Phát hiện chất gây ung thư trong thức ăn gia cầm

Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) diễn ra ngày 6-10 tại Hà Nội, ông Phạm Tiến Dũng,Trưởng phòng Thanh tra Bộ NN&PTNT, cho hay cơ quan này đã phối hợp với Cục Chăn nuôi và Cảnh sát môi trường kiểm tra đột xuất, phát hiện ra vàng ô được người chăn nuôi sử dụng để tạo màu vàng cho thịt gà.
Kết quả phân tích tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho thấy đây là chất gây ung thư.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, Cục phó Cục Chăn nuôi, vàng ô là hóa chất nhập khẩu từ nước ngoài, dùng để nhuộm màu sợi vải hoặc làm nguyên liệu quét tường trong ngành xây dựng.
Theo ông Dương, vàng ô được trộn vào thức ăn chăn nuôi để tạo màu sắc hấp dẫn cho cả thức ăn cũng như sản phẩm thịt, chủ yếu là trong chăn nuôi gà, và chất này hầu như không bị phân giải trong quá trình sinh trưởng của vật nuôi.
“Điều này một phần bắt nguồn từ thị hiếu của người tiêu dùng Việt Nam là thích ăn thịt gà, thịt lợn có màu sắc đẹp, bắt mắt,” ông Dương cho hay và nhấn mạnh:
"Việc sử dụng vàng ô không chỉ làm tăng giá thành chăn nuôi mà còn gây nguy hiểm cho sức khỏe của người tiêu dùng.”
Thực tế, các loại thịt sử dụng chất này có màu vàng bắt mắt nhưng không làm tăng chất dinh dưỡng ở thịt. Tuy nhiên, người Việt lại thích ăn thịt gà có da màu vàng nên người nuôi sử dụng chất vàng ô để dễ bán sản phẩm.
Theo ông Dương, người tiêu dùng cũng cần phải thay đổi thói quen của mình, nên là người tiêu dùng thông thái, hãy lựa chọn những gì tốt cho sức khỏe.
Hiện nay Cục Chăn nuôi đang phối hợp với cơ quan chuyên ngành hóa chất để tìm các giải pháp tăng cường nhận diện chất vàng ô.
Cũng tại buổi họp báo chiều qua, ông Phạm Tiến Dũng của Phòng thanh tra của Bộ NN&PTNT cho biết cơ quan này vừa làm việc với hai doanh nghiệp chăn nuôi lớn là CP và Anco để đề nghị các đơn vị này siết chặt quy trình xuất bán heo ra thị trường, tránh tình trạng thương lái lợi dụng mua heo về vỗ béo bằng chất cấm.
Thử nghiệm thành công que thử chất cấm
Ông Nguyễn Xuân Dương, Cục phó Cục Chăn nuôi, cho biết cơ quan này và một số nhà khoa học trong nước đã nghiên cứu thành công que thử chất cấm tồn dư trong gia súc, gia cầm.
Đồng thời, trong thời gian tới, bộ sẽ nghiên cứu để sản xuất đại trà que thử này.
Với việc sử dụng chất cấm tràn lan trong chăn nuôi như hiện nay thì việc sử dụng que thử trực tiếp trên nước tiểu vật nuôi mà không cần qua phòng thí nghiệm tỏ ra khá tiện lợi.
Theo đó, người dùng chỉ cần nhúng que thử vào nước tiểu của vật nuôi khoảng 5 phút, khi chữ T trên que thử mất đi có nghĩa là trong vật nuôi đó vẫn tồn dư các chất cấm.
Hiện giá thành sản phẩm khoảng 70.000 đồng đến 100.000 đồng/que thử.
Các đơn vị phối hợp nghiên cứu đang tiến hành hoàn thiện sản phẩm và hạ giá thành để có thể đưa sản xuất đại trà. Sản phẩm này sẽ giúp giảm thiểu các chi phí kiểm nghiệm, đặc biệt là tại các vùng sâu, vùng xa nơi không có phòng thí nghiệm.
Có thể bạn quan tâm

Để bảo vệ tôm, cá an toàn trong mùa lũ ngoài túc trực thường xuyên, ban đêm bà con còn phải đi kiểm tra xung quanh ao nuôi, lồng bè để phát hiện chỗ lưới bị hỏng, kịp thời sửa chữa.

Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam đã nghiên cứu thành công một quy trình xử lý và bảo quản vải thiều tươi lâu hơn. Áp dụng phương pháp này đem lại hiệu quả cao cho người trồng và các nhà kinh doanh.

Một trong những nội dung quan trọng của Dự án “Nâng cao năng lực nghiên cứu, đào tạo, khuyến ngư cho Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1 - pha 3 Nâng cao năng lực nghề nuôi cá biển Việt Nam” (SRV11/0027) do chính phủ Nauy tài trợ là xây dựng trang trại trình diễn và tập huấn kĩ thuật nuôi cá biển quy mô công nghiệp.

Anh Nguyễn Đắc Khánh, Chủ tịch Hội nông dân xã Lộc Thạnh (Lộc Ninh - Bình Phước) cho biết: Ấp Thạnh Cường và Thạnh Biên hiện là vùng trọng điểm của hồ tiêu. Được giá, được mùa tiêu, nhiều nông dân ở Lộc Thạnh trở thành tỷ phú. Họ cũng là những người giàu lòng nhân ái sẻ chia với người nghèo.

Ngày 31/5, tại Long An, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề: “Cơ giới hóa trong sản xuất lúa”.