Phát Triển Cây Hồ Tiêu Ở Vĩnh Linh

Cây tiêu vốn là loại cây trồng chủ lực của huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), thời gian gần đây giá tiêu lên cao và giữ ở mức ổn định từ 100.000 - 150.000 đồng/kg.
Đặc biệt sau trận bão cuối năm 2013, khi những vườn cao su bị hư hại sau bão thì những diện tích hồ tiêu lại chứng tỏ được ưu thế của mình đó là ít bị gãy đổ, cho thu nhập ổn định, thời gian thu hoạch theo mùa chứ không vất vả “thức khuya, dậy sớm” quanh năm như cây cao su.
Thời gian gần đây, diện tích cây hồ tiêu ở Vĩnh Linh phát triển khá mạnh. Ông Lê Tiến Dũng, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện cho biết: Cây tiêu là cây trồng chủ lực của địa phương. Toàn huyện phấn đấu đến năm 2015 có trên 1.000 ha, riêng trong năm 2013 diện tích tiêu trong toàn huyện được trồng mới là 200 ha.
Tiêu Vĩnh Linh nổi tiếng xưa nay vì chất lượng cao. Những vùng trồng tiêu chủ lực của huyện như Vĩnh Thành, Vĩnh Hòa, Vĩnh Thạch… từng sản xuất ra giống tiêu sọ ngon nức tiếng. Giống tiêu Vĩnh Linh chính gốc có lá nhỏ, hạt vừa, tầng sinh trưởng rất cao… nhưng cũng rất mẫn cảm với các loại bệnh như bệnh chết nhanh, tuyến trùng rễ…
Ông Nguyễn Đức Hiếu ở Xóm Chợ, xã Vĩnh Kim cho biết, năm nay gia đình ông trồng mới 3 sào tiêu, nâng tổng diện tích tiêu của gia đình lên 1 ha.
Cây tiêu ở vùng đông Vĩnh Linh phát triển rất tốt, bởi phù hợp khí hậu thổ nhưỡng. Nhưng để đầu tư một sào trồng tiêu thì số vốn bỏ ra mua giống, mua choái, đầu tư phân bón, khoan giếng… khoảng 30 triệu đồng, đó là chưa kể công chăm sóc. Đầu tư lớn như vậy nên người dân cũng rất thận trọng trong việc mở rộng vườn tiêu sao cho an toàn, bền vững.
Dọc đường 70 chạy qua địa phận các xã như Vĩnh Thành, Vĩnh Tân, Vĩnh Thạch, Vĩnh Kim…, những vườn tiêu mới được trồng đang lên xanh mơn mởn. Ông Nguyễn Thuận Cử, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thành cho biết: Hiện người dân trong xã đang tập trung phát triển diện tích cây hồ tiêu. Tiêu được trồng ở vùng đất đỏ bazan phát triển rất nhanh nhưng cũng đòi hỏi sự chăm sóc kỹ càng.
Những vùng trọng điểm trồng tiêu của xã như Tân Trại, Liêm Công Đông, Liêm Công Phường thời gian qua đều tập trung đầu tư phát triển diện tích tiêu… Riêng trong năm 2013, người dân xã Vĩnh Thành đã trồng mới trên 17 ha tiêu. Những diện tích tiêu này đa phần là tiêu trồng ở gia đình, trong đó có những diện tích tiêu mới được trồng trên đất đấu thầu cũng khá phát triển, như hộ gia đình ông Lê Xuân Đô ở Liêm Công Đông có gần 2 ha, ông Đinh Văn Kiên ở Tân Trại gần 7 sào. Với mức giá như hiện nay, mỗi vườn tiêu chừng 5 sào từ 5 - 7 năm tuổi cho thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm.
Việc chăm sóc cây tiêu phải hết sức kỹ lưỡng, bởi cây tiêu rất mẫn cảm với các loại sâu bệnh cũng như diễn biến bất thường của thời tiết. Nhưng nếu đầu tư công chăm sóc kỹ càng thì sau ba năm tiêu đã bắt đầu cho thu hoạch.
Ông Lê Tiến Dũng, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện cho biết, cây tiêu nếu đã bị các loại bệnh như chết nhanh, thối gốc rễ… thì rất khó chữa trị. Cây tiêu sau một thời gian ủ bệnh thì bắt đầu rụng lá, rụng đốt và chết, nếu không kịp thời triển khai các biện pháp xử lý thì rất dễ lây lan ra cả vườn tiêu và cả vùng trồng tiêu.
Năm 2008, huyện Vĩnh Linh đã được Sở KH &CN Quảng Trị chọn làm mô hình mẫu trong dự án của Cục Sở hữu trí tuệ về việc xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm tiêu hạt Quảng Trị. Hạt tiêu Vĩnh Linh được chỉ dẫn về địa lý sẽ tạo điều kiện cho người dân yên tâm phát triển diện tích tiêu một cách lâu dài và bền vững.
Để giữ vững vị trí và ưu thế cũng như tạo sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành trong việc phát triển diện tích cây hồ tiêu, cuối năm 2010, được sự đồng ý của UBND tỉnh, huyện Vĩnh Linh đã thành lập Hội Hồ tiêu của huyện nhằm nâng cao giá trị của sản phẩm hồ tiêu Vĩnh Linh cũng như tạo điều kiện cho cây tiêu phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, hàng năm, Phòng Nông nghiệp huyện cùng các ban, ngành liên quan thường xuyên tiến hành mở các lớp tập huấn, tư vấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con trong trồng mới cũng như duy trì ổn định diện tích cây hồ tiêu hiện có; phối hợp với ngân hàng chính sách tạo nguồn vốn ưu đãi cho người dân phát triển diện tích hồ tiêu một cách hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm

