Phất Lên Nhờ Trồng Ấu Trên Đất Ruộng

Tại cồn An Thạnh, xã Hòa Bình (Chợ Mới - An Giang), nông dân rất phấn khởi vì thu hoạch ấu trúng mùa, được giá.
Chủ tịch UBND xã Hòa Bình Lưu Văn Khôn cho biết: Ấu là loại nông sản mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, đầu ra tương đối ổn định và rất được thị trường ưa chuộng, giá thương lái thu mua tại ruộng dao động từ 3.000 - 5.000 đồng/kg. Ông Khôn so sánh: “Tuy giá ấu chỉ xấp xỉ, đôi lúc thu hoạch rộ có thể thấp hơn giá lúa nhưng năng suất cao và có thể thu hoạch kéo dài, nên nhiều nông dân chuyển đổi lúa sang trồng ấu. Hiện, có 200 hộ trồng chuyên canh loại nông sản này, chiếm 34,1% số hộ dân toàn xã. Sau khi thu hoạch ấu thì khỏi lo đầu ra, bởi thương lái đến tận đồng thu mua, rồi dùng xe tải chở đi tiêu thụ ở ĐBSCL, TP. Hồ Chí Minh, Campuchia… Ngoài ra, thương lái còn giao cho các bạn hàng để nấu bán lẻ ở các chợ nhỏ”.
Trồng 1 héc-ta ấu trên đất ruộng, nông dân Trần Văn Thoại (hai Thoại) cho biết, vừa thu hoạch được 3 tấn/công. Với giá 4.000 đồng/kg, trừ chi phí giống, phân thuốc, nhân công hái, ông còn lãi từ 5 triệu – 6 triệu đồng/công. Với gần 20 năm trồng ấu, hai Thoại có nhiều kinh nghiệm, nên trồng 3 vụ/năm đều đạt năng suất, lợi nhuận cao. Ngoài ra, ông tổ chức thu mua, tìm mối tiêu thụ, dần trở thành thương lái lớn nhất nhì ở đây. Bình quân mỗi ngày, ông Thoại thu gom 5-6 tấn ấu của dân quanh vùng mang đi tiêu thụ. Mỗi vụ, ông còn cung cấp từ 50.000 - 70.000 trái ấu giống cho nông dân cồn An Thạnh, với giá 500 đồng/trái. Nhờ đó, hàng trăm nông dân vùng đất cồn không lo tìm giống và đầu ra.
Nông dân trồng ấu còn góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nông nhàn ở địa phương, chủ yếu là phụ nữ với mức thu nhập từ 80-100 ngàn đồng/ngày/người. Ông Thoại cho biết: Những lúc thu hoạch rộ, mỗi ngày địa phương cần hơn trăm nhân công. Bình quân, một công ấu cần 5-10 người hái, giá thuê 10 ngàn đồng/giờ. Lúc vào mùa, với 1 héc-ta ấu ông thuê gần 100 lao động và còn giới thiệu hái ấu cho ruộng khác. “Nửa năm, một phụ nữ hái ấu có thể kiếm được khoảng 20 triệu đồng, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống, đặc biệt hạn chế tệ nạn xã hội” - Phó Trưởng ấp An Thạnh Nguyễn Văn Nhược nói.
Nhờ trồng ấu, nhiều hộ có thu nhập ổn định, từ hộ nghèo vươn lên khá, có tiền mua đất canh tác,… Đặc biệt, với giống ấu Đài Loan thì không sợ rớt giá, bởi trồng chuyên canh, người dân có thể luân phiên thu hoạch quanh năm và loại “ăn chơi” này được thị trường ưa chuộng. Tuy nhiên, điều trăn trở của nông dân ở đây do trồng số lượng nhiều nên dễ dẫn tới tình trạng cạnh tranh giá lúc thu hoạch rộ và khó kiếm nhân công hái.
Theo các nông dân, ấu là loại nông sản dễ trồng, có thể trồng được quanh năm, ít tốn công chăm sóc, sau 3 tháng có thể thu hoạch. Giống như trồng lúa, ấu cũng được chia thành 3 vụ: Đông xuân, hè thu và thu đông. Trong đó, vụ hè thu có năng suất cao nhất, đạt 3 tấn/công, thời gian thu hoạch kéo dài từ tháng 6 đến tháng 10.
Có thể bạn quan tâm

Từ ngày 15/5 đến 30/6, đàn gia súc tại 35 xã, phường, thị trấn của các huyện An Phú, Tri Tôn, Tịnh Biên và thị xã Châu Đốc, Tân Châu (An Giang) sẽ được tiêm phòng vaccine lở mồm long móng miễn phí (đợt 1-2013).

Chỉ tính riêng năm 2012, toàn thành phố Hà Nội đã có 24 HTX mới thành lập chuyên sản xuất rau an toàn (RAT), đưa số HTX nông nghiệp sản xuất RAT lên trên 100 HTX. Tuy nhiên, khâu đặc biệt quan trọng, quyết định đến hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng như phát huy được vai trò "bà đỡ" của các HTX là đầu ra cho sản phẩm hiện vẫn hết sức khó khăn...

Ông Đỗ Hiếu Liêm, 68 tuổi, ở ấp Phú Khương B, xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo (Tiền Giang) là người đi tiên phong và thành công với mô hình nuôi cá tai tượng an toàn sinh học, cho thu nhập gần 1 tỷ đồng mỗi vụ nuôi. Đây là mô hình mà ngành Nông nghiệp tỉnh đang khuyến khích nông dân áp dụng, đồng thời có chủ trương nhân rộng ra những địa phương khác.

Để đạt được những mục tiêu gieo cấy 5.100 ha lúa, năng suất 55 tạ/ha, huyện Yên Phong chỉ đạo các xã, thị trấn bám sát định hướng của ngành Nông nghiệp, điều kiện thực tế của địa phương để xây dựng kế hoạch.

Năm 2012, lần đầu tiên huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) đưa mô hình nuôi cá lồng bè vào nuôi thí điểm tại khu vực lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 (thuộc xã Trà Tân). Mô hình này đã thành công và đang được nhân rộng, đem lại hướng sinh kế mới cho người dân bị mất đất vùng thủy điện.