Phát Triển Cánh Đồng Mẫu Lớn

Sau 3 năm triển khai thực hiện “Cánh đồng mẫu lớn”, tổng diện tích lúa đạt trên 10.000 héc-ta của trên 6.400 lượt nông dân tham gia. Kỹ sư Châu Ngọc Thi, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Châu Thành (An Giang) tâm đắc: Mô hình liên kết hợp tác sản xuất và tiêu thụ nông sản cho nông dân mang lại hiệu quả kinh tế cao nên diện tích lúa “Cánh đồng mẫu lớn” đang ngày càng mở rộng.
Cũng như các địa phương khác, sau nhiều năm triển khai sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng mẫu nhưng mãi đến cuối năm 2010, khi Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) đầu tư xây dựng hệ thống sấy lúa, nhà máy xay xát, chế biến gạo, kho dự trữ tại xã Vĩnh Bình, nông dân được “tai nghe mắt thấy” mới thật sự tin tưởng, nhiệt tình tham gia sản xuất “Cánh đồng mẫu lớn”. Hệ thống sấy của AGPPS có công suất 500 tấn/ngày và kho chứa khoảng 100.000 tấn/năm, tương ứng với diện tích 15.000 héc-ta.
Vụ đông xuân 2010 - 2011, AGPPS cùng với ngành Nông nghiệp và chính quyền địa phương đã tiến hành triển khai tại xã Vĩnh Bình và Vĩnh Nhuận với tổng diện tích 723 héc-ta, đến vụ đông xuân 2012 - 2013, diện tích lúa sản xuất trong “Cánh đồng mẫu lớn” tăng lên 2.358 héc-ta tại 7 xã: Vĩnh Bình, Vĩnh Nhuận, Vĩnh Hanh, Vĩnh An, Tân Phú, Cần Đăng và Vĩnh Lợi. Theo kỹ sư Châu Ngọc Thi, tổng cộng có 4.642 lượt nông dân tham gia sản xuất 10.073 héc-ta và “Cánh đồng mẫu lớn” đang mở rộng, bởi mô hình sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân, năng suất lúa tăng thêm từ 200-300 kg/héc-ta so với năng suất lúa bình quân của huyện, giảm chi phí sản xuất khoảng 3 - 4 triệu đồng/héc-ta, nhờ áp dụng chương trình “1 phải, 5 giảm”.
Thành công bước đầu của mô hình hợp tác sản xuất lúa “Cánh đồng mẫu lớn” là sự nỗ lực rất lớn của ngành Nông nghiệp, chính quyền địa phương và doanh nghiệp tham gia thực hiện. Đầu mỗi vụ lúa, theo yêu cầu của doanh nghiệp, mỗi vùng sản xuất 1-2 giống lúa, vận động nông dân tham gia mô hình thực hiện, áp dụng quy trình sản xuất “1 phải, 5 giảm”, khi nông dân đồng ý, AGPPS cử cán bộ FF đến từng hộ nông dân ký hợp đồng.
Phía doanh nghiệp cung ứng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, giống lúa xác nhận cho nông dân, cán bộ FF trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho nông dân, cùng nông dân chăm sóc lúa, xử lý dịch hại đến khi lúa chín. Chuẩn bị thu hoạch, đưa bao cho nông dân đựng lúa, hỗ trợ phương tiện đến ruộng chở lúa về nhà máy sấy, cho gởi vào kho miễn phí một tháng, nông dân chờ giá thích hợp quyết định bán lúa.
Điển hình về mô hình sản xuất lúa “Cánh đồng mẫu lớn” vụ đông xuân 2012 - 2013 tại xã Vĩnh Nhuận do Chi cục Bảo vệ thực vật An Giang phối hợp với AGPPS và Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Châu Thành triển khai. Cánh đồng có diện tích 217,4 héc-ta của 116 hộ nông dân sản xuất 3 bộ giống: Jasmine, OM 4218 và OM 7347.
Kỹ sư Nguyễn Minh Chương, Phó ban Điều hành Chương trình Cùng nông ra đồng của AGPPS cho biết: Trong suốt vụ lúa, AGPPS phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật An Giang tổ chức 8 đợt tập huấn kỹ thuật sản xuất cho nông dân, từ khâu làm đất, xử lý hạt giống, gieo sạ, xử lý dịch hại đến thu hoạch. Lực lượng “ba cùng” tham gia với nông dân trên cánh đồng, kịp thời hướng dẫn kỹ thuật cho bà con nông dân.
Thậm chí, một số khâu, lực lượng “ba cùng” còn hỗ trợ cho nông dân trồng hoa trên bờ ruộng để thu hút các côn trùng nhằm giảm thiểu dịch bệnh gây hại lúa. Các cán bộ kỹ thuật của Chi cục, Trạm bảo vệ thực vật và lực lượng “ba cùng” kết hợp bà con nông dân kiểm tra, đo đếm từng mét vuông lúa để xác định mức độ xuất hiện của rầy nâu và các loại sâu gây hại xem có ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển cây lúa không, có làm ảnh hưởng đến năng suất lúa không? Đồng thời hướng dẫn nông dân ghi chép sổ sách đầy đủ thông tin sản xuất để so sánh, đối chiếu nhằm đưa ra quyết định hợp lý khi sử dụng phân bón và nông dược… Kết quả sản xuất, năng suất lúa đạt 7,4 tấn/héc-ta, bán lúa khô giá 5.600 đồng/kg, tổng thu được 41,440 triệu đồng, trừ chi phí sản xuất (20,964 triệu đồng/héc-ta), nông dân có lãi 20,475 triệu đồng/héc-ta (lãi 50%).
Thắng lợi vụ đông xuân 2012 - 2013 nên vụ hè thu 2013 này, “Cánh đồng mẫu lớn” tại Vĩnh Nhuận tiếp tục duy trì diện tích 214 héc-ta của 114 hộ nông dân tham gia sản xuất 2 bộ giống lúa OM 4218 và OM 7347. Ban Điều hành xây dựng mô hình liên kết sản xuất “Cánh đồng mẫu lớn” tại An Giang triển khai phong trào thi đua trồng hoa trên bờ ruộng để dẫn dụ thiên địch chống lại các côn trùng gây hại lúa. Kỹ sư Châu Ngọc Thi cho biết: Năm 2013 này, Châu Thành quyết tâm mở rộng “Cánh đồng mẫu lớn” toàn huyện lên 6.000 héc-ta.
Có thể bạn quan tâm

