Ông Châu Quầy điển hình nông dân sản xuất giỏi

Gia đình ông gắn bó với nghề chăn nuôi gia súc từ nhiều năm nay. Hiện tại, gia đình ông chăn nuôi 120 con cừu, 20 con bò và 70 con dê. Cứ 2 năm 3 lứa, mỗi lứa dê và cừu đẻ từ 1 - 2 con. Ông xuất bán con đực, giữ lại con cái làm giống sinh sản, vừa thu lợi nhuận vừa duy trì, gầy dựng đàn.
Để đảm bảo nguồn thức ăn ổn định cho đàn gia súc, nhất là mùa nắng hạn, gia đình ông dành một phần diện tích đất sản xuất để trồng các loại cỏ chăn nuôi. Nhờ chăm sóc kỹ nên giữa mùa nắng hạn nhưng đồng cỏ vẫn phát triển tốt, cho thu hoạch đều đặn mỗi ngày. Nhờ vậy, đàn gia súc với gần 200 con các loại luôn phát triển tốt, chất lượng con giống thay đổi rõ rệt, tăng trọng lượng, đảm bảo duy trì ổn định đàn qua các năm.
Ngoài chăn nuôi, ông Châu Quầy còn canh tác 4ha lúa, đảm bảo nguồn nước tưới từ hệ thống kênh Bắc và hồ Sông Trâu, 1ha cỏ và hoa màu và nhận dịch vụ làm đất cho bà con nông dân trong vùng. Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học-kỹ thuật vào sản xuất nên năng suất, chất lượng cây trồng đảm bảo, trong đó lúa đạt trung bình 6,5 tấn/ha/vụ. Cộng dồn các khoản thu từ chăn nuôi, trồng trọt và dịch vụ làm đất, mỗi năm gia đình ông có thu nhập trên 200 triệu đồng, đảm bảo cuộc sống ổn định.
Không chỉ làm giàu cho bản thân, trong cuộc sống thường ngày, ông Châu Quầy còn nhiệt tình giúp đỡ các hộ nông dân nghèo trong lao động, sản xuất, bằng những việc làm thiết thực như: hỗ trợ kỹ thuật, kinh nghiệm, công làm đất, cho vay vốn, lúa giống… cho nhiều lượt hộ nghèo; đồng thời tạo việc làm ổn định cho 25 lao động tại địa phương. Ông Châu Quầy tâm sự: Thấu hiểu nỗi vất vả của người nghèo nên bà con nào cần trợ giúp, tôi đều cố gắng hết mình. Tuy vậy, để thoát nghèo và vươn lên làm giàu bền vững, bà con cần có ý chí, phải biết tính toán, cân nhắc, mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi, tìm ra hướng làm ăn mới có hiệu quả. Khi nuôi con gì, trồng cây gì phải nghiên cứu thị trường, học hỏi kinh nghiệm, chăm sóc kỹ càng… có như vậy mới tránh được thất bại và đạt được kết quả như mình mong muốn.
Bằng những nỗ lực trong lao động sản xuất, năm 2014, ông Châu Quầy được UBND tỉnh tặng Bằng khen nông dân sản xuất giỏi; năm 2015, được UBND huyện Thuận Bắc tặng Giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2010 - 2014. Ông là tấm gương sáng về tinh thần chịu thương, chịu khó, nhạy bén, tìm hướng phát triển kinh tế gia đình vững chắc trên mảnh đất quê hương, xứng đáng là tấm gương sáng để bà con nông dân noi theo.
Có thể bạn quan tâm

Huyện Hoài Nhơn (Bình Định) có tổng đàn bò gần 25.000 con. Những năm gần đây, người dân trên địa bàn huyện đã tận dụng diện tích đất trồng lúa bị nhiễm phèn, nghèo dinh dưỡng, đất trồng hoa màu hiệu quả thấp, đất vườn, đất ven sông, ven lạch để trồng cỏ nuôi bò, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nấm Linh chi là loại nấm dược liệu, có giá trị phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu. Cùng với các loại nấm ăn, những năm gần đây nghề trồng nấm Linh chi phát triển khá mạnh ở tỉnh Ninh Bình, người dân đã đưa vào hàng nghìn tấn nguyên liệu sản xuất mỗi năm.

Ít cả đất lẫn vốn nhưng vẫn có thể làm giàu nhờ trồng xen các loại cây trên cùng một diện tích. Đó là cách làm của nhiều nông hộ ở ấp Thạnh Tây, xã Lộc Tấn (Lộc Ninh) và ấp 7, xã Minh Lập (Chơn Thành - Bình Phước). Cách làm này vừa giúp cải tạo đất, hạn chế cỏ dại, hỗ trợ các loại cây cùng phát triển, vừa cho lợi nhuận cao, giảm được nỗi lo thất mùa, mất giá.

Sóc Trăng hiện có tổng đàn bò hơn 26.500 con, trong đó có 6.400 con bò sữa và hơn 90% được nuôi ở mô hình nông hộ; Tuy nhiên, sữa là loại thực phẩm đặc biệt, yếu tố chất lượng chính là đòi hỏi bắt buộc.

Những năm gần đây, từ phong trào thi đua phát triển kinh tế, xã Liễu Đô (huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái) đã xuất hiện một số mô hình kinh tế phát triển đa dạng, làm ăn hiệu quả và nhiều tấm gương nông dân năng động, dám nghĩ, dám làm, cần cù, sáng tạo, từng bước vươn lên làm giàu chính đáng trên đồng đất quê hương bằng đôi tay, khối óc của mình. Nông dân Hoàng Văn Cát là một trong những người như thế.