Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Phát triển mô hình nuôi ếch hệu quả nhưng chưa bền vững

Phát triển mô hình nuôi ếch hệu quả nhưng chưa bền vững
Ngày đăng: 01/11/2015

Ông Lê Văn Minh mong muốn được hỗ trợ nông dân nuôi ếch tìm nguồn giống ếch đảm bảo

Thu nhập khá từ nuôi ếch

Mặc dù có 7,5 công lúa nhưng thu nhập của gia đình ông Lê Văn Minh ngụ ấp 4, xã Tân Hội Trung chỉ khiêm tốn với trên 30 triệu đồng/năm.

Với số tiền này, gói ghém lắm mới đủ trang trải cho các chi phí chi tiêu hằng ngày của gia đình.

Nhận thấy thu nhập từ cây lúa còn hạn chế nên ông Minh học hỏi kinh nghiệm để phát triển mô hình nuôi ếch.

Ông Minh cho biết: “Tính đến nay tôi đã gắn bó với mô hình nuôi ếch thịt được 6 năm.

Cùng với lúa, hiện ếch trở thành nguồn thu nhập chính của gia đình, năm nào nuôi ếch trúng, bán được giá cao, có thể thu được vài chục triệu đồng.

Nuôi ếch lợi thế hơn so với một số loại vật nuôi khác ở chỗ có thể tận dụng diện tích ao bên ngoài vèo nuôi ếch để nuôi thêm cá điêu hồng, cá trê”.

Anh Nguyễn Thanh Vũ ở ấp 4, xã Tân Hội Trung cho biết, năm 2008, thấy nhiều nơi ở xã Bình Hàng Tây nuôi ếch cho hiệu quả cao nên anh quyết định học hỏi kinh nghiệm nuôi.

Lúc đầu anh thử nghiệm nuôi 3 - 5 vèo, về sau thấy hiệu quả nên anh mở rộng phát triển trên 60 vèo nuôi với gần 18.000 con ếch thịt.

Bên cạnh đó, anh còn sản xuất ếch giống cung cấp cho bà con trong xóm.

Nhờ nuôi ếch mà gia đình anh có thu nhập ổn định và trở nên khấm khá hơn.

Theo anh, để nuôi khoảng 1.000 con ếch thịt, người nuôi chỉ bỏ vốn đầu tư khoảng trên 3 triệu đồng, thời gian nuôi khoảng 2,5 tháng.

Chỉ cần nuôi đạt được 200kg ếch thịt với giá bán trên 30.000 đồng/kg thì người nuôi có thể lãi trên 2 triệu đồng.

Theo anh Mai Phước Hậu - cán bộ nông nghiệp xã Tân Hội Trung, do địa bàn xã trải dài theo các kênh rạch nên rất thuận lợi cho việc phát triển nghề nuôi ếch.

Xã có 6 ấp thì ấp nào cũng có hộ nuôi ếch (tổng số trên 130 hộ), trong đó ấp 4 có số hộ nuôi ếch nhiều nhất.

Mô hình nuôi ếch tính đến thời điểm hiện tại được xem là hiệu quả.

Tuy nhiên, sự phát triển của mô hình này vẫn còn thiếu tính bền vững do giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, đầu ra chưa ổn định, đặc biệt chất lượng giống không đảm bảo, con giống bị trùng huyết dẫn tới tỷ lệ hao hụt trên đàn ếch nuôi rất cao.

Còn nhiều bất cập

Ông Nguyễn Thanh Vũ cho biết thêm, so với 10 năm trước thì hiện nay tỷ lệ ếch nuôi bị hao hụt rất cao, chiếm khoảng 40% số lượng đàn nuôi.

Nông dân trong xã được dự nhiều lớp tập huấn do Phòng Nông nghiệp huyện phối hợp với xã hướng dẫn, song vẫn chưa cải thiện được tình trạng này.

Bởi hiện nay chưa có nguồn giống nào thay thế, nên thường đến vụ thả nuôi những hộ không sản xuất con giống vẫn mua con giống những hộ sản xuất xung quanh.

Riêng những hộ sản xuất giống quanh năm thì vẫn dùng con giống bố mẹ từ những đàn giống trước đó lai tạo và cung cấp, tình trạng này cứ tái diễn từ năm này qua năm khác dẫn tới độ trùng huyết trên con ếch rất cao nhưng chưa có biện pháp nào cải thiện...

