Phát Triển Mô Hình Nuôi Cua

Thời gian gần đây tại các hồ nuôi cua thuộc khu vực sông Trường Giang của hộ ông Lê Văn Khôi (thôn Phú Ngọc, xã Tam Phú, Tam Kỳ, Quảng Nam) luôn có nhiều người đến xem và không ngớt lời thán phục về mô hình nuôi trồng thủy sản mới đầy hứa hẹn.
Ông Khôi cho biết, vào cuối tháng 5.2013, ông được Trung tâm Ứng dụng chuyển giao kỹ thuật NN&PTNT TP.Tam Kỳ hỗ trợ 40.000 con cua giống. Ông ươm số cua giống này trong hồ và cho cua ăn theo chế độ đặc biệt, sau 20 ngày ông vây lưới bắt kiểm tra còn lại hơn 13.000 con và phân ra làm 3 hồ có diện tích trên 6.500m2 để nuôi.
Qua 1 tháng 20 ngày thả nuôi, đến nay cua phát triển tốt, ăn nhiều, nhanh lớn, trọng lượng bình quân 10 con/kg. Ông Khôi nói: “So với nuôi tôm thì nuôi cua có phần đỡ vất vả hơn, chi phí thấp hơn bởi không cần phải sử dụng thuốc bảo vệ nuôi trồng thủy sản, không cần phải bón vôi, sử dụng hệ thống sục khí tạo oxy trong nước và chi phí cho thức ăn cũng thấp hơn.
Với trọng lượng và số lượng cua nuôi của tôi như hiện nay thì mỗi ngày cho ăn 30kg cá tươi, chia làm 2 lần, giá mỗi ký cá tươi là 8 nghìn đồng, vị chi mỗi ngày chi phí hết 240 nghìn đồng. Phần lớn cua hiện đang thay vỏ chuyển giai đoạn trong chu kỳ phát triển. Với đà này thì chưa đầy 2 tháng nữa thôi sẽ thu hoạch, trọng lượng cũng có thể đạt bình quân 4 con/kg”.
Thực hiện chủ trương chuyển đổi mô hình nuôi trồng thủy sản phát triển kinh tế hộ ở các vùng nông thôn, Trung tâm Ứng dụng chuyển giao kỹ thuật NN&PTNT TP.Tam Kỳ vừa đưa vào nuôi thử nghiệm cua giống trên những diện tích ao nuôi tôm nước lợ. Bằng những kỹ thuật mới nhất, qua hơn 1 tháng trung tâm đã xuất được hơn 40.000 cua con theo dòng C2 và C3 từ 1 con cua mẹ. Vì đây là đợt nuôi thử nghiệm, đồng thời xét thấy hộ ông Lê Văn Khôi đủ điều kiện và có nhu cầu nuôi, trung tâm đã xuất hỗ trợ miễn phí số lượng cua giống để ông Khôi triển khai mô hình.
Theo Trung tâm Ứng dụng chuyển giao kỹ thuật NN&PTNT TP.Tam Kỳ, mô hình sản xuất cua giống sẽ được nhân rộng và giá bán sẽ là từ 800 đến 1.000 đồng/con cua phôi, còn nếu sau khi ươm 12 - 15 ngày sẽ là 5.000 đồng/con. Từ kết quả đạt được, hiện trung tâm tiếp tục đưa vào nuôi tạo nguồn giống, đáp ứng nhu cầu nuôi trồng thủy sản cho nông dân.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn - Giám đốc Trung tâm Ứng dụng chuyển giao kỹ thuật NN&PTNT TP.Tam Kỳ cho biết, địa phương có trên 207ha mặt nước dùng để nuôi trồng thủy sản, chủ yếu là nuôi tôm thẻ chân trắng nhưng hiệu quả không cao. Người nuôi ngày càng gặp nhiều khó khăn như nguồn nước bị ô nhiễm, dịch bệnh thường xuyên xảy ra…
Để đa dạng hóa đối tượng nuôi, Trung tâm Ứng dụng chuyển giao kỹ thuật NN&PTNT TP.Tam Kỳ đưa con cua vào nuôi thử nghiệm trên địa bàn nhằm giúp nông dân có thêm đối tượng con vật nuôi để chuyển đổi mô hình nuôi trồng thủy sản, nâng cao hiệu quả kinh tế gia đình.
Có thể bạn quan tâm

Gần 8 năm đầu tư phát triển chăn nuôi, trang trại của ông Nguyễn Công Bắc ở Hợp tác xã 6, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn được coi là một trong những trang trại điển hình của tỉnh Sơn La về áp dụng phương pháp an toàn sinh học, chăn nuôi khép kín, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đem lại hiệu quả kinh tế, hạn chế tác động môi trường.

Giống gà “mặt quỷ” (Ayam Cemani), được xem là giống gà đắt giá nhất trên thế giới, có xuất xứ từ Indonesia. Nhiều người dân bản địa tin rằng, người sở hữu giống gà này sẽ đem lại nhiều may mắn trong cuộc sống. Với giới kinh doanh, nuôi loại gà này đang mở ra triển vọng doanh thu và lợi nhuận cao.

Hiện tại hai huyện miền núi có số lượng trồng măng lớn là Tri Tôn và Tịnh Biên đã có măng, giá bán cao gấp 5-10 lần so với vụ rộ.

Theo Sở NN-PTNT Kiên Giang, trong tháng 5 toàn tỉnh thu hoạch được 5.820 tấn tôm nguyên liệu, lũy kế từ đầu năm đến nay đạt 11.358 tấn, tăng gần 17% so với cùng kỳ.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, XK rau quả 5 tháng đầu năm 2015 của nước ta tiếp tục ghi nhận tín hiệu lạc quan.