Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Ông Nông Dân Chịu Chơi

Ông Nông Dân Chịu Chơi
Ngày đăng: 08/04/2014

Ông Nguyễn Văn Chiểu, xã Gia Tân 2 (huyện Thống Nhất - Đồng Nai) nổi tiếng là người đi tiên phong sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi với quy mô lớn tại Đồng Nai. Hiện trang trại của ông đang có 500 heo nái, 3 ngàn heo thịt và đang đầu tư mở rộng trại, tăng đàn thêm 1 ngàn heo thịt.

* Nuôi heo không tắm

Lớn lên ở vùng chăn nuôi nên trước đây ông Nguyễn Văn Chiểu chọn học trung cấp thú y. Ra trường, ông về quê lập nghiệp với khởi điểm ban đầu là đàn heo có 10 con nái. Tích tiểu thành đại, dần dần ông lập được trang trại với hàng trăm heo nái và vài ngàn heo thịt.

“Tuy trang trại rộng khoảng 2,5 hécta, nằm khá tách biệt với khu dân cư nhưng vấn đề xử lý chất thải và mùi hôi vẫn là nỗi lo không nhỏ. Tôi đã bỏ thời gian tìm hiểu mô hình sử dụng đệm lót sinh học. Cuối năm 2013, tôi quyết định ứng dụng mô hình này cho toàn bộ đàn heo thịt 3 ngàn con. Đây là quyết định khá táo bạo vì phải bỏ ra vài trăm triệu đồng cải tạo chuồng trại, nhất là chi phí làm đệm lót sinh học tăng thêm khoảng 30% so với nuôi bằng nền xi măng” - ông Chiểu kể.

Đệm lót sinh học là một lớp nền dày được tạo ra từ hỗn hợp trấu, mùn cưa và một loại men vi sinh. Lớp đệm này có thể nuôi được hơn 10 lứa heo, sau mỗi đợt heo xuất chuồng chỉ cần bổ sung thêm khoảng 10% hỗn hợp trên nhằm đảm bảo độ dày của nền chuồng. Chất thải và phân heo sẽ bị chuyển hóa thành mùn, không chỉ giúp khử mùi hôi mà còn tạo ra những vi khuẩn có lợi cho vật nuôi.

Ông Chiểu vui vẻ cho biết, trang trại vừa xuất bán lứa heo đầu tiên nuôi bằng đệm sinh học. Đàn heo vài ngàn con ở đây chỉ cần một nhân công phụ trách việc cho ăn, uống nước vì không phải bỏ công tắm rửa, dọn chuồng, không tốn tiền điện, chi phí xây hầm biogas xử lý chất thải.

Lượng thức ăn cũng giảm hơn vì con heo không bị mất năng lượng do tắm rửa, hạn chế được dịch bệnh, tỷ lệ nạc heo lại cao hơn. Đặc biệt, tấm đệm tạo được môi trường tiểu khí hậu bên trong chuồng nuôi khá ổn định nên đợt lạnh vào cuối năm 2013, trang trại bảo toàn được đàn heo con giống.

* Không ngại hội nhập

Ông Chiểu thường xuyên dự các hội thảo của ngành chăn nuôi vì đây là cơ hội để biết nhiều kỹ thuật mới, ứng dụng khoa học hay, đồng thời giữ liên lạc với các giảng viên ngành chăn nuôi ở các trường trung cấp, đại học để nhờ tư vấn về mặt kỹ thuật.

Nhưng với ông, kiến thức đã được đào tạo và thông tin trên sách, báo, internet chỉ là nền để biết ứng dụng linh hoạt vào thực tế. Tấm đệm sinh học giữ được độ ấm giúp vật nuôi không bị ảnh hưởng bởi khí hậu lạnh, nhưng cũng là nhược điểm khi thời tiết quá nắng, nóng. Ông Chiểu đã tự mày mò và cho lắp hệ thống phun sương để làm mát cho chuồng trại.

