Ổi Lai Lê Đài Loan Trái Vụ Trên Đất Thanh Hải

Với ưu điểm nổi bật là ra được quả vào thời điểm trái vụ, năng suất cao, ổi lai lê Đài Loan trái vụ được trồng tại xã Thanh Hải, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đang khẳng định là giống cây ăn quả mới, cho hiệu quả kinh tế cao và có khả năng phát triển tốt tại địa phương.
Sau khi được Trạm Khuyến nông Lục Ngạn tạo điều kiện cho đi thăm quan học tập kinh nghiệm trồng giống ổi lai lê Đài Loan trái vụ tại huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, đầu tháng 5 năm 2012, gia đình chị Nguyễn Thị Chung ở thôn Thanh Bình, xã Thanh Hải đã triển khai trồng 5 sào giống cây ăn quả mới này tại vườn nhà. Do được hướng dẫn chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên chỉ sau hơn một năm trồng, vườn ổi lai lê Đài Loan trái vụ nhà chị đã phát triển tốt và cho thu hoạch được 6 lứa quả, mỗi lứa từ 5 – 7 tạ quả. Trao đổi với chúng tôi, chị Chung phấn khởi cho biết: Giống ổi lai lê Đài Loan này ra quả quanh năm và rất sai, chất lượng quả to đẹp, ăn thơm ngon nên tiêu thụ thuận lợi. Đặc biệt vào vụ đông, ổi ra quả trái vụ với năng suất cao, khi ấy giá bán ổi tăng gấp đôi so với hiện nay.
Gần đó, gia đình ông Nguyễn Đức Tiến cũng được Trạm khuyến nông huyện hỗ trợ kinh phí trồng hơn 1 sào ổi lai lê Đài Loan trái vụ. Do được chăm sóc tốt nên suốt từ đầu năm 2013 đến nay, cứ trung bình mỗi tháng là nhà ông Tiến lại thu hoạch được 1 lứa quả, với cả tạ quả/lứa.
Được biết, bằng nguồn kinh phí chi cho sự nghiệp khuyến nông, đầu năm 2012, Trạm Khuyến nông Lục Ngạn trích ngân sách hơn 10 triệu đồng thực hiện mô hình trình diễn giống ổi lai lê Đài Loan trái vụ tại xã Thanh Hải. Mô hình được thực hiện trên diện tích hơn 1,5 mẫu tại các thôn Thanh Bình và Trại Giữa. Tham gia mô hình, các hộ dân được hỗ trợ 80% giá giống, một phần phân bón và được chuyển giao khoa học kỹ thuật. Đến nay, toàn bộ diện tích ổi trong mô hình đều đã được thu hoạch quả với năng suất, chất lượng cao.
Anh Nguyễn Đức Lợi, cán bộ khuyến nông xã Thanh Hải cho biết thêm: Qua khảo sát thực tế mô hình cho thấy, giống ổi lai lê Đài Loan trái vụ rất phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng ở địa phương. Đây là giống cây ăn quả dễ trồng, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, cho năng suất cao, quả to ăn thơm ngon, được thị trường ưa chuộng. Đặc biệt, với khả năng ra quả trái vụ, thì ổi lai lê Đài Loan trái vụ sẽ hứa hẹn cho giá trị kinh tế cao tại địa phương.
Như vậy, với việc Phòng Nông nghiệp & PTNT và Trạm Khuyến nông Lục Ngạn đã khảo nghiệm thành công hai giống cây ăn quả mới tại địa phương là thanh long ruột đỏ và ổi lai lê Đài Loan trái vụ. Từ nay, cơ cấu giống cây ăn quả trên địa bàn huyện sẽ phong phú hơn. Qua đó, cũng tạo điều kiện cho người dân địa phương lựa chọn mô hình chuyển dịch cơ cấu kinh tế cây trồng hợp lý, góp phần làm phong phú thêm sản phẩm nông nghiệp hàng hóa của Lục Ngạn, đồng thời nâng cao thu nhập cho kinh tế hộ gia đình.
Có thể bạn quan tâm

Tận dụng cánh đồng trong bờ bao, người dân ở xã Khánh Hòa (Châu Phú), xã Hòa Lạc (Phú Tân - An Giang) đào vuông nuôi cá lóc bố mẹ. Sau thời gian chăm sóc khoảng 4 tháng, cá bố mẹ sinh sản.

Xã Mường Đun, huyện Tủa Chùa có 130ha ruộng, trong đó 97ha cấy được 2 vụ lúa/năm. Những năm gần đây, nhờ được đầu tư xây dựng hệ thống công trình thủy lợi, nông dân được tập huấn kỹ thuật canh tác nên các loại cây trồng chủ lực, giống lúa năng suất cao, chất lượng tốt được đưa vào sản xuất đại trà. Nhờ đó, năng suất và sản lượng lúa của xã tăng 1,5 lần so với 10 năm trước đây, bình quân vụ chiêm đạt 56 tạ/ha, vụ mùa 47 tạ/ha.

Sau những khó khăn từ năm 2010, với tinh thần vượt lên khó khăn, được sự quan tâm, chỉ đạo của tỉnh và Tập đoàn Công nghiệp cao su (CNCS) Việt Nam, thời gian qua, Công ty Cổ phần cao su (CPCS) Hà Giang đã thực hiện tốt nhiệm vụ nghiên cứu và đưa vào trồng thử nghiệm giống cao su có thể thích nghi với thời tiết tỉnh nhà. Hơn 1 năm triển khai trồng thử nghiệm giống cao su chịu lạnh và từ thực tế những cây đã trồng cách đây gần 5 năm, đã và đang củng cố niềm tin cho tương lai phát triển cây cao su.

Kinh tế trang trại, hợp tác xã là điều kiện không thể thiếu trong việc thúc đẩy xây dựng nông thôn mới hiện nay. Ở huyện Hàm Yên, thời gian gần đây, cùng với việc hình thành các vùng chuyên canh tập trung, sự ra đời của các trang trại và hợp tác xã (HTX) đã tạo một cú huých đáng kể trong thúc đẩy kinh tế - xã hội khu vực nông thôn..

Từ nguồn vốn Dự án Hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn 2011 - 2015 của Bộ KH&CN, Trại Giống Nông nghiệp huyện Điện Biên triển khai mô hình sản xuất nấm cao cấp trên diện tích 2.000 m². Sau hơn 1 năm triển khai, thực hiện và chuyển giao công nghệ mô hình nấm cao cấp cho thấy: Khả năng sinh trưởng và phát triển của nấm tương đối phù hợp với điều kiện khí hậu Điện Biên, mang lại giá trị kinh tế cao.