học hỏi từ bạn bè, anh em, anh đã mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi.

Chủ động chuồng trại, tiêm phòng định kỳ nên năm 2013, đàn vật nuôi gồm 20 con lợn cỏ và lợn rừng, 300 con chim trĩ và gà đồi, mang lại cho gia đình lợi nhuận hơn 100 triệu đồng. Anh đang dự tính, sang năm 2015 sẽ chuyển đổi 2,3 ha trồng mía kém năng suất sang trồng cỏ và mua thêm 10 con bò để chăn nuôi.

Đây chỉ là 1 trong số 15 hộ gia đình đăng ký xây dựng trang trại chăn nuôi dưới tán rừng đang được UBND xã Thạch Quảng hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ đề nghị UBND huyện Thạch Thành cấp giấy Chứng nhận trang trại trong năm 2014. Theo thống kê của UBND xã Thạch Quảng, từ khi đề án chăn nuôi dưới tán rừng được triển khai, đến hết tháng 9-2014 đàn bò tăng 27,1% so với cùng kỳ, đàn dê tăng 59%; đàn gia cầm tăng 22%, đặc biệt đã phát triển được 578 đàn ong mật, đạt 231% kế hoạch huyện giao.

Hiệu quả từ mô hình chăn nuôi dưới tán rừng đã giúp người nông dân tăng thu nhập trên từng đơn vị diện tích canh tác, ổn định việc làm, thu nhập bình quân đầu người 9 tháng năm 2014 đạt 19,5 triệu đồng.

Trao đổi với cán bộ Phòng nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạch Thành, chúng tôi được biết, từ năm 2013, đề án “chăn nuôi dưới tán rừng” được triển khai, đến nay nhiều mô hình chăn nuôi con đặc sản được đầu tư phát triển mạnh; trong đó đàn dê, đàn ong mật tăng nhanh.

Đến nay, toàn huyện có 17.801 con trâu, tăng 11,9%; đàn bò 6.531 con, tăng 27,6%; đàn dê 14.708 con, tăng 63,3%; đàn lợn 41.808 con, tăng 39,6%; đàn gia cầm 554.103 con, tăng 202,9%; đàn ong 43.189 đàn, tăng 654%. Không chỉ phát triển mạnh về số lượng, công tác lai tạo giống, tiêm phòng được huyện chú trọng nên hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi được nâng lên rõ rệt.

Trong lĩnh vực trồng trọt, sau dồn điền, đổi thửa huyện đã hình thành phát triển các vùng chuyên canh tập trung như vùng trồng lúa, vùng trồng mía nguyên liệu, cao su...

Với việc áp dụng cơ giới hóa, thay đổi cơ cấu giống, đầu tư thâm canh..., năng suất của các loại cây trồng tăng lên qua từng năm. Với cây lúa, năng suất từ 44,4 tạ/ha năm 2010 tăng lên 53 tạ/ha năm 2014; cây mía tăng từ 40 tấn/ha niên vụ 2009-2010 lên 60,7 tấn/ha niên vụ 2013-2014...

Bên cạnh đó, huyện hình thành được 1.200 ha diện tích gieo trồng rau màu các loại, trong đó có nhiều loại rau cao cấp như ớt, dưa chuột, dưa bao tử, bí xanh... trên cơ sở hợp tác liên kết giữa nông dân - HTX - doanh nghiệp và cho thu nhập từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng/ha/vụ. Bước đầu hình thành vùng rau an toàn với quy mô 4ha theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Thành Hưng phù hợp thị hiếu người tiêu dùng và nâng cao thu nhập cho nông dân.

Phát triển cây công nghiệp là thế mạnh của Thạch Thành, ngoài cao su, có thể kể đến hiệu quả từ mô hình trồng cây mắc ca đang được khuyến khích nhân rộng ở nhiều xã trên địa bàn. Đây cũng được xác định là một trong 3 cây công nghiệp trong chiến lược phát triển của huyện.

