Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Ông Minh tôm thẻ

Ông Minh tôm thẻ
Ngày đăng: 04/10/2015

Ông Trần Văn Minh mở máy quạt nước tạo oxy

Một đời với con tôm

Dừng chân tại cầu Tam Giang bắc qua sông Trường Giang, ở cuối thị trấn Núi Thành hỏi nhà ông Trần Văn Minh, một người dân cho hay:

"Ông ấy mới thu hoạch tôm, thu nhập hơn 1 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi 700 triệu. Hiện đang xử lý ao nuôi để thả vụ tiếp theo.

Lạ lắm, mấy vụ ni ông nuôi kiểu gì mà tôm lớn nhanh như thổi. Ở đây bà con nuôi tôm thường từ 2,5 - 3 tháng thu hoạch (mỗi 1kg từ 60 - 90 con), còn 1kg tôm của ông Minh nuôi chỉ từ 39 - 46 con.

Men theo con đường ra khu ao nuôi, ông Minh đang bật máy quạt khí, từng dòng nước trắng xóa chảy trên mặt hồ.

Tôi hỏi: "Ao vừa thu hoạch mà mở máy làm gì vậy chú?".

Ông Minh cười: “Có tác dụng hết con ạ! Tôi không bật máy để không đâu. Mặc dù không có tôm dưới ao, nhưng tôi mở máy xử lý nước để nuôi vụ tiếp theo.

Tôi nuôi tôm khác mọi người ở đây là sau khi thu hoạch người ta tháo nước trong ao xử lý, còn tôi giữ lại nước cũ, đánh thuốc rồi nuôi tiếp”.

Ông Minh sinh ra ở thị trấn Núi Thành, lớn lên theo học Trường ĐH Thủy sản Nha Trang. Năm 1985, ông tốt nghiệp với tấm bằng kỹ sư thủy sản.

Thời đó, cả tỉnh Quảng Nam, những người có học thức như ông đếm trên đầu ngón tay. Do đó, vừa ra trường được chính quyền trọng dụng. Ông xin về làm ở Cty thủy sản, thuộc Sở Thủy sản Quảng Nam – Đà Nẵng.

Sau đó chuyển qua làm cán bộ nuôi trồng, thuộc Trại ươm giống thủy sản Núi Thành.

Tưởng rằng cái nghề của ông cứ đeo bám ở đây mãi thì đến năm 1994, trại ươm giống giải thể.

Cũng lúc này, bắt đầu lên cơn sốt tôm sú, ông cùng hai người dân bỏ vốn mua lại diện tích nuôi trồng của trại. Ông mua được diện tích 1,4 ha, không làm trong nhà nước, ông tự mày mò SX giống để bán, đồng thời đào ao nuôi tôm.

Từ đó đến nay, cái nghiệp nuôi trồng cứ đeo bám ông, có nhiều lúc ông muốn dứt ra nhưng không đành lòng. Bởi theo ông Minh, con tôm cho mình lợi nhuận cao, nhưng nó cũng cướp đi tài sản nhanh chóng.

 

Ao tôm được lót bạt

“Trong sự nghiệp nuôi tôm, tôi đã nếm nhiều thất bại, song với đó thành công cũng nhiều.

Nuôi con tôm, giống như đánh cược với trời, vụ thắng lớn, vụ thua lỗ. Có những lúc muốn buông tay, chuyển nghề, nhưng quanh đi quẩn lại vẫn đeo bám, không dứt được ra, vì tôm cho lãi khủng”, ông Minh chia sẻ.

Ông Minh chia sẻ, trong nuôi tôm thời tiết là yếu tố quyết định đầu tiên, bởi nắng nóng, mưa lũ cũng khó nuôi.

Vùng nuôi phải đáp ứng tiêu chuẩn không bị ô nhiễm khí độc, môi trường và phải biết chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh.

Khi nắng nóng xuất hiện, ông tăng thêm máy tạo oxy, tạo dòng chảy giúp môi trường nước cải thiện.

Nuôi bằng công nghệ trải bạt, giống như nuôi tôm trên cát. Không lấy nước trực tiếp ngoài sông bơm thẳng vào ao nuôi. Ông dùng 6 sào đất, đào ao chứa nước. Nước được lấy trực tiếp ngoài sông cho vào ao dự trữ, sau đó xử lý mới bơm vào ao nuôi.

Nuôi thưa thu lớn

Một kinh nghiệm xương máu mà sau nhiều vụ ông rút ra, là mật độ nuôi từ 60 - 100 con/m2 sẽ đem lại năng suất cao.

“Trước đây nuôi từ 150 - 200 con/m2 khiến lượng oxy không đáp ứng đủ, đặc biệt khoáng chất cho tôm thiếu hụt. Từ ngày tôi áp dụng cách này, tôm nhanh lớn, ít dịch bệnh. Trung bình thời gian nuôi 2 tháng, trọng lượng tôm đạt khá, 46 con/kg.

Nhiều người đến học hỏi và tôi đã chia sẻ kinh nghiệm với bà con. Bởi mật độ nuôi quá dày, con tôm thiếu khoáng chất, chất thải nhiều gây ra dịch bệnh”, ông Minh tâm sự.

