Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Ồ ạt nuôi cá sấu ở Đồng Nai

Ồ ạt nuôi cá sấu ở Đồng Nai
Ngày đăng: 29/05/2015

Dưới cái nắng cháy da của mùa khô ở vùng Đông Nam Bộ, chúng tôi đến huyện Định Quán, nơi được xem là “thủ phủ” nuôi cá sấu của Đồng Nai. Tổng diện tích chuồng, trại của các hộ nuôi cá sấu tại đây lên tới hơn 32 nghìn ha, tập trung nhiều ở khu vực ven sông, hồ thuộc các xã Phú Ngọc, La Ngà, gần hồ Trị An.

Thấy chúng tôi, bà Lưu Thị Hương, vui vẻ mời chào: “Tôi đang nuôi gần ba nghìn con cá sấu, nhờ nuôi bằng hình thức gối đầu nên tháng nào tôi cũng có cá sấu bán. Hàng này đang “chạy” lắm chú ơi, chú lấy số lượng bao nhiêu?”

Nuôi cá sấu đang là nghề mang lại lợi nhuận cao, trở thành phong trào thu hút nông dân tại huyện Định Quán trong hai năm trở lại đây. Chủ trang trại này không ngần ngại bỏ ra mỗi năm gần hai tỷ đồng để đầu tư mua con giống, thức ăn.

Ông Huỳnh Văn Tư, một chủ trại tại huyện Định Quán chia sẻ: “Đất này xưa kia có truyền thống nuôi cá nước ngọt, nhưng gần đây, các loại cá rớt giá thê thảm, bấp bênh quá nên để tránh thua lỗ, mọi người đều đổ xô đi nuôi cá sấu, vì nuôi loại cá này có giá cao và chưa bao giờ thấy thua lỗ”.

Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm huyện, toàn địa phương có hơn 200 trại cá sấu, với số lượng gần 100 nghìn con, chiếm gần 90% tổng đàn cá sấu được nuôi trên toàn tỉnh. Những người nuôi cá sấu ở đây cho biết: “Toàn bộ khâu mua bán, giá cả đều được thông qua các “đầu nậu” quyết định, còn công ty nào mua, đưa đi đâu thì chẳng ai biết được”.

Biết là vậy, nhưng do lợi nhuận từ việc nuôi cá sấu hiện nay khá lớn, một con từ lúc nuôi đến khi xuất bán có thể lãi hơn một triệu đồng, nên hầu hết nông dân đều bất chấp rủi ro để nuôi ồ ạt.

Ông Đào Quang Trung, một trong những chủ trại cá sấu lớn của huyện Định Quán xua tay khi chúng tôi bày tỏ lo ngại về tính ổn định của đầu ra trong tương lai: “Mấy chú lo xa quá, giờ giá cá sấu đang cao, nhà nào cũng lời, dại gì mà không đầu tư mở rộng mà nuôi. Chú thấy đấy, mấy năm nay cá còn không có mà bán, lo gì chuyện tắc đầu ra. Bây giờ lo chuyện bây giờ, sau này thế nào thì đến lúc đó mới hay, mà chắc chắn sẽ không có chuyện thương lái không mua đâu”.

Nói là vậy, nhưng một con cá sấu con (hiện nay được bán với giá gần 600 nghìn đồng - PV) phải nuôi hai năm, tới khi đạt trọng lượng khoảng 15 - 20 kg mới có thể xuất bán. Thời gian nuôi kéo dài, chi phí thức ăn cũng khá lớn, nên chỉ cần giá cả biến động theo hướng “cung” vượt “cầu”, chủ trại có nguy cơ thua lỗ nặng.

Dù giá cá sấu thời gian qua tăng liên tục, hiện đã lên đến 200 nghìn đồng/kg, cao hơn 60 nghìn đồng so với cùng thời điểm năm trước, nhưng ngành chức năng vẫn khuyến cáo người dân không nên đầu tư, mở rộng mô hình này.

Ông Nguyễn Văn Chiểu, hạt phó hạt kiểm lâm huyện Định Quán cho hay: “Trước tình trạng đổ xô đi nuôi cá sấu vì thấy lợi nhuận hiện nay quá cao, chúng tôi đã khuyến cáo bà con hết sức cẩn thận. Bởi, với tình trạng số hộ dân nuôi ngày một nhiều, số lượng cá sấu không ngừng tăng lên, khả năng “cung” vượt “cầu” rất dễ xảy ra. Hơn nữa, hiện tại vẫn chưa có công ty nào đứng ra, mà chỉ toàn “đầu nậu” thu mua, khiến đầu ra không bảo đảm”.

