Ốc Bươu Hại Lúa

Hồi giữa tháng 5 dương lịch, vợ chồng anh Tám Quế Phú ở huyện Quế Sơn đồng loạt gieo sạ 4 sào lúa bằng loại giống dài ngày Nhị ưu 838. Giai đoạn đầu thấy cây mạ lên xanh mướt, họ khấp khởi mừng. Thế nhưng 10 ngày trở lại đây ốc bươu vàng xuất hiện mỗi lúc một nhiều khiến anh phập phồng lo vụ mùa thất bát.
Chỉ tay về phía những ruộng lúa non trơ trụi, giọng anh Tám buồn rười rượi: “Khổ thiệt, thời điểm này cây lúa đang trong kỳ đẻ nhánh rộ vậy mà ốc bươu vàng cứ cắn phá. Hơn 1 tuần nay, ngày nào tui và vợ con cũng kéo nhau ra đồng bắt ốc nhưng không xuể, bởi diệt lứa này thì nó lại nở ra lứa khác. Nếu tình trạng ni tiếp tục kéo dài thì năng suất lúa giảm mạnh là điều khó tránh khỏi”.
Mấy ngày gần đây, lội khắp các cánh đồng ở vùng đông Quế Sơn đâu Tư tôi cũng thấy nông dân rầu lòng bên những ruộng lúa. Ông Nguyễn Văn Chín – Trưởng phòng NN&PTNT huyện này cho biết, không chỉ vùng quê của anh Tám Quế Phú, hiện nay trên địa bàn xã Quế Xuân 1, Hương An, Quế Xuân 2 cũng đã có ít nhất 1 nghìn sào lúa non bị ốc bươu vàng tấn công.
Ông Chín lo lắng: “Những ngày qua, tại các địa phương ấy, lượng ốc trên đồng ruộng liên tục tăng lên. Nếu thời gian tới ngành liên quan và chính quyền cấp cơ sở không tập trung vận động nông dân tích cực ra quân tiêu diệt ốc bươu vàng thì chắc chắn mức độ thiệt hại sẽ không dừng lại”.
Hôm qua, ra Duy Xuyên có việc Tư tôi lại thấy cô Sáu Duy Châu đang lom khom bắt ốc bươu vàng trên ruộng. Trời nắng hầm hập, nhìn những đám lúa xơ xác của mình, cô Sáu lắc đầu: “Hè thu ni tui làm cả thảy 3 sào lúa. Gieo hạt giống xuống đất, tui hy vọng sẽ có một mùa bội thu.
Nào ngờ mấy ngày nay ốc bươu vàng xuất hiện nhiều vô kể, chúng cắn trụi lá và thân lúa non khiến vợ chồng tui như ngồi trên đống lửa. Dịch bệnh liên miên, chuồng trại bỏ trống, nếu vụ ni năng suất lúa tụt giảm mạnh thì khó khăn sẽ chồng chất”.
Không chỉ cô Sáu Duy Châu, hàng trăm hộ dân khác ở huyện Duy Xuyên cũng đang khó khăn vì ốc bươu vàng. Theo ngành nông nghiệp địa phương, trong vòng nửa tháng trở lại đây toàn huyện đã có không dưới 400 sào lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh rộ bị loài sinh vật này gây hại, tập trung nhiều nhất tại các xã thuộc vùng tây.
Anh Ba Trồng Trọt cho biết: “Ngoài 2 huyện chú Tư vừa kể thì hiện nay tại nhiều nơi khác trên địa bàn tỉnh nhà nông cũng đang đứng ngồi không yên vì ốc bươu vàng. Loại ốc này rất tạp ăn lúa non, có khả năng sinh sản cực nhanh, hoạt động mạnh nhất vào thời điểm sáng sớm và chiều tối.
Để tiêu diệt ốc bươu vàng hiệu quả, nông dân nên cắm cọc quanh bờ, rải rác khắp ruộng, đầu nguồn nước, dọc theo các rãnh. Khi ốc bò lên những chiếc cọc ấy đẻ trứng, bà con sẽ dễ dàng bắt và tiêu hủy. Việc làm này phải thực hiện thường xuyên, liên tục từ đầu đến cuối vụ. Ngoài ra, lúc đưa nước từ kênh vào ruộng cần phải dùng phên hoặc lưới chắn 3 lớp ngăn chặn ốc xâm nhập”.
Có thể bạn quan tâm

Mùa thu hoạch cà phê 2014-2015 đã vào vụ hơn một tháng nay. Hàng ngàn lao động từ các tỉnh đồng bằng được những chủ vườn cà phê đưa lên hái cà phê cho mình và những vườn lân cận… Điều đáng mừng là hầu hết đều có thu nhập ổn định, giúp người trồng cà phê yên tâm trong vụ thu hoạch này.

Huyện Điện Biên (Điện Biên) có tổng 1.195ha mặt nước nuôi thủy sản, trong đó có nhiều hồ lớn như: Pá Khoang (Mường Phăng); Hồng Khếnh (Thanh Hưng); Hồng Sạt (Sam Mứn); Pe Luông (Thanh Luông)... Những năm gần đây, huyện đã chỉ đạo các xã, HTX trên địa bàn phát triển thủy sản theo hướng hàng hóa, tăng giá trị kinh tế.

Hậu Giang có nhiều nông sản có thế mạnh cạnh tranh, tuy nhiên, hiện nay kỹ thuật sản xuất của người dân còn yếu. Từ đó, việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học tiên tiến chưa nhiều, đúng quy trình nên sản phẩm làm ra chưa đồng đều về chất lượng, năng suất chưa cao. Việc giúp nông dân tiếp cận với khoa học kỹ thuật tiên tiến là một vấn đề cần thiết.

Cơ sở để VASEP đưa ra dự báo trên là căn cứ vào tình hình xuất khẩu thủy sản 5 tháng đầu năm nay đã đạt 2,86 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó, giá trị xuất khẩu mặt hàng tôm tăng ở tất cả các thị trường, còn xuất khẩu cá tra, bạch tuộc đã có dấu hiệu phục hồi.

Từ 8 con hươu vào năm 2004, đến nay, anh Trần Văn Phước ở Thị trấn Tân Phú - Đồng Phú - tỉnh Bình Phước đã gây dựng được đàn hươu, nai hơn 70 con. Đây là nông hộ nuôi hươu, nai lớn nhất tỉnh, thu hút sự quan tâm của nhiều bà con trong vùng đến tham quan và học tập.