Ồ Ạt Trồng, Thanh Long Rớt Giá Thảm

Giá bán thanh long ruột đỏ tại Đồng Nai hiện chỉ còn 8-10 ngàn đồng/kg, còn thanh long ruột trắng được đổ đống bên đường bán với giá 3.000 đồng/kg.
Điều không thể ngờ khi chỉ mới đầu năm loại trái cây được xem là đặc sản này có giá 30-35 ngàn đồng/kg và đỉnh điểm lên đến 60-70 ngàn đồng/kg.
Sau nhiều vụ trúng giá đậm với cây thanh long, từ 2ha ban đầu ông Hoàng Văn Thanh ở xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai mua thêm đất trồng, nâng diện tích lên 5ha.
Tuy nhiên, với giá bán hiện nay, thu vào không đủ chi phí đầu tư, ông Thanh không khỏi lo lắng với hàng tỷ đồng đã bỏ ra cho cây thanh long. Ông Trần Đình Lai, Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa (huyện Xuân Lộc) cho biết một hécta thanh long nông dân đầu tư khoảng 200 triệu đồng.
Mấy năm qua thanh long bán được giá, nên nông dân phát triển mạnh loại cây trồng này. Nhưng với giá bán như hiện nay khoảng 5.000 đồng/kg thì nông dân chắc chắn lỗ.
Tại Đồng Nai, các huyện như Xuân Lộc, Thống Nhất, Trảng Bom đang phát triển ồ ạt cây thanh long ruột đỏ, có huyện còn chủ động đưa loại cây này thành cây trồng chiến lược trong mấy năm tới với tổng diện tích trên cả ngàn hécta.
Nghị quyết HĐND huyện Xuân Lộc nói năm 2013 toàn huyện trồng hơn 200ha thanh long, nhưng đến năm 2015 huyện này sẽ có 1.500ha. Tuy nhiên, công nghệ chế biến, đầu ra cho sản phẩm thì hoàn toàn không có. Một lãnh đạo UBND xã cho biết nghị quyết được xây dựng khi giá thanh long đang ở mức cao ngất, người trồng thu lợi nhuận đến khoảng 600 triệu đồng/hécta.
Vì sao rớt giá?
Sức hút của thanh long khiến hàng trăm hécta điều, xoài ở các huyện Xuân Lộc, Trảng Bom nhanh chóng bị nông dân chặt bỏ thay bằng cây thanh long. Ông Nguyễn Thắng, ở xã Hưng Thịnh (huyện Thống Nhất) mới thay thế 2ha điều già bằng vườn thanh long dự kiến sẽ cho thu hoạch trong năm tới, nói: “Thấy được giá thì nông dân chạy theo thôi, ai cũng biết đầu ra nông sản hiện nay phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc”.
Ông Nguyễn Hữu Tiến, một doanh nghiệp ở tỉnh Bình Thuận chuyên đưa thanh long qua thị trường Trung Quốc cho biết giá thanh long đạt chuẩn để xuất khẩu hiện nay đang được mua vào với giá 15 – 16 ngàn đồng/kg.
Tuy nhiên trái thanh long đạt chuẩn phải hội đủ nhiều yếu tố, không phải nhà vườn nào cũng đạt. Ông Tiến cho rằng thanh long rớt giá như hiện nay là do đang đụng mùa trái cây ở miền Bắc nên số lượng xuất qua Trung Quốc giảm sút và giá bán cũng phải hạ.
Theo một số doanh nghiệp, ngoài yếu tố đụng mùa trái cây, thanh long phụ thuộc nhiều vào xuất tiểu ngạch qua Trung Quốc, tỷ lệ rủi ro rất cao. Các doanh nghiệp cũng cho rằng do cước vận tải tăng cao nên buộc lòng phải hạ giá mua sản phẩm.
Bà Lê Thị Hiệp, trưởng phòng nông nghiệp - phát triển nông thôn Xuân Lộc nhận xét về hướng đi của cây thanh long: Cây cho hiệu quả kinh tế cao nên khuyến khích người dân trồng, đặc biệt là với những vùng đất mà cây trồng khác không hiệu quả. Còn vấn đề thị trường phụ thuộc vào nhiều yếu tố và sức tiêu thụ những năm tới có thay đổi hay không thì không dám chắc.
Có thể bạn quan tâm

Để chuẩn bị xuống giống vụ đông xuân, nông dân sử dụng nhiều loại thuốc BVTV để diệt ốc, diệt cỏ… sau đó xả thẳng xuống sông. Lượng nước nhiễm độc cùng các mầm bệnh khiến cá nuôi tại các làng bè trong tỉnh chết hàng loạt.

Theo báo cáo của các địa phương, từ đầu năm 2014 đến nay, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại là 49.794 ha, hơn 2.000 lồng có tôm hùm bị bệnh và hơn 9.000 ha bị thiệt hại do môi trường ô nhiễm. Một số dịch bệnh quan trọng trên tôm (bệnh đốm trắng), trên cá tra (bệnh gan thận mủ, xuất huyết), trên tôm hùm (bệnh sữa) và thiệt hại do ô nhiễm môi trường liên tục có chiều hướng gia tăng; gây tổn thất hàng nghìn tỷ đồng của người nuôi trồng thủy sản, ngân sách nhà nước và ảnh hưởng nghiêm trọng đến xuất khẩu thủy sản của nước ta.

Là huyện có chiều dài bờ biển trên 15km, Kim Sơn có nhiều lợi thế trong phát triển kinh tế, nhất là nghề nuôi trồng thủy sản. Nhờ phát triển nghề nuôi thủy sản mà đời sống của người dân nơi đây đã được cải thiện đáng kể, bộ mặt nông thôn mới ngày càng hiện ra rõ nét. Đặc biệt, những năm gần đây Kim Đông đã bứt phá vươn lên mạnh mẽ để trở thành một trong 2 xã của huyện về đích nông thôn mới vào cuối năm 2014.

Màn đêm còn tối mịt. Vậy mà, những cái “chợ ma” vẫn hoạt động nhộn nhịp. Tiếng máy nổ xình xịch, tiếng kỳ kèo trả giá giữa những bạn hàng xa và “ngư phủ” trong đêm trở nên ấm áp. Tám Tăng (62 tuổi) lái chiếc ghe đục chạy từ hướng Tri Tôn qua Vĩnh Hanh (Châu Thành, An Giang) nhá chiếc đèn pha lia lịa về cái “chợ ma” để báo hiệu ghe cá sắp cặp bến.

Cụ thể, trên diện tích khoảng 56,86ha, Hanoimilk tiến hành trồng cỏ và thức ăn thô xanh, sử dụng những giống mới chất lượng, năng suất cao, áp dụng công nghệ tiên tiến để sản xuất ra khoảng 10.000 tấn cỏ và thức ăn thô xanh/năm, phục vụ cho việc chăn nuôi giai đoạn đầu khoảng 250 con bò sữa và mở rộng lên thành 2.000 con bò sữa trong giai đoạn tiếp theo. Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 110,973 tỷ đồng. Thời gian thực hiện từ quý IV/2014 - quý II/2016.