Phấn Đấu Thắng Lợi Vụ Cá Nam Năm 2014

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT), tổng sản lượng khai thác thủy sản vụ cá Bắc năm 2013-2014 đạt 1.261.000 tấn, tăng 7,78% kế hoạch và 1,20% so với vụ cá Bắc năm 2012-2013. Trong đó, sản lượng khai thác biển đạt 1.197.000 tấn, khai thác thủy sản nội địa đạt 64.000 tấn.
Trong vụ cá Bắc, công tác phát triển tổ đội sản xuất trên biển tiếp tục được nhiều chủ tàu chú trọng tham gia. Đến nay, cả nước có trên 3.750 tổ đội trên biển với khoảng 22.100 tàu cá /145.000 lao động tham gia (tăng 2.000 tổ đội/13.000 tàu so với 2 năm trước). Ngoài ra, các địa phương trong cả nước cũng đã thí điểm thành lập được trên 50 nghiệp đoàn đánh cá với quy mô lớn và tổ chức điều hành bài bản.
Bên cạnh đó, công tác đăng ký, đăng kiểm và đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển đã được cải thiện đáng kể. Tính đến 28/2/2014, cả nước có hơn 117.000 tàu cá, trong đó tàu cá đã đăng ký hơn 116.000 chiếc (chiếm 99%), số tàu cá đã đăng kiểm trên 58.000 chiếc.
Đặc biệt, cũng trong vụ cá Bắc 2013-2014, Tổng cục Thủy sản đã phối hợp với ngành thủy sản các địa phương triển khai các hoạt động giảm tổn thất sau thu hoạch như: Trang bị bể hạ nhiệt cho cá ngừ tại Tam Quan (Bình Định); hỗ trợ ngư dân Tam Quan (Bình Định), Nha Trang (Khánh Hòa) về cải tiến phương pháp thu câu và bảo quản sản phẩm cá ngừ; triển khai mô hình bảo quản bằng công nghệ xốp thổi (PU) tại Bà Rịa-Vũng Tàu…
Tuy nhiên, theo đánh giá của Tổng cục Thủy sản, vụ cá Bắc năm 2013-2014 còn một số tồn tại, hạn chế như sản lượng tăng nhưng năng suất đánh bắt, chất lượng và giá bán sản phẩm giảm, hiệu quả của các nhóm tàu khai thác không cao; hệ thống hậu cần, dịch vụ còn nhiều bất cập, yếu kém và chưa đáp ứng được yêu cầu sản xuất thực tế hiện nay. Đặc biệt, số lượng tàu cá nhỏ đánh bắt vẹ bờ quá lớn (trên 71.000 tàu có công suất nhỏ hơn 20CV) gây tổn hại nguồn lợi ven bờ.
Theo kế hoạch sản xuất vụ cá Nam năm 2014, ngành Thủy sản phấn đấu đạt tổng sản lượng 1.582.000 tấn, trong đó: khai thác hải sản là 1.461.000 tấn, khai thác nội địa là 121.000 tấn.
Tổng cục Thủy sản cho hay: Vụ cá Nam chịu ảnh hưởng trực tiếp của gió mùa Tây Nam, nhiệt độ nước biển tăng lên, đàn cá di chuyển nhiều để kiếm thức ăn và sinh sản, ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất tại các vùng biển.
Do vậy, để khai thác tốt trong vụ cá Nam kéo dài từ tháng 4 đến tháng 9, Tổng cục Thủy sản đề nghị các địa phương cần chỉ đạo tập trung phát triển các nghề như: Tại vùng vịnh Bắc Bộ tập trung khai thác nghề lưới vậy, chụp mực, rê và mành; vùng duyên hải miền Trung tập trung phát triển nghề câu cá ngừ đại dương, câu mực, lưới vây, rê và mành; vùng biển Đông thuộc Tây Nam Bộ tập trung vào các nghề lưới vây, rê, và kéo ở biển khơi.
Để thực hiện thắng lợi vụ cá Nam 2014, Tổng cục Thủy sản đề nghị: Sở NNPTNT và Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản các tỉnh/thành phố ven biển cần tổ chức tốt việc huy động các phương tiện nghề nghiệp đánh bắt; tổ chức có hiệu quả việc thực thi các chính sách Trung ương và địa phương.
Đồng thời, tăng cường công tác quản lý tàu cá, phát huy vai trò của chính quyền cơ sở và các tổ chức xã hội nghề nghiệp tham gia quản lý và tổ chức sản xuất nghề cá. Tăng cường triển khai thực hiện các biện pháp nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch.
Chỉ đạo công tác sản xuất vụ cá Nam năm 2014, mới đây, ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đã lưu ý: Vụ cá Nam sẽ bước vào mùa mưa bão, vì vậy, ngành nông nghiệp, thủy sản các địa phương cần chú ý kiểm tra đảm bảo an toàn tàu cá, thông tin liên lạc thông suốt.
Tổng cục Thủy sản cần thành lập đoàn kiểm tra, rà soát lại các cảng cá, khu neo đậu tàu truyền tránh trú bão trên phạm vi cả nước, nhất là khu vực miền Trung, cái nào không đảm bảo cần ưu tiên đầu tư trước.
Có thể bạn quan tâm

Đến thời điểm này, huyện Phú Tân đã thu hoạch hơn 1.200 ha, năng suất bình quân 6 tấn/ha. Những tháng đầu năm, tình hình nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn huyện gặp khó khăn về giá cả, thiếu điện cũng như các yếu tố đầu vào tăng cao; tuy nhiên, diện tích nuôi tôm công nghiệp vẫn tăng khá cao.

Quảng Hợp có diện tích đất rừng khá lớn. Đây là điều kiện thuận lợi để người dân phát triển mô hình chăn nuôi dê thả rừng, tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có tại địa phương. Nhận thấy hiệu quả từ mô hình chăn nuôi dê núi của một số hội viên điển hình, Hội Nông dân xã đã tích cực vận động hội viên chuyển đổi cơ cấu chăn nuôi, từ những mô hình chăn nuôi kém hiệu quả sang nuôi dê thả rừng.

Chị Nguyễn Thị Quyên- tiểu thương chợ Vĩnh Long cho biết: Khoảng 1 tháng nay, giá sầu riêng tăng mạnh lại khan hiếm hàng. Nguyên nhân là do nghịch mùa, nhu cầu xuất khẩu tăng. Phần lớn phải mua sầu riêng sống, để chín dần, trái xấu cũng mua mới có hàng bán. Nhập khoảng 200 kg/đợt, bán 4 - 5 ngày mới hết, sức mua cũng không tăng nhiều.

Theo ông Bình, cây iều trước đây là loại rất phổ biến ở địa phương theo kiểu ăn chơi. Do nước lũ, người dân đã chặt bỏ để trồng bắp, cà, sả… nên từ rất lâu không còn nghe ai nhắc đến và cây iều gần như “tiệt chủng”. Trong một lần đi học tập kinh nghiệm làm ăn ở các tỉnh miền Đông, gặp cây iều có cái tên là lạ, ông đã xin giống đem về trồng.

Cây nhãn Thạch Kiệt trồng khoảng 24 tháng là có thể xử lý cho trái. Giống nhãn này có nhiều ưu điểm như: Kháng được bệnh “chổi rồng”, cơm dầy, khô giòn, hạt nhỏ, thơm, trái sai, có năng suất cao, chống chịu sâu bệnh tốt, thích nghi với thổ nhưỡng vùng đất ven sông Tiền.