Phát Triển Bền Vững Bưởi Đặc Sản Đoan Hùng

Thực hiện dự án phát triển cây bưởi đặc sản, huyện Đoan Hùng (Phú Thọ) đã phối hợp với các ngành chức năng đưa ra nhiều giải pháp nhằm ổn định diện tích và nâng cao năng suất, chất lượng quả.
Từ thành công trong việc áp dụng các biện pháp thâm canh tổng hợp trên 1,5ha bưởi đặc sản tại hai xã Chí Đám và Quế Lâm vào năm 2010, năm 2011, huyện Đoan Hùng tiếp tục đầu tư, mở rộng mô hình thêm 5ha tại Chí Đám và Bằng Luân. Ngoài ra, người trồng bưởi tại các xã vùng dự án đã chủ động áp dụng chăm sóc, thụ phấn bổ sung cho cây bưởi được 35,8ha.
Năm 2012, UBND huyện Đoan Hùng tiếp tục phối hợp với Viện Nghiên cứu Rau quả Trung ương, Sở Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Thọ triển khai mở rộng diện tích mô hình “Ứng dụng một số biện pháp kỹ thuật nhằm phục hồi và phát triển bền vững bưởi đặc sản Đoan Hùng” trên diện tích 41ha, góp phần khắc phục hiện tượng bưởi ra hoa nhưng không đậu quả và nâng cao năng suất, chất lượng quả.
Mô hình được triển khai trên địa bàn 11 xã, với 12.235 cây bưởi và 205 hộ tham gia; trong đó có 38ha bưởi đang cho quả, diện tích đang trong thời kỳ kiến thiết cơ bản là 3ha.
Nhờ áp dụng triệt để các biện pháp kỹ thuật như: bón phân, tỉa cành, tạo tán, phòng trừ sâu bệnh, đặc biệt là sử dụng phân hữu cơ vi sinh nên đã giúp cây sinh trưởng đồng đều, các chỉ tiêu về chiều cao, cấp cành, số đợt lộc tập trung đều cao. Để đảm bảo cho vườn bưởi khi ra hoa có nguồn phấn bổ sung tự nhiên, chủ vườn trồng dặm một số cây bưởi Diễn và ghép cải tạo thí điểm bằng bưởi khác giống.
Kết quả bước đầu khi ứng dụng một số biện pháp kỹ thuật mới thấy, năng suất bưởi tại Chí Đám đạt 45 - 60 quả/cây, giá trị thu nhập trên 400 triệu đồng/ha; tại Bằng Luân đạt 60 - 80 quả/cây, thu nhập 300 triệu đồng/ha.
Gia đình ông Phùng Đức Nguyên là một trong những hộ tham gia thực hiện mô hình. Ông cho biết: “Năm 2012, gia đình ứng dụng một số biện pháp kỹ thuật chăm sóc mới, nhờ đó, bưởi ra hoa, đậu quả nhiều hơn, năng suất và thu nhập được cải thiện đáng kể”.
Kết quả thực hiện mô hình đã tạo niềm tin cho người trồng bưởi về khả năng phục hồi và phát triển bền vững vùng bưởi đặc sản huyện Đoan Hùng.
Có thể bạn quan tâm

Vườn sầu riêng có diện tích 3 ha của chị Nguyễn Thị Thanh Hà ở tổ 2, ấp 2, thị trấn Chơn Thành (Chơn Thành - Bình Phước) được trồng từ năm 1998. Trong 14 năm, khi rất nhiều nhà vườn phá bỏ loại cây này để trồng cao su vì sầu riêng bị chết hàng loạt thì ngược lại, vườn sầu riêng của chị Hà vẫn luôn xanh tốt, duy trì số cây ổn định và cho năng suất cao.

Trong thời điểm dịch bệnh trên vật nuôi như hiện nay, một mô hình chăn nuôi mới đang dần mở ra hướng tích cực, bởi ít gặp rủi ro lại nhẹ công chăm sóc. Đó là mô hình chăn nuôi trăn của một số hộ dân thuộc ấp Thượng, xã Đại Phước, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh.

Nhu cầu dùng điện lưới để chong đèn thanh long trái vụ ở tỉnh Bình Thuận lớn thế nào thì ai cũng biết. Những năm gần đây, do sự phát triển diện tích trồng thanh long nên nhu cầu trên lại tiếp tục tăng với nhịp độ chóng mặt

Mấy ngày qua, hàng chục hộ nuôi tôm ở các huyện Hòa Bình, Đông Hải và TP. Bạc Liêu (Bạc Liêu) sử dụng thảo dược để diệt giáp xác, cá tạp trong ao thì phát hiện tôm đột ngột chết hàng loạt chỉ sau 1-2 ngày thả nuôi.

Thông qua Dự án “Chăn nuôi lợn nái sinh sản”, 22 hộ ở xã miền núi Quân Bình, huyện Bạch Thông (Bắc Kạn) đã được tiếp vốn để tu sửa, xây mới chuồng trại, mua thêm lợn giống.