Không chỉ vậy, việc nuôi cá sấu khá tự phát tại đây còn đặt ra một mối lo khác. Cá sấu Xiêm là loài động vật hung dữ, nên hậu quả sẽ rất khó lường nếu để “sổng”. Huyện Định Quán nằm sát ven sông La Ngà và hồ Trị An, nhưng không phải trại nào cũng được xây kiên cố. Nỗi lo này càng lớn hơn khi hiện nay, mùa mưa lũ đã chuẩn bị bắt đầu. Thực tế, thời gian gần đây, đã xảy ra hai vụ cá sấu sổng chuồng gần hồ Trị An, gây bất an cho người dân địa phương.

Dẫn chúng tôi đi kiểm tra các trại cá sấu, ông Chiểu cho biết thêm: “Hiện nay, chúng tôi đang tăng cường kiểm tra, yêu cầu các hộ nuôi cá sấu đăng ký nuôi đúng quy định. Hơn nữa, để tránh những sự việc đáng tiếc, chúng tôi cũng yêu cầu các chủ trại viết cam kết xây dựng chuồng trại kiên cố, tránh xa những khu vực có nguy cơ sạt lở hoặc gần sông, hồ”.


Có thể bạn quan tâm

Cung Ứng Điện Cho Sản Xuất Thanh Long Tiếp Tục Đầu Tư Nhiều Công Trình Phục Vụ Vùng Chuyên Canh Cung Ứng Điện Cho Sản Xuất Thanh Long Tiếp Tục Đầu Tư Nhiều Công Trình Phục Vụ Vùng Chuyên Canh

“Vương quốc” thanh long của Việt Nam ngày càng mở rộng quy mô diện tích cũng đồng thời đòi hỏi nguồn điện cung ứng tăng cao. Vì vậy để phát huy hiệu quả cho cây trồng lợi thế này, ngành điện sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư nhiều công trình điện trong năm nay.

11/03/2014
Tập Trung Chăm Sóc Cho Lúa Mới Gieo Cấy Tập Trung Chăm Sóc Cho Lúa Mới Gieo Cấy

Trong đó, với các tỉnh đồng bằng sông Hồng và trung du miền núi phía Bắc, tranh thủ thời tiết ấm dần, khẩn trương kết thúc gieo cấy và tiến hành tỉa giặm các ruộng bị thiệt hại. Khi lúa ra rễ trắng và lá mới cần bón thúc ngay lượng phân bón theo quy trình hướng dẫn. Thời gian tập trung chăm sóc, bón thúc cho lúa xong trong tháng 3.

11/03/2014
Lễ Hội Ngày Mùa Trên Cánh Đồng Mẫu Lớn Lễ Hội Ngày Mùa Trên Cánh Đồng Mẫu Lớn

Lần đầu tiên Sở NNPTNT tỉnh Hậu Giang phối hợp với UBND huyện Vị Thủy tổ chức “Lễ hội ngày mùa” trên cánh đồng mẫu lớn (CĐML), nhằm khuyến khích và tôn vinh nghề trồng lúa, đồng thời tạo sân chơi để bà con giao lưu, học hỏi.

11/03/2014
Biến Ruộng Xấu Thành Nơi Trồng Súng Biến Ruộng Xấu Thành Nơi Trồng Súng

Sở hữu 2,7ha đất, nhưng diện tích ấy của gia đình anh Nguyễn Minh Toàn (sinh năm 1976) ngụ ở tổ 2, ấp 7, xã Tam Hiệp, huyện Châu Thành, Tiền Giang lại là đất trũng, nhiễm phèn.

11/03/2014
Khi Cả Nhà Máy Lẫn Người Trồng Mía Kêu Thua Lỗ! Khi Cả Nhà Máy Lẫn Người Trồng Mía Kêu Thua Lỗ!

Hiện tại cả nước đang tồn đọng 520.000 tấn đường lưu kho. Trong khi đó bình quân mỗi ngày có hàng trăm tấn đường giá rẻ từ Thái Lan nhập lậu.

11/03/2014