Theo các thương lái, nguyên nhân giảm giá do chỉ tiêu thụ nội địa, việc xuất khẩu sang một số nước như các năm trước đã bị giảm số lượng. Ngoài ra, hiện nay đang vào mùa của nhiều loại trái cây nên người tiêu dùng phần nào hạn chế ăn mít mà chuyển sang măng cụt, chôm chôm, thanh long, sầu riêng…

Mới chớm mùa Đông, nhiều nơi trên địa bàn huyện Quản Bạ có nhiệt độ lạnh về đêm, thường xuyên có sương muối dày đặc vào buổi sáng, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất; trong đo, việc bảo vệ đàn trâu, bò luôn là mối quan tâm của đồng bào nơi đây. Rút kinh nghiệm từ những năm trước, huyện đã chủ động triển khai nhiều biện pháp phòng, chống rét cho đàn gia súc và vật nuôi.

Trong 6 tháng đầu năm 2014, diện tích cây cao su toàn tỉnh bị thanh lý và chặt bỏ là 1.749 ha. Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh: "Ngành cao su không nên chạy theo diện tích mà nên đi vào hướng thâm canh, tăng năng suất, tăng hiệu quả. Đặc biệt là tìm cách chế biến, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và hướng tới xuất khẩu".

Nhiều thương lái thu mua cua biển ở Cà Mau khẳng định, không có chuyện cua biển Cà Mau “bò” ra các vỉa hè ở Hà Nội hay trên Sài Gòn với giá siêu rẻ.

Hiện toàn huyện có gần 6.000 đàn ong, bình quân mỗi đàn cho 3 lít mật/năm, tập trung nhiều ở các xã Giàng Chu Phìn, Thượng Phùng, Xín Cái, Pải Lủng, Sủng Trà và thị trấn Mèo Vạc... Thời điểm này, các chủ ong đang bắt đầu thu hoạch mật ong với sản lượng đạt khá cao.