Theo ông Chiểu, thời hội nhập, áp lực cạnh tranh trong ngành chăn nuôi ngày càng lớn. Nhưng nếu nông dân tổ chức tốt khâu quản lý để tạo ra được sản phẩm an toàn với giá thành rẻ, hạn chế được dịch bệnh sẽ không lo thất thế. Những năm qua, trang trại cũng gặp không ít khó khăn vì thị trường tiêu thụ bất ổn. Nhưng nhờ chủ động sản suất được con giống với giá rẻ, giảm chi phí sản xuất và kiểm soát được dịch bệnh nên dù heo “rớt” giá, trang trại của ông cũng không rơi vào cảnh thua lỗ.


Có thể bạn quan tâm

Hàng Trăm Hécta Rừng Thông Ở Quảng Bình Bị Sâu Róm Ăn Trụi Hàng Trăm Hécta Rừng Thông Ở Quảng Bình Bị Sâu Róm Ăn Trụi

Hầu hết các hộ dân trong thôn đều phun thuốc diệt trừ sâu từ 2 - 3 đợt (mỗi đợt tiêu tốn khoảng 1 triệu đồng/ha), nhưng hễ lá non mọc lên thì sâu lại ồ ạt xuất hiện và ăn tiếp đến trơ trụi. Hiện chưa có biện pháp cứu hàng trăm hécta rừng thông còn lại đang khiến người dân ngày mỗi điêu đứng.

21/10/2014
Tăng Lợi Nhuận Trên 4 Triệu Đồng/ha Nhờ Máy Gặt Đập Liên Hợp Tăng Lợi Nhuận Trên 4 Triệu Đồng/ha Nhờ Máy Gặt Đập Liên Hợp

Trên địa bàn huyện hiện có 110 máy GĐLH, chiếm 50% tổng số máy toàn tỉnh; đảm bảo thu hoạch 65% diện tích lúa Đông xuân, 67% vụ Hè thu, 83% vụ Thu đông, giảm 3% lượng lúa thất thoát trong năm so cắt thủ công (tương đương gần 41 tỉ đồng). Lợi nhuận tính trên 1ha khi thu hoạch bằng máy GĐLH so với thu hoạch thủ công là 4,3 triệu đồng.

21/10/2014
Xuất Khẩu Trái Cây Việt Nam Chất Lượng Sản Phẩm Là Cốt Lõi Xuất Khẩu Trái Cây Việt Nam Chất Lượng Sản Phẩm Là Cốt Lõi

Thông tin hai loại quả vải và nhãn của Việt Nam sẽ được xuất sang thị trường Mỹ những tháng cuối năm đã mở hướng mới cho sản xuất trái cây trong nước và xuất khẩu mặt hàng này. Tuy nhiên, cản trở lớn nhất đối với trái cây Việt Nam không phải ở số lượng hay tính đặc sản mà là chất lượng.

21/10/2014
Thường Tín (Hà Nội) có gần 1.000ha nuôi trồng thủy sản Thường Tín (Hà Nội) có gần 1.000ha nuôi trồng thủy sản

Thực hiện quy hoạch vùng chuyển đổi, đến nay, huyện Thường Tín (Hà Nội) đã xây dựng được nhiều vùng sản xuất chuyên canh cho hiệu quả kinh tế cao như: Vùng sản xuất lúa hàng hóa 100ha tại các xã Thắng Lợi, Nghiêm Xuyên cho giá trị kinh tế gấp từ 1,2 – 1,5 lần so với cấy lúa thường.

09/04/2015
Tôm Thẻ Chân Trắng Lại Chết Hàng Loạt Ở Tuy Phong Tôm Thẻ Chân Trắng Lại Chết Hàng Loạt Ở Tuy Phong

Không hiểu sao mỗi năm cứ đến thời điểm thu hoạch chính của các hộ dân nuôi tôm thẻ chân trắng ở Tuy Phong, tôm lại có dấu hiệu chết hàng loạt. Người nuôi tôm ở khu vực này rất lo lắng cho những vụ kế tiếp khi giá tôm cũng có chiều hướng giảm mạnh.

22/10/2014