Phấn Khởi Vì Dưa Hấu Được Mùa, Được Giá Ở Quảng Ngãi

Hiện nông dân ở các địa phương trong tỉnh Quảng Ngãi bắt đầu thu hoạch rộ dưa hấu. Theo nhiều người trồng dưa, chưa có năm nào dưa hấu giữ giá ổn định lâu như năm nay. Được mùa, được giá người trồng dưa ai nấy đều có chung tâm trạng phấn khởi.
Những ngày này, chúng tôi về các vùng trồng dưa hấu ở các xã khu Tây huyện Bình Sơn và đều cảm nhận được niềm vui của người trồng dưa nơi đây, bởi vụ dưa năm nay nông dân trong tỉnh trúng đậm.
Khác với mọi năm, tới mùa thu hoạch dưa là nông dân “đứng ngồi không yên” mong thương lái đến ruộng để hỏi mua. Năm nay lại khác, dưa chưa tới ngày thu hoạch đã có hàng chục thương lái đến tận ruộng để đặt cọc dưa với giá khá cao. Chính vì vậy, nhiều hộ nông dân rất an tâm vì “lãi lớn” và không sợ ế dưa như mọi năm.
Ông Đinh Tấn Hùng, ở thôn An Điềm, xã Bình Chương, huyện Bình Sơn là một trong những hộ có diện tích dưa lớn nhất vùng. Năm nay, ông Hùng đầu tư 50 triệu để trồng trên 1 ha dưa. Truớc ngày thu hoạch một tuần, đã có thương lái tới tận ruộng để đặt tiền cọc với giá 8.400 đồng/kg. Lúc đầu, ông Hùng định không bán để tới thu hoạch bán luôn, nhưng sau đó ông nghĩ lại: Giá dưa như năm nay là cao nhất trong vài năm qua. Thế là ông nhận tiền cọc luôn. Sau khi trừ chi phí, ông lãi ròng trên 150 triệu đồng.
Không chỉ ông Hùng, mà hàng chục hộ trồng dưa ở các xã khu Tây huyện Bình Sơn cũng đang rất phấn khởi vì dưa được mùa, được giá. Theo nhiều nông dân, thời tiết năm nay khá thuận lợi cho trồng dưa dấu, vì vậy dưa hấu năm nay ít bị bệnh, năng suất lại cao.
Ông Võ Thanh Triền, thôn Mỹ Long, xã Bình Minh, huyện Bình Sơn cũng là một trong những hộ có diện tích dưa lớn trong vùng. Năm nay, ông Triền đã đầu tư trên 50 triệu đồng để trồng hơn 10 sào dưa hấu trên tận vùng núi. Thời tiết thuận lợi, dưa phát triển khá tốt. Vui vì dưa được mùa, tuy nhiên thời gian đầu ông Triền và những người trồng dưa ở đây rất lo lắng không biết giá dưa năm nay như thế nào.
Bởi thông thường mọi năm, “được mùa dưa luôn kèm với mất giá”. Thậm chí khi cầm trên tay vài chục triệu đồng tiền đặt cọc của thương lái, ông Triền vẫn không hết lo lắng, vì nếu dưa rớt giá như mọi năm thì thương lái bị lỗ, nông dân cũng chưa chắc bán được dưa. Giờ thì ông an tâm, giá dưa ổn định ở mức cao, dưa hấu không những không hạ mà còn nhích lên. “Thôi mình đã nhận tiền cọc rồi thì bán theo giá cũ thôi, giá lên thì thương lái họ vui, mình cũng vui. Giá dưa năm nay từ 7.000 - 8.500 đồng/kg là quá tốt với người trồng dưa rồi. Ước gì giá ổn định như thế này hoài là nông dân mình vui rồi”- ông Trần nói.
Cũng như ông Triền, anh Nguyễn Văn Duy, ở xã Bình An, huyện Bình Sơn cho biết: Vụ dưa năm nay, anh chỉ đầu tư trồng khoảng 5 sào dưa. Thế nhưng năng suất đạt tới 12,5 tấn và được xem là một trong những hộ có năng suất đạt nhất ở đây. Anh Duy tính, sau khi trừ chi phí (20 triệu), sau hơn 3 tháng bỏ công chăm sóc, anh lãi được trên 60 triệu đồng.
Theo tính toán của người trồng dưa, với giá dưa chỉ khoảng 7.000 đồng, trung bình một ha dưa cho năng suất khoảng 50 tấn. Sau khi trừ chi phí, người nông dân lãi gần 250 triệu đồng. Như vậy, so với các loại cây trồng hiện nay thì chưa có loại cây nào cho kinh tế cao bằng cây dưa hấu. Tuy nhiên đây cũng là cây trồng mang tính rủi ro nhất từ trước đến nay, bởi giá dưa phụ thuộc chủ yếu vào thị trường Trung Quốc.
Còn nhớ cách đây hơn 2 tháng, hàng trăm nông dân ở Quảng Ngãi vào tận các tỉnh Bình Định, Phú Yên và Tây Nguyên để thuê đất trồng dưa. Thế nhưng khi dưa đến ngày thu hoạch thì không có thương lái nào đến mua vì thị trường Trung Quốc không tiêu thụ. Thế là hàng ngàn tấn dưa bỏ thúi trên ruộng, hàng chục tỷ đồng của nông dân tan theo những đám dưa. Nhiều người trồng dưa trở về trắng tay, không ít người phải bán trâu, bò để trả nợ.
Chính vì vậy, mặc dù dưa hấu là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên do giá cả bấp bênh và phụ thuộc phần lớn vào thị trường Trung Quốc, nên ngành nông nghiệp các địa phương nên khuyến cáo nông dân không nên mở rộng diện tích trồng dưa dấu
Có thể bạn quan tâm

Bên cạnh hỗ trợ vốn vay cho những hộ nghèo, hộ có nhu cầu làm ăn phát triển kinh tế gia đình, thời gian qua, xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp xác định đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương đóng vai trò quan trọng, góp phần giúp người dân có đời sống tốt hơn.

Đây là nhận định được đưa ra tại Hội nghị công bố về Triển vọng toàn cầu của cây trồng biến đổi gen (BĐG) năm 2012 vừa được tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội.

Chi cục Nuôi trồng thủy sản (Sở NN&PTNT) tỉnh Trà Vinh cho biết tính đến nay các huyện Duyên Hải, Cầu Ngang, Trà Cú và Châu Thành có hơn 9.500 hộ thả nuôi 838 triệu con tôm sú, tôm thẻ chân trắng trên diện tích 10.123 ha. Tuy nhiên ngành thủy sản chỉ mới kiểm dịch được 269 triệu con, chiếm 32% số lượng tôm thả nuôi.

Một dự án để xác định "siêu chủng" cá rô phi ở Philippines sẽ giúp tăng mức sống của nông dân nuôi cá và người tiêu dùng nghèo, tạo cơ hội việc làm mới và cung cấp an ninh lương thực trên toàn quốc

“Xem xét điều chỉnh lại thời hạn vay nuôi cá tra theo chu kỳ nuôi cá từ 8 - 12 tháng” là đề xuất của Bộ NN&PTNT với NHNN nhằm cơ cấu lại nợ, tăng hạn mức cho vay đối với các hộ, doanh nghiệp nuôi và chế biến cá tra.