Ổn Định Sản Xuất Nông Nghiệp Trên Cao Nguyên Đá

Năm 2014, huyện Đồng Văn gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp. Dù vậy, với các biện pháp khắc phục kịp thời, sát với điều kiện tình hình thực tế, cùng với sự đồng thuận của người dân, huyện vẫn giữ được sự tăng trưởng ổn định trong sản xuất nông nghiệp.
Ngay từ những ngày đầu năm, trên địa bàn huyện thời tiết diễn biến khó lường, giá rét, khô hạn kéo dài nhiều tháng đã ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sinh trưởng, phát triển các loại cây trồng; thiệt hại nặng nhất của tình trạng hạn hán, giá rét là ở các xã Lũng Táo, Thài Phìn Tủng, Sà Phìn, Lũng Cú, Vần Chải, Ma Lé, Lũng Thầu... Nguyên nhân trên đã làm giảm cả năng suất, sản lượng các loại cây trồng.
Không chấp nhận thất bại, với trách nhiệm chính, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đồng Văn đã chỉ đạo các xã, thị trấn, tuyên truyền vận động bà con nông dân dồn sức làm tốt vụ Xuân - hè (vụ chính trong năm): Diện tích gieo trồng các loại cây lương thực chính là lúa, ngô, đậu tương đảm bảo kế hoạch, trong đó diện tích trồng bằng ngô, lúa giống mới, thâm canh tăng mạnh.
Cùng cố gắng trong sản xuất vụ Xuân- hè, huyện Đồng Văn có những chính sách hỗ trợ, bù đắp phần nào những thiệt hại trong sản xuất vụ Đông - xuân. Bằng các giải pháp tích cực, kết thúc năm 2014, các chỉ tiêu sản xuất nông nghiệp cả năm đều đạt từ 90 đến 100% kế hoạch.
Tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm là 12.646 ha, trong đó cây ngô 6.417 ha, năng suất bình quân 37 tạ/ha, sản lượng đạt 22.688 tấn; cây đậu tương 2.647 ha, đạt 105,9% kế hoạch huyện giao, năng suất bình quân 11,8 tạ/ ha, sản lượng 3.132 tấn; cây lúa 731 ha, đạt 90,8% kế hoạch, năng suất 58 tạ/ha, sản lượng 4.241 tấn; còn lại là diện tích của các loại cây trồng khác. Tổng sản lượng lương thực cả năm đạt 27.942 tấn, đạt 99,9% so với chỉ tiêu Nghị quyết HĐND huyện giao.
Ngoài sản xuất cây trồng, lĩnh vực chăn nuôi cũng được Phòng nông nghiệp và PTNT huyện Đồng Văn quan tâm, triển khai hiệu quả, nhiều chương trình phát triển chăn nuôi như hỗ trợ làm chuồng trại; lãi suất ưu đãi, chuyển đổi, hỗ trợ mua trâu, bò nuôi; Dự án phát triển đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo được triển khai đồng bộ.
Từ năm 2013 - 2014, tiến hành thụ tinh nhân tạo cho bò được trên 210 con; 1.770 hộ được hỗ trợ mua bò. Nhờ vậy, tổng đàn gia súc của huyện năm 2014 vẫn duy trì, giữ mức ổn định với tổng đàn gia súc 61.236 con; sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 1.680 tấn, giá trị ước tính khoảng 132.338 triệu đồng. Đàn gia cầm là 194.556 con, đạt 97,3 kế hoạch tỉnh giao, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt trên 241 tấn, giá trị ước đạt 24.100 triệu đồng...
Khắc phục những khó khăn trong lĩnh vực sản xuất cây lương thực, chăn nuôi, cùng với sự phát triển ổn định trên các lĩnh vực khác như cây công nghiệp, cây ăn quả, rau đậu các loại, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Đồng Văn tiếp tục phát triển ổn định, giá trị tăng trưởng luôn đạt khá...
Năm 2014 đã qua, những cố gắng, kết quả đạt được trong năm cũ là động lực, niềm tin cho ngành nông nghiệp huyện Đồng Văn vững bước vào năm mới 2015 với hy vọng gặt hái nhiều thành công mới.
Có thể bạn quan tâm

Nói về nghề nuôi cá nước ngọt có truyền thống lâu đời trên địa bàn tỉnh Quảng Trị thì có lẽ ở Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị có thôn Long Hưng còn ở Triệu Phong có thôn Đạo Đầu, xã Triệu Trung. Về thôn Đạo Đầu, đi qua các đường làng ngõ xóm người ta dễ dàng bắt gặp những chiếc hồ nuôi cá ngay trong khuôn viên gia đình.

Từ đầu năm 2014 đến nay, khắp các tỉnh miền Đông như Bình Dương, Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên, Bắc Trung Bộ nổi cộm tình trạng nông dân đốn hạ vườn cao su, kể cả những cây đang cho mủ vì thua lỗ vì không còn khả năng cầm cự.

Trao đổi với VnExpress sáng 3/12, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Bình Định cho biết, bên cạnh xuất khẩu sang Nhật Bản, tỉnh đang mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cá ngừ tươi sống tại các cửa hàng Nhật tại Việt Nam và xuất khẩu sang Nga, châu Âu.

Hai tháng qua, giá tôm sú và tôm thẻ chân trắng biến động mạnh và theo hướng trái chiều với mức chênh lệch 30.000-80.000 đồng/kg. Sự tăng giảm với biên độ dao động quá lớn khiến người nuôi tôm lâm vào cảnh “kẻ khóc, người cười”.

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay khi nước ta đang hội nhập với kinh tế thế giới, là chìa khóa giúp Việt Nam đi tắt, đón đầu và thực hiện thành công mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh