Phan Thiết, Bình Thuận Ngư Dân Được Mùa Cá Cơm Nhiều Khó Khăn

Theo lịch khai thác hải sản của ngư dân thì hiện nay, mùa đánh cá cơm đã trôi qua được một trăng, tức bằng khoảng một tháng dương lịch. Tuy nhiên khác với mọi năm, năm nay sản lượng khai thác cá cơm của ngư dân đạt thấp, trong khi đầu ra của mặt hàng cá hấp lại không ổn định, khiến giá thu mua giảm mạnh.
Trong bối cảnh giá nguyên liệu tăng theo từng ngày mà thu nhập lại bấp bênh, khiến ngư dân hành nghề đánh bắt cá cơm lo lắng.
Buổi sáng sớm đầu tháng 8 tại Cảng biển Phú Hài – Phan Thiết, tàu thuyền vẫn tấp nập ra vào để bốc dỡ những mẻ cá tươi sau những chuyến vươn khơi. Tuy nhiên, len lỏi trong số các tàu cập bến chỉ có một, hai tàu cá hành nghề đánh bắt cá cơm. Sản lượng khai thác thì thấp hơn khá nhiều so với những năm trước.
Ông Nguyễn Văn Thành - một ngư dân hành nghề pha xúc cá cơm tại phường Phú Hài cho biết, số cá cơm đánh bắt được sau một chuyến vươn khơi 4 ngày chỉ đạt bằng từ 60 – 70% sản lượng so với mùa này năm ngoái. Trong khi giá cá không cao, xăng dầu lại tăng nên rất khó khăn.
Vài năm gần đây, từ đầu tháng 7 dương lịch – trùng với thời điểm UBND tỉnh cho phép một số thuyền nghề khai thác gần bờ hoạt động, cũng là lúc các thuyền đánh bắt cá cơm khai thác đạt sản lượng cao. Tuy nhiên năm nay, mùa cá cơm đã trôi qua được một tháng nhưng sản lượng khai thác đạt thấp.
Lí giải tình trạng này, nhiều ngư dân cho rằng do thời tiết không thuận lợi, cộng với việc tình trạng khai thác hải sản non, nhất là đánh bắt gần bờ diễn ra thường xuyên khiến trữ lượng cá cơm giảm. Bên cạnh đó, mọi năm vào mùa này ở các vùng biển lộng thường có đàn cá nổi xuất hiện, còn năm nay thì hiện tượng này rất ít xảy ra.
Việc sản lượng cá cơm sụt giảm khiến cho các cơ sở sản xuất nước mắm thiếu trầm trọng nguồn nguyên liệu để muối chượp. Theo ông Nguyễn Huy Tiến – Chủ tịch Hiệp hội nước mắm Phan Thiết, hiện nay lượng cá mới chỉ đáp ứng từ 10 đến 15% công suất các xưởng chế biến nước mắm, và dự báo tình hình thiếu nguyên liệu trong mùa muối chượp năm nay.
Có một nghịch lý đang diễn ra đó là trong khi sản lượng cá cơm giảm nhưng giá mua lại không tăng, thậm chí một số thời điểm còn hạ so với mọi năm.
Tại Cảng cá Phan Thiết cũng như Cảng Phú Hài, giá thu mua mỗi giỏ cá cơm, loại 25kg/giỏ dao động từ 200 đến 250 ngàn đồng, tùy loại lớn nhỏ và chất lượng cá. Riêng về cá cơm dùng để muối chượp, mức giá chỉ chừng 150 ngàn đồng/giỏ. Nguyên nhân quan trọng đó chính là các cơ sở sản xuất cá cơm hấp – sấy khô không còn tham gia thu mua mạnh như trước.
Vào thời điểm này năm ngoái, nhiều thương lái liên tục có mặt ở bến cảng để đón đầu các thuyền cá cơm, nhưng năm nay thì khác. Một số chủ cơ sở sản xuất cá cơm hấp – sấy khô cho hay, đơn đặt hàng của thị trường tiêu thụ mặt hàng này ở nước ngoài đến nay vẫn chưa có và nhu cầu không còn mạnh, điều này khiến cá cơm nguyên liệu dùng để hấp bán rất chậm. Trong khi đó, giá cá cơm để muối chượp cũng không tăng do giá thành nước mắm vẫn giữ nguyên.
Sản lượng khai thác, giá thu mua cá cơm là vậy. Trong khi đó giá xăng dầu trong mỗi chuyến biển lại liên tục có chiều hướng gia tăng khiến ngư dân gặp nhiều khó khăn. Đây cũng là nỗi băn khoăn thường trực của ngư dân trong mỗi lần vươn khơi buông lưới.
Có thể bạn quan tâm

Bình Thạnh Đông không phải là xã có diện tích trồng màu nhiều nhất ở huyện Phú Tân, tỉnh An Giang, nhưng nhờ sự linh hoạt và kinh nghiệm học hỏi lâu năm của nông dân, nghề gắn bó với cây màu ở đây vẫn được địa phương đánh giá cao về hiệu quả kinh tế.

Huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang có diện tích trồng khoai mỡ gần 800 ha tập trung ở 2 xã Tân Hòa Đông, Thạnh Mỹ và một số xã khác, đất đai phần lớn bị nhiễm phèn, nên nông dân sau khi trồng khoai mỡ thường bỏ đất trống hay trồng cây khoai mì luân canh trong thời gian nước lũ về từ tháng 9 hàng năm. Mấy năm gần đây, mô hình trồng cây màu xen canh được bà con trong huyện chú trọng và nhiều loại cây màu bước đầu cho hiệu quả kinh tế khá cao, trong đó có cây đậu phộng.

Từ nguồn tin báo của quần chúng nhân dân, sáng 31/7, Đội Quản lý thị trường số 4 (Chi cục Quản lý thị trường Phú Yên) phối hợp cùng Công an huyện Tuy An bắt quả tang một vụ bơm bột rau câu vào tôm thương phẩm tại cơ sở mua bán thủy sản do bà Cao Thị Kim Phượng ở thôn Tân Long, xã An Cư, làm chủ.

Mấy ngày qua, người dân ở xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp bắt được loài cá “lạ”. Cá có thân hình giống loài cá lóc, có vẩy, đầu giống cá sấu, mỗi con dài khoảng 7 - 8 tấc, nặng khoảng 2,5 - 4kg.

Tỉnh Tiền Giang hiện có khoảng 5.350ha diện tích nuôi tôm nước lợ, đối tượng nuôi chủ yếu là tôm thẻ và tôm sú. Hiện nay, vấn đề ô nhiễm môi trường ngày càng tăng, bệnh trên tôm diễn biến ngày càng phức tạp nên đã ảnh hưởng không nhỏ đến nghề nuôi tôm trong tỉnh.