Lượng lúa hàng hóa tăng trong khi nhu cầu thị trường giảm đã kéo theo giá lúa giảm, đời sống nông dân gặp nhiều khó khăn. Ngành nông nghiệp các địa phương ĐBSCL đang triển khai chuyển đổi diện tích canh tác lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác hoặc trồng luân canh nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công thương) cho biết, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa có buổi làm việc với Đại sứ Bỉ tại Việt Nam Bruno Angelet về nội dung xây dựng Trung tâm phân phối và sàn đấu giá hàng thủy sản Việt Nam tại cảng Zeebrugge, Bỉ.

Ngày 25/7, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, sau một thời gian tạm lắng, dịch cúm gia cầm đã xảy ra tại 4 hộ chăn nuôi thuộc 4 xã Mỹ Lương (huyện Cái Bè), Phước Thạnh (thành phố Mỹ Tho), Phú Kiết và Hòa Tịnh (huyện Chợ Gạo) của tỉnh Tiền Giang. Tổng số gia cầm mắc bệnh gồm 16.300 con chim cút, 330 con gà và 5 con vịt.

Trong vài năm trở lại đây, cây dong riềng đã và đang khẳng định ưu thế của mình trong việc giúp người dân xóa đói, giảm nghèo và làm giàu hiệu quả. Từ chỗ chỉ được canh tác và chế biến tại một số thôn, xã của huyện Yên Sơn thì nay đã phát triển ở nhiều địa phương trong tỉnh như: Lực Hành, Xuân Vân, Kiến Thiết, Nhữ Hán (Yên Sơn); Kim Bình, Vinh Quang, Linh Phú (Chiêm Hóa); Thượng Lâm, Lăng Can (Lâm Bình)...

Để khơi dậy ý chí vươn lên làm kinh tế, thoát nghèo bền vững cho bà con nhân dân, mấy năm trở lại đây Đảng ủy, chính quyền xã Sầm Dương (Sơn Dương) tích cực khuyến khích bà con nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đưa các giống cây con có giá trị kinh tế cao vào trồng và chăn nuôi mang lại hiệu quả tích cực.