Ngoài ra, ông Minh không dùng kháng sinh đối với tôm. Ông chỉ dùng men vi sinh và khoáng chất, dùng đúng cách thì hạn chế được dịch bệnh và tôm nhanh lớn.

“Trước đây, cứ 2 - 3 ngày tôi đánh men một lần, thì nay chia nhỏ ra, cùng số lượng đó nhưng ngày nào cũng đánh. Đồng thời, khoáng chất cũng áp dụng tương tự. Men vi sinh sẽ xử lý vi khuẩn có hại, còn khoáng chất giúp tôm cứng vỏ, nhanh lột xác, chóng lớn”, ông Minh bộc bạch.

 

Máy quạt cánh nhím công nghệ Thái Lan

Mới đây, ông Minh còn áp dụng công nghệ nuôi tôm của Thái Lan.

Những ao tôm của ông được lắp thêm máy cánh nhím bổ sung lượng oxy khá lớn so với loại quạt thông thường.

“Nuôi tôm có năm được năm mất, nhưng nghề này đã cho tôi nhiều thứ. Nếu không nuôi tôm thì ba người con của tôi không có tiền đi du học.

Hiện một đứa theo học ở Mỹ, 2 đứa ở Úc. Tiền chu cấp cho con mỗi năm hết 1,5 tỷ đồng. Nhưng con tôm đẻ ra tiền để tôi nuôi chúng”, ông Minh chia sẻ.

Bà Phạm Thị Hoàng Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản Quảng Nam: "Tỉnh đã ban hành quyết định về việc quy hoạch tạm thời vùng nuôi tôm thẻ lót bạt ven biển tại hai huyện Thăng Bình và Núi Thành, giai đoạn 2014 - 2018. Trong đó diện tích được chỉnh trang khoảng 205 ha, diện tích mở mới 79 ha.

Chúng tôi kêu gọi DN đầu tư xây trại SX giống tại chỗ nhằm hạ giá thành sản phẩm, giúp nông dân có điều kiện phục hồi SX".


Có thể bạn quan tâm

Chủ trang trại chăn nuôi Lương Văn Tuấn đi lên từ gian khó Chủ trang trại chăn nuôi Lương Văn Tuấn đi lên từ gian khó

Sau hơn 20 năm lăn lộn trên thương trường, giờ đây ông làm chủ một trang trại chăn nuôi quy mô hiện đại với tổng doanh thu mỗi năm hàng tỷ đồng. Đó là cựu chiến binh Lương Văn Tuấn ở thôn Gia Tiến, xã Tân Trung, huyện Tân Yên (Bắc Giang).

15/08/2015
Xử phạt nghiêm hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi Xử phạt nghiêm hành vi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi

Chi cục Thú y TP. Hồ Chí Minh thông báo: Đơn vị này vừa phát hiện 8/31 mẫu heo dương tính với chất cấm thuộc nhóm beta - agonist (chất tạo nạc, thuốc tăng trọng cho heo) có xuất xứ từ tỉnh Tiền Giang khi nhập vào các lò giết mổ ở TP. Hồ Chí Minh. Ngày 10-8, trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Mến, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết, từ đầu năm đến nay, ngành chức năng tỉnh ta đã lấy rất nhiều mẫu ở nhiều nơi trong tỉnh để gửi xét nghiệm nhưng không phát hiện mẫu nào dương tính với chất cấm thuộc nhóm beta - agonist.

15/08/2015
Nấm rơm vào vụ giá cao Nấm rơm vào vụ giá cao

Tận dụng nguồn rơm sẵn có ở địa phương, sau khi thu hoạch lúa Hè thu, nhiều hộ dân ở Trường Long A, Tân Hòa, Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang, mua rơm về chất nấm. Thời điểm này, bà con bắt đầu thu hoạch nấm, năm nay nấm rơm có giá cao, nên hộ nào trồng nấm năng suất thấp cũng có lời.

15/08/2015
Thuê nhà trồng 175 cây cần sa Thuê nhà trồng 175 cây cần sa

Sáng 13/8, Công an TP Bảo Lộc (Lâm Đồng) cho biết, đã đưa đối tượng Nguyễn Thị Hằng My (26 tuổi, ngụ tại huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) và chồng là Lê Trọng Nghĩa (44 tuổi, ngụ tại quận 1, TP Hồ Chí Minh) về trụ sở Công an thành phố để làm rõ hành vi và mục đích trồng cây cần sa trái phép.

15/08/2015
Chùm ngây, cây trồng mới của nông dân Hưng Yên Chùm ngây, cây trồng mới của nông dân Hưng Yên

Những năm gần đây, chùm ngây là loại cây rau mới được một số hộ nông dân Hưng Yên mạnh dạn đưa vào trồng thử nghiệm. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của ngành chức năng, người dân cần thận trọng trong việc nhân rộng diện tích loại cây trồng này bởi hiện nay đầu ra cho sản phẩm này vẫn còn tương đối bấp bênh.

15/08/2015