Một khó khăn khác đối với nông dân nuôi ếch ở xã Tân Hội Trung hiện nay là vấn đề múc hầm nuôi ếch.

Theo những hộ nuôi ếch lâu năm, muốn nuôi ếch hiệu quả thì phải kết hợp mô hình nuôi ghép ếch - cá, muốn nuôi theo hình thức này thì phải múc hầm, tuy nhiên khi múc hầm thì phải chuyển đổi quyền sử dụng đất...

Ông Lê Văn Dũng ở ấp 4, xã Tân Hội Trung cho biết: “Gắn bó với nghề nuôi ếch giống được hơn 10 năm, thấy lợi nhuận từ mô hình này cũng khá nên năm 2014 tôi quyết định đào thêm ao để mở rộng diện tích nuôi ếch giống.

Cứ tưởng việc múc hầm là điều bình thường, nào ngờ việc đào ao đang tiến hành thì có văn bản gửi xuống không được tiếp tục việc đào ao, nên tôi đành phải lấp hầm theo chủ trương, tính ra chưa nuôi thêm vụ nào mà tiền lấp hầm đã tốn vài chục triệu...”.

“Đây không chỉ là khó khăn của riêng tôi mà hầu như những hộ nuôi ếch nơi đây đều gặp phải, do vậy để giải quyết khó khăn và hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, chúng tôi rất mong ngành chức năng xem xét vấn đề múc hầm nuôi ếch cho nông dân trong xã, chẳng hạn xem xét những hộ có điều kiện thì cho thực hiện, còn những hộ nuôi có rủi ro cao thì không cho đào ao nuôi tiếp;

Cần hỗ trợ nông dân nuôi ếch tìm nguồn ếch giống đảm bảo chất lượng; bình ổn giá thức ăn và các loại vật tư đầu vào.

Đặc biệt, tạo sự ổn định cho đầu ra sản phẩm thông qua việc cung cấp thông tin thị trường, định hướng sản xuất và thúc đẩy mô hình liên kết, hợp tác giữa “4 nhà” nhằm gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ” - ông Lê Văn Dũng mong muốn.


Có thể bạn quan tâm

Chỉ hai Bộ, không quản nổi 5.000 loại phân bón Chỉ hai Bộ, không quản nổi 5.000 loại phân bón

“Một nước lớn như Trung Quốc cũng có chưa đến 100 loại phân bón, vậy mà ở nước ta có những 5.000 loại với trên 1.000 cơ sở sản xuất phân bón. Như thế thì hai Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT làm sao có thể quản lý nổi?”.

15/10/2015
Từ nông dân Việt Nam xuất sắc đến hình mẫu người nông dân mới Từ nông dân Việt Nam xuất sắc đến hình mẫu người nông dân mới

Chương trình Bình chọn và trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (T.Ư Hội NDVN) chỉ đạo lần đầu tiên được tổ chức năm 2013 nhân kỷ niệm 83 năm Ngày thành lập Hội NDVN.

15/10/2015
Nông dân xuất sắc tôi thấy tự hào và hãnh diện Nông dân xuất sắc tôi thấy tự hào và hãnh diện

“Từ bé tới giờ, đây là lần đầu tiên tôi được tận mắt thấy nhiều ảnh tư liệu, hiện vật trưng bày liên quan nhiều đến nông dân, Hội NDVN đến như vậy. Tôi cảm thấy tự hào là nông dân Việt Nam, hãnh diện được là hội viên Hội Nông dân Việt Nam…”.

15/10/2015
Tàu nằm bờ vì chờ mẫu lưới Tàu nằm bờ vì chờ mẫu lưới

Đã gần 2 tháng kể từ ngày bàn giao, thế nhưng tàu cá vỏ thép đóng theo Nghị định 67 về hỗ trợ vốn cho ngư dân đóng tàu vỏ thép của Chính phủ, vẫn nằm bờ vì chờ ngư lưới cụ đồng bộ theo tàu. Trong khi đó, ngư dân đang mòn mỏi đếm từng ngày để được vươn khơi đánh bắt.

15/10/2015
10 cái nhất của 63 nông dân xuất sắc 2015 10 cái nhất của 63 nông dân xuất sắc 2015

Ông Võ Văn Sơn ở xã Phước Dinh, Thuận Nam, Ninh Thuận là một trong những nông dân sở hữu "cái nhất" đáng nể - ông là người có thu nhập "khủng nhất" với số tiền thu về lên tới 30 tỷ đồng/năm.

15/10/2015