Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Phát triển chăn nuôi từ manh mún sang quy mô trang trại

Phát triển chăn nuôi từ manh mún sang quy mô trang trại
Ngày đăng: 03/09/2015

Toàn huyện hiện có hơn 300 mô hình trang trại, gia trại, với tổng số vốn đầu tư hơn 100 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho gần 1.000 lao động thường xuyên và hàng nghìn lao động thời vụ. Trong đó, 13 trang trại đạt chuẩn theo tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và PTNT,

Bao gồm: 2 trang trại nuôi trồng thủy sản với diện tích mặt nước 12,2 ha, tổng vốn đầu tư hơn 2,5 tỷ đồng, giá trị sản xuất đạt 3,1 tỷ đồng mỗi năm, bình quân 1,55 tỷ đồng/trang trại; 7 trang trại chăn nuôi trên diện tích gần 9ha, tổng đàn lợn thịt hơn 5.800 con, đàn lợn nái 1.400 con, tổng vốn đầu tư hơn 40 tỷ đồng, giá trị sản xuất 50 tỷ đồng mỗi năm, bình quân 7,14 tỷ đồng/trang trại; 4 trang trại sản xuất tổng hợp trên diện tích 8 ha với số vốn đầu tư gần 8 tỷ đồng, giá trị sản phẩm hàng hóa 4,1 tỷ đồng mỗi năm, bình quân 1,025 tỷ đồng/trang trại.

Tại các xã Cảnh Hưng, Tân Chi… phong trào phát triển kinh tế trang trại hết sức sôi động. Nhiều trang trại có doanh thu trên 1 tỷ đồng như: trang trại nuôi lợn thịt của ông Lê Đắc Vinh, Nguyễn Thanh Bình, trang trại nuôi trồng thủy sản của ông Nguyễn Duy Tiên (xã Cảnh Hưng); trang trại chăn nuôi của ông Nguyễn Văn Tấu, trang trại tổng hợp của ông Nguyễn Đăng Hiển (xã Tân Chi)…

Các trang trại, gia trại trong huyện luôn đi đầu trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất nông nghiệp, nâng cao năng suất, chất lượng các loại nông sản hàng hóa. Đồng thời khai thác có hiệu quả tiềm năng về lao động, đất đai, góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng và phát triển của kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Trang trại của gia đình ông Lê Đắc Vinh, ở thôn Thượng, xã Cảnh Hưng, được xây dựng khoa học, đạt chuẩn theo các tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Ông Vinh cho biết, từ năm 2008, gia đình thuê hơn 3 ha đất, huy động vốn đầu tư đào ao, đắp bờ, xây dựng chuồng trại chăn nuôi. 4 dãy chuồng nuôi diện tích 6.000m2, thường xuyên nuôi 2.000-3.000 con lợn thịt (vừa nuôi theo hình thức gia công cho Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển chăn nuôi lợn Dabaco, vừa nuôi theo hình thức tự tiêu thụ sản phẩm).

Trung bình mỗi năm, gia đình ông Vinh xuất bán gần 1.000 tấn thịt lợn hơi, cho lợi nhuận 500-700 triệu đồng. Để bảo đảm an toàn dịch bệnh, ông luôn tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi, thực hiện tốt các biện pháp tiêu độc, khử trùng. Xung quanh chuồng trại, trồng các loại cây ăn quả, kết hợp ao nuôi các loại cá truyền thống, góp phần điều hòa không khí và nâng cao thu nhập.

Bên cạnh đó, gia đình ông còn nuôi thêm bò sữa và là cơ sở thu gom, tiêu thụ sữa bò cho các hộ chăn nuôi bò sữa trong vùng.

Theo ông Nguyễn Đình Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Du, việc phát triển kinh tế trang trại, gia trại đã góp phần đưa chăn nuôi từ manh mún, nhỏ lẻ sang quy mô lớn, cho năng suất, giá trị cao, cung ứng sản phẩm chất lượng ra thị trường. Để khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm của người nông dân, huyện tiếp tục khuyến khích nông dân phát triển kinh tế trang trại, gia trại chăn nuôi tập trung, khép kín theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp; phát triển đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo và nâng cao thu nhập cho người dân, đẩy nhanh tiến trình xây dựng NTM ở địa phương.

Bên cạnh những thành công, sản xuất, chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại ở Tiên Du vẫn còn những hạn chế, khó khăn cần giải quyết, nhất là vấn đề về nguồn vốn cũng như bài toán đầu ra cho sản phẩm. Để khắc phục, huyện tăng cường tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế trang trại; tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ trang trại, gia trại được vay các nguồn vốn ưu đãi.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về con giống, thức ăn chăn nuôi; thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, chuyển giao tiến bộ KHKT, góp phần giảm ô nhiễm môi trường, từng bước chuyển dịch sang sản xuất nông nghiệp hàng hóa.


Có thể bạn quan tâm

Tâm sáng của những chi hội trưởng lão làng Tâm sáng của những chi hội trưởng lão làng

Dù đã vào tuổi xấp xỉ 80, nhưng họ vẫn được hội viên, nông dân (ND) tín nhiệm “bắt” đảm nhận “chức” chi hội trưởng (CHT) chi hội nông dân. Họ trở thành những “già làng” của Hội ND. Với họ, tuổi cao, sức khỏe giảm nhưng nhiệt huyết, uy tín thì không giảm sút.

02/11/2015
Phương thức nuôi mới có thể nâng danh tiếng của cá rô phi từ vực thẳm Phương thức nuôi mới có thể nâng danh tiếng của cá rô phi từ vực thẳm

Nếu bất kỳ loài cá nào có thể sử dụng một số PR tốt thì đó chính là cá rô phi.Giống như một chính trị gia luôn dính vào vụ bê bối, nó bị cho là phá hoại hồ nguyên sơ vì bị nhiễm kích thích tố và gây ra tổn hại dinh dưỡng hơn thịt xông khói.

02/11/2015
Nông dân phố trổ tài thử trồng đặc sản vùng núi Nông dân phố trổ tài thử trồng đặc sản vùng núi

Là một loại rau quả được trồng nhiều ở miền Bắc nước ta, su su không khó trồng như bạn tưởng. Việc sở hữu một giàn rau quả su su tại nhà là điều mà các nông dân phố hoàn toàn có thể làm được trong tầm tay.

02/11/2015
Văn phòng Chính phủ trả lời 4 kiến nghị của Hội NDVN Văn phòng Chính phủ trả lời 4 kiến nghị của Hội NDVN

Văn phòng Chính phủ (VPCP) vừa có Công văn số 8845/VPCP-TH gửi Văn phòng T.Ư Đảng trả lời 4 kiến nghị của Hội Nông dân Việt Nam (NDVN) tại Hội nghị giao ban của Thường trực Ban Bí thư ngày 1.10.2015.

02/11/2015
Xây dựng Nông thôn mới ở Hải Phòng đẹp từ nhà ra đồng Xây dựng Nông thôn mới ở Hải Phòng đẹp từ nhà ra đồng

Năm 2015 được Hải Phòng xác định là năm tập trung nguồn lực xây dựng hệ thống giao thông nông thôn với mục tiêu “đẹp từ nhà ra đồng”.

02/11/2015