Ông Triệu Phú Ở Sì Lở Lầu

Ở giữa những vạt rừng âm u của xã Sì Lở Lầu (Phong Thổ, Lai Châu) có một người đàn ông Dao từ khó nghèo đã vươn lên trở thành triệu phú và vẫn hoàn thành xuất sắc trọng trách phó “thủ lĩnh” Hội ND xã, được bà con tin yêu...
Ông là Phàn Chin Hòa - Phó Chủ tịch Hội ND xã Sì Lở Lầu.
Cố gắng sẽ thắng đói nghèo
Phàn Chin Hòa kể, trước đây gia đình ông cũng nghèo lắm. Mẹ ông sinh đông con nhưng bố lại nghiện thuốc phiện nên kinh tế trong nhà gần như khánh kiệt. Học chưa qua cấp I, ông phải nghỉ ở nhà trông em cho mẹ làm nương.
Lớn hơn một chút, khi đã lùa được con trâu đi chăn, cầm được cái cuốc chắc tay, ông và anh trai đi làm thuê cho người dân trong bản để giúp đỡ gia đình. Ông bảo, chính vì phải nếm trải cơ cực từ tấm bé nên lúc nào ông cũng tự nhủ không được nghiện thuốc phiện và phải làm giàu. Mục tiêu là thế nhưng làm thế nào thì là câu hỏi mà suốt mấy năm đi làm thuê ông mới lờ mờ hình dung ra được. Vậy là khi nào không có việc để làm thuê thì ông lại còng lưng trên những sườn núi để khai hoang ruộng...
Những ngày đi làm thuê ông đã học được cách trồng thảo quả, lại thấy người ta làm giàu từ giống cây này nên ông tin đây sẽ là một loại cây cứu giúp cho cả gia đình mình. Suốt mấy năm liền, hễ thôi tay cuốc là ông lại cầm dao lên rừng chọn nơi đất tốt, tán rừng mát mẻ dọn dẹp, trồng thảo quả. Khi ấy mua thảo quả giống không dễ dàng, giá lại đắt, mất một thời gian dài vợ chồng ông dành dụm mới mua được giống đem trồng. Nhờ tần tảo, khi đứa con đầu lòng ra đời, vợ chồng ông đã có một đám ruộng bậc thang kha khá và trên 5ha thảo quả. Sáng trên nương, chiều xuống ruộng, mùa hè làm cỏ, mùa thu sấy thảo quả… chẳng bao giờ thấy ông ngồi không một chỗ.
Cái đói, cái nghèo đã dần bị đẩy ra khỏi mái nhà sàn của ông, giờ đây năm nào gia đình ông cũng thu không dưới 4 tấn thóc, trên 1 tấn thảo quả khô. Riêng thảo quả, năm ít bù năm nhiều, mỗi năm gia đình ông thu trên dưới 100 triệu đồng, chưa kể các khoản thu từ lợn, gà, trâu…
Làm cán bộ để hỗ trợ được nhiều người
Căn lều xiêu vẹo năm xưa ông đã phá đi để dựng vào đó một ngôi nhà trình tường vững trãi, mái lợp fibro ximăng, có điện (máy phát mini), có ti vi, thành viên nào trong gia đình cũng có điện thoại. Gia đình ông có diện tích, sản lượng thảo quả cao nhất xã Sì Lở Lầu, giàu nhất bản Lản Nhì Thàng. Khi đã có bát ăn bát để, ông không quên người nghèo trong bản. Thấy bà con thiếu đói, ông bảo: "Đến lấy ruộng của tôi mà làm". Nói là làm, ông bàn với vợ trích phần đất nương của nhà mình cho một số hộ nghèo mượn trồng ngô; lại đầu tư vốn để một số hộ như Vừ Chá Tính, Thàn Qua Quản phát triển chăn nuôi...
Không được học cao nhưng bằng kinh nghiệm thực tiễn, uy tín của mình, ông được bà con trong bản, trong xã quý mến, nể trọng. Ông được hội viên tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Hội ND xã. Ông bảo, vì biết không nhiều chữ nên khi làm cán bộ gặp khó khăn đủ đường nhưng "chỉ có làm cán bộ ND thì mới thuận lợi tham gia hỗ trợ cho bà con. Xác định vậy nên tôi luôn nỗ lực hết mình".
"Học theo cách làm của ông Hòa và được trực tiếp ông giúp đỡ, đến nay gia đình nào trong bản cũng có thảo quả, kinh tế khấm khá hơn. 117 hộ của bản giờ chỉ còn 11 hộ nghèo...".
Năm nay đã ngoài 50 tuổi, ông Hoà vẫn lên nương, vào rừng chỉ dạy, truyền đạt kinh nghiệm cho bà con cách trồng, chăm sóc cây thảo quả, cách bảo vệ tán rừng. Ông bảo: "Mình có kinh nghiệm, phải trực tiếp truyền đạt bà con mới nhanh hiểu. Nhiều gia đình đủ ăn, giàu có thì bản làng mới nhanh khởi sắc...".
Có thể bạn quan tâm

Đó là mô hình chăn nuôi của ông Nguyễn Văn Túy ở thôn Nghĩa Xá, xã Đại Đồng (Tứ Kỳ - Hải Dương). Ông Túy là người tiên phong ở xã Đại Đồng trong việc nuôi ba ba.

Nhu cầu nhập khẩu tăng, nguồn cung khan hiếm… được xác định là những nguyên nhân kéo giá tôm nguyên liệu tại ĐBSCL tăng mạnh trong những ngày qua, tuy nhiên, nông dân vẫn không mặn mà thả nuôi.

Nhằm tận dụng diện tích đất và thời gian nông nhàn, giúp nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng lợi nhuận trên cùng diện tích đất, vừa qua, UBND thị trấn Lai Vung (Đồng Tháp) đã thông qua mô hình trồng xen canh cây dưa lê giữa hai vụ lúa, đồng thời tổ chức cho nông dân trên địa bàn đi tham quan, học tập mô hình trồng dưa lê tại tỉnh Tiền Giang.

Nuôi gà trên đệm lót sinh học có nhiều ưu điểm: hạn chế mùi hôi, ô nhiễm môi trường, các bệnh về đường ruột và hô hấp trên gà, hạn chế lây truyền dịch bệnh, ít tốn công chăm sóc… Phú Mỹ là xã điển hình của huyện Mỏ Cày Bắc (Bến Tre) đã thử nghiệm hiệu quả và đang nhân rộng mô hình này.

Vụ mùa năm 2013, Công ty cổ phần Công nghệ nông nghiệp xanh (Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội) hỗ trợ 10/13 huyện, Thành phố của tỉnh (trừ Bảo Lạc, Bảo Lâm, Hạ Lang) xây dựng 40 mô hình sản xuất lúa, ngô sử dụng phân viên nén nhả chậm.