Với mô hình này, lợi nhuận thu được hàng năm từ 300 đến 500 triệu đồng/ha. Với mục tiêu tái cơ cấu ngành trồng trọt theo hướng phát triển vùng chuyên canh tập trung, 2 vườn ươm giống cây mắc ca tại 2 xã Thành Mỹ và Thành Tâm đang được đầu tư nhằm cung ứng giống phục vụ nhu cầu trồng của nông dân.

Theo lộ trình, giai đoạn 2015-2020 sẽ có hơn 2.000 ha đất trồng mía kém năng suất, đất vườn... được tập trung phát triển cây mắc ca. Bên cạnh đó, các loại cây ăn quả hiệu quả kinh tế cao, thị trường tiêu thụ mở như bơ, bưởi, cam cũng đang được khuyến khích nhân rộng và đến năm 2020 có hơn 700 ha diện tích trồng cây ăn quả, trong đó có 500 ha trồng bơ.

Để phát huy thế mạnh nông - lâm nghiệp, bảo đảm tăng trưởng bền vững, việc quy hoạch, định hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trong đó xác định các cây trồng, vật nuôi chủ lực có ưu thế cạnh tranh, cùng với những giải pháp gắn với chế biến sản phẩm nông nghiệp sẽ là hướng đi bền vững của huyện trong thời gian tới.


Có thể bạn quan tâm

Tiền Giang Làm Giàu Từ Tiền Giang Làm Giàu Từ "Vàng Trắng" Ở Vùng Biển Gò Công

Khoảng thập niên 1990, con nghêu không biết từ nơi đâu đã xuất hiện tại bãi biển Tân Thành, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) nhiều vô số kể. Từ đó, nơi đây đã hình thành, phát triển mạnh nghề nuôi nghêu thương phẩm. Cũng chính nhờ “lộc trời cho” này mà nhiều người dân nơi đây đã thoát nghèo, từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên khá giàu.

27/08/2014
Bệnh Lở Mồm Long Móng Tái Xuất Bệnh Lở Mồm Long Móng Tái Xuất

Theo số liệu của Cục Thú y, từ đầu năm đến nay, trên cả nước có 9 tỉnh ở khu vực phía Bắc và Tây Nguyên đã xảy ra dịch lở mồm long móng (LMLM) trên đàn gia súc. Hiện tại, bệnh LMLM cũng đã xuất hiện trên đàn gia súc của BR-VT.

27/08/2014
Nuôi Bò Sữa Công Nghệ Cao Nuôi Bò Sữa Công Nghệ Cao

Đàn bò sữa TPHCM đã chạm ngưỡng 100.000 con. Con số mà trước đây không ít người cho là không tưởng ở một TP thương mại và dịch vụ hàng đầu cả nước như TPHCM. Nếu như bò sữa được nuôi ở Việt Nam hơn nửa thế kỷ, thì nuôi bò sữa hàng hóa để bán chỉ mới có khoảng 30 năm trở lại đây.

27/08/2014
Sóc Trăng Nuôi Heo Rừng Thuận Lợi Và Khó Khăn Sóc Trăng Nuôi Heo Rừng Thuận Lợi Và Khó Khăn

Hiện nay, ở Sóc Trăng các mô hình nông nghiệp dễ làm, tốn ít chi phí đều rất thu hút nông dân, nhất là những hộ có sẵn đất đai muốn làm thêm các mô hình ngoài trồng lúa. Trong đó nuôi heo rừng rất được bà con quan tâm, nhưng số hộ nuôi chưa nhiều, vì vẫn còn những khó khăn nhất định.

27/08/2014
Thừa Thiên Huếtrúng To Vụ Lúa Hè Thu Thừa Thiên Huếtrúng To Vụ Lúa Hè Thu

Ông Hoàng Văn Vọng ở xã Điền Hải (Phong Điền - Thừa Thiên Huế) phấn khởi: “Lâu rồi bà con mới có vụ lúa hè thu được mùa. Vụ hè thu trước, năng suất bình quân mỗi sào chỉ 2 tạ. Vụ này, gia đình gieo trồng hơn năm sào, mỗi sào đạt 2,7 tạ, cao hơn 0,7 tạ so với vụ hè thu trước”.

27/08/2014