Nuôi Trùn Quế, Hướng Phát Triển Kinh Tế Hộ Nông Thôn

Nhằm giúp nông dân đa dạng hóa các loại vật nuôi, phát triển kinh tế gia đình, tháng 9 -2011, thông qua nguồn vốn của Sở Khoa học và Công nghệ, Trạm Khuyến nông – Khuyến ngư, Phòng Kinh tế - Hạ tầng và Hội Nông dân huyện Ninh Phước đã phối hợp triển khai Dự án “Nuôi trùn quế theo hướng quy mô hộ tại xã Phước Vinh”.
Qua 1 năm triển khai cho thấy, ngoài việc giúp người dân nâng cao nhận thức về áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất và chăn nuôi, dự án còn góp phần giúp người dân biết cách chăn nuôi theo hướng “sạch - an toàn - bền vững - bảo vệ môi trường”, để cùng địa phương thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới hiệu quả.
Kỹ sư Nguyễn Hữu Diện, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông- Khuyến ngư huyện Ninh Phước, kiêm Chủ nhiệm dự án cho biết: Dự án đã chọn 4 hộ là: Mang Ngọc ở thôn Liên Sơn 2; Nguyễn Văn Thương, thôn Liên Sơn 1; Hồ Trung Sơn, thôn Bảo Vinh và Trương Chúng, thôn Phước An 2 để triển khai mô hình.
Ngoài việc hỗ trợ xây dựng chuồng nuôi với diện tích 50 m2/hộ, dự án còn cung cấp giống trùn “sinh khối”, cử cán bộ kỹ thuật trực tiếp xuống tận nơi hướng dẫn kỹ thuật nuôi: Trước khi thả trùn giống “sinh khối” khoảng 2-3 ngày cần trải đều một lớp phân bò tươi dày khoảng 8 – 10 cm vào trong bể nuôi. Mật độ, lượng giống “sinh khối” khi thả nuôi chỉ được dao động từ 15 – 40 kg/m2.
Trong quá trình thả và ngay sau khi thả xong, nếu phát hiện trùn bị chết, hoặc quá yếu, màu sắc nhợt nhạt thì phải nhặt bỏ, sau đó dùng tấm phủ đậy lên trên bề mặt bể nuôi và tưới nước đều lên toàn bộ bề mặt tạo môi trường nuôi có độ ẩm thích hợp khoảng 70 – 75%... Nhờ đó, bà con đã tiếp cận được cách nuôi rất nhanh.
Trong số 4 hộ được chọn để triển khai mô hình, hiện chuồng nuôi của gia đình anh Hồ Trung Sơn, ở thôn Bảo Vinh được đánh giá là đạt hiệu quả cao nhất và đến nay đã cho khai thác được gần 3 tháng. Tại thời điểm tháng 10, khi chúng tôi đến thăm mô hình, gia đình anh Sơn đã thu hoạch được 5 đợt với sản lượng 40 kg trùn thịt và 2,5 tấn phân trùn tươi.
Sau khi trừ chi phí sản xuất, anh thu lãi được gần 10 triệu đồng. Trao đổi với chúng tôi, anh Sơn cho biết: Kỹ thuật chăm sóc trùn quế không khó nhưng quan trọng là mình phải theo dõi sát sao để điều tiết độ ẩm, ánh sáng… phù hợp cho trùn phát triển tốt. Sau 6 tháng nuôi thì trùn trưởng thành và bắt đầu cho thu hoạch.
Thời gian thu hoạch của trùn đã trưởng thành rất nhanh, cứ hơn 1 tháng cho thu hoạch 1 lần theo hình thức cuốn chiếu từng ô, nên cũng thuận lợi cho việc xoay vòng vốn. Anh Sơn còn cho biết thêm, thức ăn của trùn quế cũng rất dễ kiếm, chủ yếu là phân bò tươi thu mua từ các chuồng trại chăn nuôi trong tỉnh. Ngoài ra, phân của trùn quế còn dùng để làm phân bón cho các loại cây cảnh, trồng rau... rất được thị trường ưa chuộng.
Điều đáng mừng cho các hộ nuôi trùn quế đó là hiện nay thị trường tiêu thụ các sản phẩm từ trùn quế như: thịt trùn, phân trùn, giống sinh khối rất “hút hàng”, vì thế các hộ nuôi trùn luôn có đầu ra ổn định. Riêng đối với các hộ nuôi thuộc dự án thì trùn quế sau khi thu hoạch sẽ được Công ty TNHH Phân bón Vi sinh trùn quế Vạn Long ký kết hợp đồng thu mua với giá 70.000 đồng/kg trùn thịt tươi và 1.500 đồng đối với phân trùn tươi.
Từ kết quả khả quan của mô hình, cộng với đặc tính dễ nuôi, công đầu tư chăm sóc ít, đặc biệt quá trình phát triển đàn nhanh, ít bệnh tật, nguồn thức ăn dồi dào, đầu ra sản phẩm thuận lợi như hiện nay, dự kiến thời gian tới dự án sẽ tiếp tục nhân rộng thêm khoảng 50 hộ dân địa phương, nhằm góp phần giải quyết công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người nông dân theo hướng ngày một đạt hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm

Vụ Mùa 2015, lần đầu tiên Trung tâm Trợ giúp nông dân Hà Nội (Hội Nông dân TP) thực hiện mô hình trên cây lúa giống phân bón NPK chứa silic và vi lượng dạng chelate (NPKSilic).

Theo lãnh đạo HTX hành tím Vĩnh Châu (Sóc Trăng), ở vụ hành sớm năm 2015 có 18 hộ trồng hành tím là thành viên của HTX tham gia mô hình trồng cà chua xen hành tím với tổng diện tích hơn 2,8 ha được Công ty TNHH MTV T16 Việt Nam ký hợp đồng bao tiêu.

Theo kế hoạch trong vụ mía 2015 - 2016 này, Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) sẽ chấm khoảng 350 rẫy mía của những hộ dân đăng ký trở thành thành viên Câu lạc bộ trồng mía đạt 200 tấn/ha (CLB 200) do Casuco sáng lập.

Những ngày này, người dân nhiều xã ở huyện miền núi Pác Nặm (Bắc Kạn) đang vào vụ thu hoạch gừng. Sau gần ba năm đưa vào trồng thử nghiệm và phát triển trên diện rộng, cây gừng đã từng bước khẳng định được giá trị kinh tế và mang lại cho người nông dân nguồn thu đáng kể.

Mặc dù điều kiện canh tác gặp nhiều khó khăn do hạn hán song lạc L14 qua phục tráng cho năng suất thực tế đạt 22,23 tạ/ha, tăng 4,5 tạ/ha so với giống lạc L14 sản xuất đại trà.