Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Phát triển cây keo

Phát triển cây keo
Ngày đăng: 14/08/2015

Diện tích trồng keo tăng

Gặp chúng tôi khi đang chở keo giống về trồng, ông Nguyễn Văn Huy (xã Khánh Nam) cho biết: “Hiện nay, giá keo nguyên liệu khá cao, khoảng 1 triệu đồng/tấn, nếu chăm sóc tốt có thể đạt 70 - 80 tấn/ha. Sau khi trừ chi phí đầu tư, người dân thu trung bình 30 - 40 triệu đồng/ha. Vì vậy, nhiều hộ ở Khánh Nam đã tập trung chăm sóc để keo đạt sản lượng cao nhất khi khai thác. Không chỉ vậy, những diện tích đất ở khu vực sườn đồi, có độ dốc cao, người dân cũng chuyển từ trồng bắp, mì sang trồng keo.

Năm nay, gia đình tôi trồng thêm khoảng 1,5ha keo, nâng tổng số diện tích keo lên hơn 4ha”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, diện tích keo tại xã Khánh Nam đã tăng mạnh trong khoảng 3 năm trở lại đây. Trên đất lâm nghiệp, trước đây, người dân trồng mì, bắp, mía, hiện nay đã chuyển sang trồng keo. Năm nay, xã sẽ phát triển thêm khoảng 35ha keo ở vùng đồi dốc để phấn đấu phủ kín diện tích đất lâm nghiệp khoảng 1.200ha.

Tại xã Khánh Trung, để cây keo phát huy hiệu quả, chính quyền địa phương đã vận động người dân chỉ trồng keo trên diện tích đất lâm nghiệp, không trồng trên đất nông nghiệp. Theo ông Huỳnh Văn Thúc - Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Khánh Trung, trong tổng số khoảng 1.700ha đất sản xuất, địa phương đang phát triển khoảng 250ha keo lai. Do hiện nay đã vào mùa mưa nên nhiều người dân đang tập trung trồng rừng sản xuất. “Năm nay, người dân địa phương đã 3 lần trồng rừng; 2 lần trước do nắng hạn gay gắt nên nhiều diện tích keo mới trồng bị chết. Hiện nay, ngoài việc trồng lại diện tích keo bị chết, nhiều hộ cũng phát dọn nương rẫy để trồng mới”, ông Thúc nói.

Nhiều người trồng keo cho biết, đất đồi dốc (đất lâm nghiệp) canh tác cây sắn, cây mì kém hiệu quả hơn so với trồng keo. Việc trồng cây keo lai giâm hom có nhiều ưu điểm vượt trội như: dễ trồng, cây phù hợp với nhiều loại đất, không ngại độ dốc, kỹ thuật chăm sóc đơn giản, giá bán cây đứng tại rừng dao động từ 50 đến 60 triệu/ha (lãi bình quân đạt 6 đến 10 triệu đồng/ha/năm). Ngoài ra, tốc độ sinh trưởng và khả năng cho sinh khối khá lớn, trung bình chu kỳ của cây keo lai giâm hom chỉ khoảng 4 năm có thể khai thác được. Tuy nhiên, nếu trồng keo trên đất nông nghiệp thì hiệu quả khai thác, sử dụng đất không cao khi so sánh với các loại cây trồng khác như: mía, cây ăn quả… Chính vì vậy, người dân chủ yếu trồng keo trên đất lâm nghiệp.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Vĩnh, diện tích cây keo nguyên liệu tăng liên tục trong những năm qua. Đến nay, địa phương đã phát triển được 2.700ha keo lai giâm hom. Dự kiến, trong năm nay, huyện sẽ phát triển thêm khoảng 600ha. Trong đó, diện tích trồng keo theo Chương trình 147 khoảng 80ha, số còn lại do người dân tự đầu tư, đã có khoảng 60% số hộ trên địa bàn huyện lựa chọn cây keo để trồng.

Vấn đề cần quan tâm

Một trong những vấn đề khiến người trồng keo lo lắng là chu kỳ phát triển của cây keo khá dài, sớm nhất cũng phải 4 năm mới cho khai thác, nên việc trồng keo sẽ khiến cho đời sống của nhiều hộ, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số gặp khó khăn trước mắt. Ông Cao Tiêu (xã Khánh Trung) cho biết: “Gia đình tôi chỉ có 1ha đất sản xuất, nếu toàn bộ để trồng keo thì 4 năm mới cho thu hoạch. Trong khi chờ thu hoạch keo, cuộc sống hàng ngày của tôi phải chờ vào số tiền làm thuê, làm mướn…”. Được biết, khi trồng keo, xã và huyện đã hướng dẫn người dân trồng xen canh bắp, đậu để tăng thêm thu nhập. Thế nhưng, từ kinh nghiệm thực tế của mình, ông Tiêu cho rằng, chỉ có thể xen canh các loại cây trồng khác trong 5-6 tháng đầu, lúc keo mới trồng, khi cây keo bắt đầu phát triển thì không thể tiếp tục trồng xen canh.

