Ông Võ Hồng Tâm Làm Giàu Từ Cây Mãng Cầu

Theo lời giới thiệu của Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Minh (Thuận Nam - Ninh Thuận), tôi tìm gặp ông Võ Hồng Tâm, 57 tuổi, nông dân làm giàu từ cây mãng cầu trên vùng đất Quán Thẻ.
Trước đây, ông từng làm công nhân trong nhà máy bông, sau khi công ty giải thể, ông mua máy cày làm đất thuê cho bà con trong vùng. Khi địa phương thu hồi đất xây dựng cánh đồng muối, năm 2002, vợ chồng ông chuyển vào đất rẫy gần chân núi, dồn công sức cải tạo để trồng trọt, chăn nuôi. Mong muốn tìm giống cây trồng thích hợp trên đất cát, ông trồng thử nghiệm hành, tỏi, ớt và đủ loại cây ăn trái, nhưng chỉ có cây mãng cầu là thích hợp và mang lại hiệu quả hơn.
Đến nay, ông Tâm đã trồng được 10.000 cây mãng cầu dai trên diện tích 4,5 ha và trở thành hộ trồng mãng cầu nhiều nhất xã Phước Minh. Mỗi năm hai vụ cho trái, sản lượng thu hoạch đạt 60 tấn, trừ chi phí, gia đình ông Tâm thu nhập khoảng 400 triệu đồng/năm.
Ông cho biết, khu đất này trước kia khô hạn, nên ông tận dụng nước mạch trong núi chảy ra, đào ao chứa nước và xây dựng hệ thống mương rãnh. Theo kinh nghiệm, lúc mới trồng phải tạo rãnh đất thuận tiện cho việc tưới, tiêu nước và bón phân.
Sau khi thu hoạch chừng một tháng, ông cắt cành, dọn lá để thân cây cao vừa phải, tránh giao tán, dễ chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh. Hàng năm ông bón phân các loại, nhiều nhất là phân chuồng để đất thêm màu mỡ. Đất càng tốt, mãng cầu càng nhanh bói quả, ra trái càng to. Giá mãng cầu trung bình từ 12.000 đ – 20.000 đ/kg, riêng loại 1 (2 – 3 trái/kg) giá bán lên tới 35.000 đ/kg.
Tận mắt ngắm nhìn căn chòi giữa vườn cây của ông, chúng tôi ngạc nhiên khi biết ông còn đầu tư bộ quạt gió sử dụng nguồn năng lượng gió, cộng thêm “công trình” thuỷ điện mini từ đập nước trên suối, cung cấp đủ nguồn điện sinh hoạt cho gia đình. Ông trở thành điển hình nông dân vượt khó làm giàu, là gương sáng về lao động sản xuất giỏi ở địa phương.
Có thể bạn quan tâm

Hiện các hộ dân tích cực vệ sinh vườn thanh long sạch, thông thoáng, tỉa bỏ và tiêu hủy triệt để mầm bệnh bằng cách thu gom các bộ phận cây, quả bị nhiễm bệnh đem chôn sâu hoặc dồn đống sau đó rắc vôi và tủ bạt, không để các tác nhân gây bệnh phân tán trong không khí. Qua thực hiện chiến dịch giúp nông nhận thức rõ hơn về bệnh đốm trắng và tích cực phòng trị theo phương pháp tổng hợp IPM.

Cuộc họp triển khai công tác phòng, chống hạn hán và xâm nhập mặn, đảm bảo sản xuất vụ đông xuân 2014-2015 khu vực Trung bộ tổ chức tại TP.Phan Thiết mới đây xoay quanh 2 nội dung. Đó là phản ánh tình trạng thiếu nước tại các công trình thủy lợi trên toàn miền Trung trong diễn biến của hiện tượng El Nino và đốc thúc chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng các cây trồng cạn.

Nằm trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với điều kiện tự nhiên thuận lợi, Đồng Tháp có lợi thế về sản xuất nông nghiệp. Từ đó đã hình thành các vùng nông nghiệp chuyên canh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Những năm gần đây, bên cạnh việc phát triển nông nghiệp theo hướng sạch, an toàn, chính quyền các địa phương và nông dân cũng đã năng động tìm kiếm thị trường tiêu thụ, hình thành được chuỗi khép kín thông qua mối liên kết “4 nhà”.

Năng suất lúa bình quân đạt 57,3 tạ/ha, tăng 2,1%, sản lượng tăng 1,1%; so với năm 2013. Cây bắp năng suất ước đạt 54,8 tạ/ha, sản lượng 57.746 tấn. So với kế hoạch, năng suất tăng 3,4%, sản lượng tăng 2,1%. Các loại cây trồng ngắn ngày, cây chủ lực như mía và mì đều tăng trưởng đạt kế hoạch về diện tích, sản lượng.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn nguyên liệu không ổn định. “Mỗi khi nguồn hàng khan hiếm, ngoài việc phải cạnh tranh về giá với các doanh nghiệp trên địa bàn, công ty phải tổ chức đi mua ở các tỉnh lân cận mới đủ hàng sản xuất, nên chi phí đầu vào đội lên”-ông Quỳnh than.