Nuôi trồng thủy sản tại các hồ, đập lợi ích kép

Thu hút người dân
Nhà ở cách hồ chứa nước Hóc Sầm chưa đầy 500m, nên ông Lê Xuân Muôn, thôn Phước Hòa, xã Đức Phú (Mộ Đức - Quảng Ngãi) đã mạnh dạn thuê lại diện tích mặt nước của hồ để nuôi cá trắm cỏ, cá mè… 13 năm gắn bó với hồ Hóc Sầm, năm nào ông Muôn cũng thu về hơn 10 tấn cá mà không phải tiêu tốn đồng nào để mua thức ăn. “Cái lợi của nuôi cá tại hồ chứa nước là ở chỗ đó. Diện tích mặt nước lớn, mình thì chỉ nuôi theo kiểu quảng canh nên cá sống khỏe, không cần lo chuyện thức ăn hay phải thay nước hằng ngày như nuôi ở các hồ nhỏ tại nhà”, ông Muôn chia sẻ.
Các hộ nuôi trồng chỉ khai thác cá to, chừa lại cá nhỏ nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại các hồ chứa nước. Trong ảnh: Thu hoạch cá tại hồ chứa nước Hóc Sầm, Đức Phú, Mộ Đức.
Mỗi năm, ông Muôn chỉ bỏ ra một lần vốn (khoảng 20 triệu đồng) để thả cá giống vào hồ chứa, rồi cứ thể thong thả thu hoạch quanh năm. Thả cá vào tháng 12, đến tầm tháng 4 - tháng 5 thì bắt đầu thu hoạch theo kiểu “đánh tỉa”- chỉ thu cá lớn, giữ lại cá nhỏ. Vì thế ngày nào ông Muôn cũng có “đồng ra đồng vào” để trang trải cuộc sống gia đình. Đến tháng 7, 8 - tháng thu hoạch “rộ” trước khi mùa mưa bão đến, có ngày, ông Muôn đánh lưới gần cả tấn cá để bán cho thương lái.
Còn tại xã Ba Liên (Ba Tơ), hồ Núi Ngang không chỉ cung cấp nước tưới cho ruộng đồng mà đây còn là “hũ gạo tiết kiệm” của các hộ gia đình người Hrê ở thôn Đá Chát, Hương Chiêng, Núi Ngang. Với thu nhập hằng ngày từ 50 - 100 nghìn đồng, những thành viên tham gia vào việc nuôi trồng và đánh bắt thủy sản tại hồ Núi Ngang không chỉ cải thiện được bữa ăn hằng ngày, mà còn có nguồn thu nhập bền vững. Hợp tác và đồng thuận trong nuôi trồng, khai thác, mô hình NTTS tự quản ở Ba Liên giúp việc NTTS tại hồ Núi Ngang ngày một phát triển và tăng nhanh số lượng hộ tham gia. Từ 20 hộ nuôi lúc đầu, đến nay đã có 38 hộ tham gia.
Hướng tới phát triển bền vững
Với tổng diện tích có khả năng phát triển NTTS nước ngọt lên đến 2.920 ha, đặc biệt là các hồ Thạch Nham, Nước Trong, Núi Ngang, Liệt Sơn, hồ Đá Bàn và Diên Trường đều có diện tích mặt nước lớn… Do đó, việc tận dụng hồ chứa nước để phát triển NTTS nước ngọt đang là “chiến lược” để phát triển NTTS nước ngọt của ngành nông nghiệp tỉnh nhà.
Tuy nhiên, hiện nay, việc NTTS tại các hồ chứa chủ yếu chỉ là nuôi theo hình thức quảng canh và thu hoạch theo hình thức “đánh tỉa, thả bù”. Thủy sản nước ngọt chủ yếu được nuôi với quy mô nhỏ lẻ, không tập trung, chủ yếu được nuôi ở các hộ gia đình để cải thiện bữa ăn và cung cấp nguồn thực phẩm cho địa phương nên hiệu quả kinh tế không cao.
Vì thế, “với tiềm năng lớn về diện tích các hồ chứa thủy lợi, mỗi địa phương cần có quy hoạch chi tiết cho NTTS ở từng lòng hồ trên cơ sở sử dụng đa mục tiêu, góp phần xóa đói, giảm nghèo và tạo thêm sinh kế cho người dân ở vùng ven lòng hồ. Mô hình thành lập nhóm hộ vừa NTTS, vừa quản lý hồ chứa tại hồ Núi Ngang là một mô hình điểm mà các địa phương khác có thể học hỏi”, bà Đỗ Thị Thu Đông- Trưởng phòng Nuôi trồng thủy sản (Sở NN & PTNT) cho biết.
Cũng theo bà Đông, trong thời gian tới, từ 50 hồ chứa nước đã được tận dụng để phát triển NTTS, ngành sẽ hướng tới tận dụng tối đa diện tích mặt nước tại các hồ chứa có diện tích dưới 20ha và đầu tư có hệ thống việc nuôi cá trên các mặt nước lớn như Thạch Nham, Nước Trong... Đồng thời xem xét, khảo sát, phát triển mô hình nuôi cá lồng trên các hồ chứa, nhằm giúp người dân nâng cao sản lượng và năng suất của việc nuôi trồng.
Có thể bạn quan tâm

Đề tài “Xây dựng mô hình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) trên cây dưa hấu tại Quảng Nam” do Trung tâm KN-KN Quảng Nam thực hiện sau 3 vụ trồng/2 năm tại thôn Thành Mỹ, xã Tam Phước (Phú Ninh) đã “ăn đứt” dưa hấu trồng truyền thống.

Nhằm tháo gỡ tình trạng giá khoai lang luôn bấp bênh và quá phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, Trường ĐH Cần Thơ vừa phối hợp với Sở NNPTNT tỉnh Vĩnh Long tổ chức Hội thảo “Giải pháp mở rộng thị trường tiêu thụ khoai lang”.

Vào thời điểm này, nông dân đang bắt tay vào cải tạo đất để chuẩn bị sản xuất vụ lúa trên đất nuôi tôm. Ngành chức năng cũng đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất lúa - tôm cho nông dân. Theo lịch thời vụ, nông dân sẽ xuống giống lúa dứt điểm vào cuối tháng 9/2013.

Đây là mô hình sản xuất mới không chỉ giúp cho sản phẩm sạch sẽ, an toàn và có giá trị dinh dưỡng, mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người làm nghề.

Mưa dầm làm cho trà lúa hè thu đang đến kỳ thu hoạch bị gãy đổ trên diện rộng. Nước ngập, lúa không thể thu hoạch bằng cơ giới mà phải thu hoạch thủ công. Các khoản chi phí không ngừng leo thang trong khi hạt lúa làm ra kém chất lượng, không đáp ứng được nhu cầu của thị trường.