Theo ông Lưu Nguyên - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Vĩnh, thời gian qua, việc phát triển cây keo lai được địa phương rất quan tâm tìm biện pháp để đảm bảo hiệu quả cho người dân. Hiện nay, khó khăn lớn nhất nằm ở khâu tiêu thụ, bởi keo trên địa bàn được thu mua chủ yếu từ 2 doanh nghiệp chế biến dăm gỗ xuất khẩu. Điều này dễ dẫn đến tình trạng cung vượt quá cầu; khi đó có thể keo sẽ mất giá, việc bỏ keo để chạy theo cây trồng khác rất dễ xảy ra. “Huyện đã đề nghị các công ty thu mua nguyên liệu từ rừng trồng có các chính sách đầu tư và hợp đồng bao tiêu sản phẩm từ rừng trồng. Mặt khác, địa phương khuyến khích các doanh nghiệp đến Khánh Vĩnh đầu tư xây dựng cơ sở thu mua và xây dựng nhà máy chế biến keo nguyên liệu để nâng cao hiệu quả, giúp người dân an tâm trồng rừng”, ông Nguyên cho biết.

Để cây keo mang lại hiệu quả cao nhất, UBND huyện Khánh Vĩnh đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn và chính quyền cơ sở tập trung tuyên truyền, vận động và khuyến khích người dân chỉ trồng cây keo trên đất lâm nghiệp để góp phần phát triển rừng, tăng độ phe phủ rừng; tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân, phát triển vùng nguyên liệu tại chỗ phục vụ cho công nghiệp chế biến.


Có thể bạn quan tâm

Thu Nhâp Trên 200 Triệu Đồng/năm Từ Chăn Nuôi Thu Nhâp Trên 200 Triệu Đồng/năm Từ Chăn Nuôi

Anh Huỳnh Văn Thu ở thôn Thọ Đông, xã Tịnh Thọ, huyện Sơn Tịnh lớn lên ở vùng đất không được thiên nhiên ưu đãi. Năm 1998, anh lập gia đình riêng, 2 vợ chồng và các con chỉ sống nhờ vào 3 sào ruộng lúa, thu nhập không đủ sống. Anh phải đi làm đủ nghề khác vất vả mà vẫn không kiếm thêm được bao nhiêu. Thế rồi vợ chồng anh bàn bạc và quyết định phải chuyển sang chăn nuôi lợn.

11/06/2013
Quy Định Điều Kiện Sản Xuất Kinh Doanh Giống Thủy Sản Quy Định Điều Kiện Sản Xuất Kinh Doanh Giống Thủy Sản

Nhằm tăng cường công tác quản lý giống thủy sản, ngày 22/05/2013, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư số 26/2013/TT-BNNPTNT về quản lý giống thủy sản.

12/06/2013
40 Doanh Nghiệp Sản Xuất Thức Ăn Chăn Nuôi Trong Nước Phá Sản 40 Doanh Nghiệp Sản Xuất Thức Ăn Chăn Nuôi Trong Nước Phá Sản

Cả nước hiện có 234 doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi, trong đó chỉ còn 194 cơ sở, doanh nghiệp đang hoạt động, 40 doanh nghiệp còn lại (chủ yếu vốn trong nước) đã phá sản hoặc chuyển hướng kinh doanh.

12/06/2013
Bắp Non Và Mè Đen Cho Hiệu Quả Kinh Tế Cao Bắp Non Và Mè Đen Cho Hiệu Quả Kinh Tế Cao

UBND huyện Tri Tôn (An Giang) và các ngành chuyên môn của huyện vừa đến thị sát quá trình thu hoạch bắp non và kiểm tra việc chuyển đổi mô hình trồng mè tại các xã Cô Tô, Ô Lâm và An Tức (huyện Tri Tôn).

12/06/2013
Nuôi Chim Bồ Câu Pháp Nhanh Giàu Nuôi Chim Bồ Câu Pháp Nhanh Giàu

Từ 40 cặp chim giống ban đầu, sau 2 năm chăm sóc đến nay đàn chim bồ câu của ông Huỳnh Thắng ở thôn Tây Yên, xã Tam Đàn (huyện Phú Ninh, Quảng Nam) đã lên tới hơn 400 con. Ông được xem là người nuôi chim bồ câu Pháp thành công ở vùng quê nhiều khó khăn này.

12/06/2013