Phát Triển Mô Hình Nuôi Ếch

Thời gian gần đây, nhiều nông dân ở xã Mỹ Trung (Tiền Giang) chọn mô hình nuôi ếch Thái để tăng thu nhập cho gia đình. Mô hình này khá phù hợp với những nông dân ít đất sản xuất, thời gian nuôi ngắn nên đồng vốn xoay vòng nhanh, hiệu quả kinh tế khá cao và có thể kết hợp thả cá trong ao.
Anh Phạm Thành Quang, ở ấp Mỹ Thị B là một trong những nông dân thử nghiệm mô hình nuôi ếch thương phẩm đầu tiên ở xã. Năm 2012, trong một lần đến tỉnh Đồng Tháp anh biết đến mô hình nuôi ếch Thái, khi về nhà thả nuôi thử theo kiểu gia đình để làm thức ăn.
Sau đó, thấy ếch dễ nuôi, mau lớn, anh chuyển sang nuôi ếch thương phẩm. Do ít vốn lại thiếu kỹ thuật nên ban đầu anh chỉ làm một cái vèo trong ao sau nhà để thả nuôi 1.500 con nuôi ếch, bên ngoài anh thả cá trê để ăn thức ăn thừa của ếch. Sau 2 tháng nuôi, ếch đạt trọng lượng 3 con/kg, bán giá 30.000 đồng/kg.
Thấy lợi nhuận cao, anh đầu tư mở rộng quy mô, tiếp tục thả nuôi 4.500 con ếch thịt trong 2 vèo. Hiện nay, ao nhà anh còn 600 kg ếch thương phẩm gần đến ngày xuất bán, được thương lái hỏi mua với giá 31.500 đồng/kg.
Ngoài ra, trong ao còn có khoảng 1.000kg cá trê thịt với giá bán 25.000 ngàn đồng/kg.
Anh Quang cho biết kinh nghiệm: Khi mua ếch giống về nuôi phải biết rõ nguồn gốc, chọn con giống khỏe và đều nhau. Khi ếch còn nhỏ, cho ăn mỗi ngày từ 4-5 lần vào lúc trời mát và giảm dần số lần ăn khi ếch lớn.
Cũng như anh Quang, tận dụng diện tích mặt ao sau nhà, anh Ngô Văn Sáu ở ấp Mỹ Thị B bắt đầu nuôi 200 con ếch giống. Mỗi tháng anh ép 3 đợt, mỗi đợt khoảng 25 ngàn con ếch giống. Hiện tại ếch giống có giá từ 700 - 800 đồng/con nhưng gia đình anh vẫn không đủ con giống để cung cấp ra thị trường.
Anh Sáu cho biết, từ lúc ếch đẻ trứng đến 40 ngày sau mới bán ếch con. Để ếch giống cho hiệu quả cao cũng không phải dễ. Khâu chăm sóc rất quan trọng, do nòng nọc rất khó chăm sóc, nhất là vào mùa nghịch (tháng 7 - 10 âm lịch).
Về kinh nghiệm, anh Sáu cho biết: “Nuôi ếch Thái không khó, chỉ cần cho chúng ăn đều đặn, nguồn nước nuôi phải sạch, phải phòng ngừa các loại bệnh như mù mắt, sình bụng, gan thận mủ để ếch khỏe mạnh, giảm tỷ lệ hao hụt. Song, vướng mắc lớn nhất là nguồn vốn để đầu tư nuôi ếch. Đa số nông dân nuôi ếch đều có điểm chung là kinh tế còn khó khăn, ít đất sản xuất, do khó tiếp cận được nguồn vốn lãi suất thấp từ ngân hàng nên họ phải vay vốn bên ngoài với lãi suất cao để đầu tư cho mô hình”.
“Thấy mô hình nuôi ếch thương phẩm và ếch giống của anh Quang, anh Sáu đạt hiệu quả cao nên gần đây nông dân trong xã học hỏi và nhân rộng. Đến nay, toàn xã Mỹ Trung có 12 hộ chuyên nuôi ếch thịt và ếch giống” - ông Đào Văn Chào - Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Trung cho biết.
Theo các hộ nuôi ếch ở xã Mỹ Trung, nuôi loại thủy sản này không cần diện tích lớn, chỉ cần nguồn nước không ô nhiễm. Về thức ăn, ếch ăn các loại thủy sản xay nhuyễn như: cá biển, ốc bươu vàng hay thức ăn viên. Đối với thị trường tiêu thụ ếch thì không phải lo ngại, nhiều thương lái tại TP. Hồ Chí Minh đến trực tiếp hộ nuôi để mua ếch thịt với giá trên 30 ngàn đồng/kg.
Đối với vụ nghịch (vào mùa khô), giá ếch thịt tăng lên trên 40 ngàn đồng/kg. Riêng ếch giống không đủ cung cấp cho nhu cầu nuôi của nông dân trong và ngoài tỉnh. Do đó, nuôi ếch thương phẩm, ếch giống tại xã Mỹ Trung là mô hình đã và đang được nông dân ở đây nhân rộng.
Có thể bạn quan tâm

Năm 2014 thu lãi 1,3 tỷ đồng từ đầu tư trang trại, năm 2015 được nhận giải thưởng Lương Ðịnh Của do Trung ương Ðoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trao tặng, danh hiệu Sao Thần Nông của liên ngành Hội Nông dân Việt Nam - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Từ 3 hécta đất trồng lúa cho lợi nhuận thấp, ông Nguyễn Văn Hải (ấp Thị Cầu, xã Phú Đông, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai) đã chuyển đổi dần sang mô hình vườn - ao - chuồng khép kín, nuôi trồng các loại đặc sản cho hiệu quả kinh tế cao, như: ếch, gà ta, vịt đẻ…

Xã Sơn Nam (Sơn Dương - Tuyên Quang) có gần 2.000 hộ dân thì có đến 1.500 hộ chăn nuôi, trong đó có gần 100 hộ chăn nuôi quy mô lớn. Những năm qua, ngành chăn nuôi đã góp phần tích cực trong công tác xóa đói, giảm nghèo và trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Nhiều người dân, đặc biệt là người chăn nuôi bò sữa tại xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng đều biết và mang ơn ông Lê Hồng Duyên (1960).

Mô hình nuôi gà thả vườn an toàn sinh học của gia đình anh Tống Ngọc Phê, thôn Ngọc Sơn, xã Hà Bình, mang lại hiệu quả kinh tế cao.