Ồ Ạt Trồng, Thanh Long Rớt Giá Thảm

Giá bán thanh long ruột đỏ tại Đồng Nai hiện chỉ còn 8-10 ngàn đồng/kg, còn thanh long ruột trắng được đổ đống bên đường bán với giá 3.000 đồng/kg.
Điều không thể ngờ khi chỉ mới đầu năm loại trái cây được xem là đặc sản này có giá 30-35 ngàn đồng/kg và đỉnh điểm lên đến 60-70 ngàn đồng/kg.
Sau nhiều vụ trúng giá đậm với cây thanh long, từ 2ha ban đầu ông Hoàng Văn Thanh ở xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai mua thêm đất trồng, nâng diện tích lên 5ha.
Tuy nhiên, với giá bán hiện nay, thu vào không đủ chi phí đầu tư, ông Thanh không khỏi lo lắng với hàng tỷ đồng đã bỏ ra cho cây thanh long. Ông Trần Đình Lai, Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa (huyện Xuân Lộc) cho biết một hécta thanh long nông dân đầu tư khoảng 200 triệu đồng.
Mấy năm qua thanh long bán được giá, nên nông dân phát triển mạnh loại cây trồng này. Nhưng với giá bán như hiện nay khoảng 5.000 đồng/kg thì nông dân chắc chắn lỗ.
Tại Đồng Nai, các huyện như Xuân Lộc, Thống Nhất, Trảng Bom đang phát triển ồ ạt cây thanh long ruột đỏ, có huyện còn chủ động đưa loại cây này thành cây trồng chiến lược trong mấy năm tới với tổng diện tích trên cả ngàn hécta.
Nghị quyết HĐND huyện Xuân Lộc nói năm 2013 toàn huyện trồng hơn 200ha thanh long, nhưng đến năm 2015 huyện này sẽ có 1.500ha. Tuy nhiên, công nghệ chế biến, đầu ra cho sản phẩm thì hoàn toàn không có. Một lãnh đạo UBND xã cho biết nghị quyết được xây dựng khi giá thanh long đang ở mức cao ngất, người trồng thu lợi nhuận đến khoảng 600 triệu đồng/hécta.
Vì sao rớt giá?
Sức hút của thanh long khiến hàng trăm hécta điều, xoài ở các huyện Xuân Lộc, Trảng Bom nhanh chóng bị nông dân chặt bỏ thay bằng cây thanh long. Ông Nguyễn Thắng, ở xã Hưng Thịnh (huyện Thống Nhất) mới thay thế 2ha điều già bằng vườn thanh long dự kiến sẽ cho thu hoạch trong năm tới, nói: “Thấy được giá thì nông dân chạy theo thôi, ai cũng biết đầu ra nông sản hiện nay phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc”.
Ông Nguyễn Hữu Tiến, một doanh nghiệp ở tỉnh Bình Thuận chuyên đưa thanh long qua thị trường Trung Quốc cho biết giá thanh long đạt chuẩn để xuất khẩu hiện nay đang được mua vào với giá 15 – 16 ngàn đồng/kg.
Tuy nhiên trái thanh long đạt chuẩn phải hội đủ nhiều yếu tố, không phải nhà vườn nào cũng đạt. Ông Tiến cho rằng thanh long rớt giá như hiện nay là do đang đụng mùa trái cây ở miền Bắc nên số lượng xuất qua Trung Quốc giảm sút và giá bán cũng phải hạ.
Theo một số doanh nghiệp, ngoài yếu tố đụng mùa trái cây, thanh long phụ thuộc nhiều vào xuất tiểu ngạch qua Trung Quốc, tỷ lệ rủi ro rất cao. Các doanh nghiệp cũng cho rằng do cước vận tải tăng cao nên buộc lòng phải hạ giá mua sản phẩm.
Bà Lê Thị Hiệp, trưởng phòng nông nghiệp - phát triển nông thôn Xuân Lộc nhận xét về hướng đi của cây thanh long: Cây cho hiệu quả kinh tế cao nên khuyến khích người dân trồng, đặc biệt là với những vùng đất mà cây trồng khác không hiệu quả. Còn vấn đề thị trường phụ thuộc vào nhiều yếu tố và sức tiêu thụ những năm tới có thay đổi hay không thì không dám chắc.
Có thể bạn quan tâm

Ngày 14-5, PGS.TS Dương Nhựt Long - trưởng bộ môn kỹ thuật nuôi thủy sản nước ngọt (Đại học Cần Thơ) - cho biết vừa thu hoạch hai ao tôm càng xanh vốn là ao nuôi cá tra trước đây tại An Giang với kết quả “một lời một”.

Ở Lâm Đồng, “Gạo Cát Tiên” là sản phẩm lúa gạo duy nhất được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu độc quyền. Đó là loại gạo được sản xuất từ giống lúa OM 4900.

Ông Trịnh Cảnh ở thôn Đại Phú, xã Hòa Quang Nam (Phú Hòa, Phú Yên) là một trong những người đi đầu trong việc chuyển đổi từ nuôi heo và bò sang nuôi nai, nhờ vậy mà kinh tế gia đình ông ngày càng khá hơn.

Sau 2 tháng xuống giống nuôi trồng thủy sản (NTTS) nước lợ vụ xuân hè năm 2012, hầu hết tôm cá nuôi tại ao, đầm của Thái Thụy (Thái Bình) đều sinh trưởng và phát triển tốt. Sau những vụ “độc canh” con tôm sú gặp rủi ro, “thất bát” vì dịch bệnh, năm nay nông dân bước đầu chuyển hướng đầu tư, đa dạng hoá đối tượng nuôi thả, chú trọng khâu cải tạo ao đầm, kỹ thuật chăm sóc… quyết tâm giành vụ NTTS thắng lợi cả về sản lượng và giá trị thu nhập.

Sau hành, tỏi, đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) còn nổi tiếng với dưa hấu. Dưa hấu trồng ở đảo này có vị thơm ngon đặc biệt nên được thị trường ưa chuộng, giúp hàng trăm nông dân Lý Sơn có thêm nguồn thu nhập.