Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nuôi Trồng Thủy Sản Hướng Thoát Nghèo Ở Noong Luống

Nuôi Trồng Thủy Sản Hướng Thoát Nghèo Ở Noong Luống
Ngày đăng: 28/10/2014

Là một trong những địa phương có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn nhất huyện Điện Biên, hiện nay xã Noong Luống có trên 70ha nuôi trồng các loại thủy sản. Biết tận dụng tiềm năng, khai thác lợi thế sẵn có, giờ đây nhiều nông dân ở xã Noong Luống đã vươn lên thoát nghèo với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ nghề nuôi cá.

Tiếp chúng tôi, ông Bùi Văn Ba, Chủ tịch UBND xã Noong Luống cho biết: Chúng tôi luôn xác định nuôi trồng thủy sản là nghề mũi nhọn phát triển kinh tế của địa phương. Không chỉ giúp bà con tận dụng thời gian nông nhàn, lao động dôi dư tại địa phương mà còn tạo thêm việc làm tại chỗ cho người dân.

Để khuyến khích người dân nuôi trồng thủy sản và giúp các hộ nâng cao thu nhập từ nghề, thời gian qua UBND xã đã phối hợp với Trạm Khuyến nông – Khuyến ngư huyện, Trung tâm Phát triển thủy sản tỉnh tổ chức mô hình trình diễn, tập huấn kiến thức kỹ thuật nuôi thủy sản cho bà con.

Giờ đây phong trào nuôi trồng thủy sản ở xã Noong Luống phát triển mạnh. Hiện cả xã có 450/1.600 hộ nuôi trồng thủy sản, nhiều nhất tại đội 7, 8, 9. Số hộ này đều có đời sống gia đình khá giả, kinh tế ổn định, có điều kiện chăm lo cho con em học hành.

Ngoài gần 50ha mặt nước là ao của các gia đình, còn lại 26ha mặt hồ do UBND xã quản lý được một số hộ gia đình nhận thầu nuôi thả cá. Nhiều hộ mạnh dạn đầu tư vốn, thuê máy móc, nhân công đào ao, mở rộng diện tích. 5 năm trước đây phần lớn các hộ nuôi trồng thủy sản ở xã Noong Luống chủ yếu nuôi cá trắm cỏ, hiệu quả kinh tế khá cao, song trắm cỏ là loài hay bị dịch bệnh, dễ thất thu, nguồn thức ăn chủ yếu là cỏ ngày càng ít.

Nắm bắt nhu cầu tiêu thụ trên thị trường, từ năm 2009 bà con nông dân chuyển sang nuôi cá rô phi đơn tính, là giống chủ lực và thả xen một số loài cá khác có giá trị kinh tế cao như cá chép. Có diện tích nuôi thả cá lớn nhất xã là gia đình ông Đinh Chí Hoàn, đội 12 với gần 1ha ao.

Trước đây ông Hoàn chỉ nuôi ít cá trong ao nhỏ phục vụ nhu cầu gia đình, nhưng từ năm 2007, khi có nhu cầu tiêu dùng lớn, ông đã mua thêm đất ruộng gần nhà thuê máy xúc đào ao, be bờ mở rộng diện tích nuôi cá. Trung bình mỗi lứa cá gia đình ông Hoàn xuất từ 3 – 3,5 tấn, trừ chi phí thu về hàng chục triệu đồng.

Do có nguồn nước từ trên khe dẫn về nên chất lượng thịt cá rắn, thơm được người tiêu dùng ưa chuộng, bán được giá. Ngoài cung cấp cho các chợ đầu mối, nhà hàng, khách sạn, quán ăn khu vực T.P Điện Biên Phủ, thương lái còn chuyển đi các huyện, thị khác.

Ông Bùi Văn Ba cho biết thêm: Bình quân mỗi năm xã Noong Luống bán ra thị trường trên 300 tấn cá thịt, đạt và vượt so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra hàng năm. Do số hộ nuôi cá trên địa bàn ngày càng nhiều, để giúp các hộ có cơ hội trao đổi, học hỏi kinh nghiệm và hỗ trợ nhau, từ cuối năm 2009, UBND xã thành lập Nhóm sở thích nuôi cá với sự tham gia của 50 hộ dân.

Mới đây, Trung tâm Thủy sản phối hợp với UBND xã tổ chức mô hình trình diễn nuôi cá rô phi đơn tính hướng dẫn bà con quy trình dọn ao, thả giống và cho ăn theo định lượng phù hợp với từng thời kỳ phát triển của cá. Ngoài ra, các hộ dân còn được tham khảo sách báo, tài liệu hướng dẫn kỹ thuật nuôi để cá đạt năng suất, chất lượng cao.

Giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập từ nghề nuôi cá, chính quyền xã Noong Luống khuyến khích bà con tập trung nuôi những loài cá có giá trị kinh tế cao trên thị trường, chuyển đổi từ quy mô nhỏ lẻ sang nuôi theo hướng thâm canh hàng hóa. Nhờ biết đầu tư đúng hướng, giờ đây đời sống của người dân xã Noong Luống có nhiều đổi thay nhờ vào nghề nuôi trồng thủy sản.


Có thể bạn quan tâm

Tập Trung Bảo Vệ Sản Xuất Mùa Lũ Tập Trung Bảo Vệ Sản Xuất Mùa Lũ

Vụ lúa thu đông này xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự xuống giống gần 1.200ha lúa và hoa màu, là một trong những địa phương có diện tích lúa thu đông nhiều nhất của huyện. Tuy nhiên, đây cũng là xã thường xuyên chịu ảnh hưởng của sạt lở vào mùa lũ. Do vậy mọi công tác bảo vệ sản xuất đang được xã tập trung.

25/08/2014
Giá Trị Sản Xuất Công Nghiệp Trong Tháng 8 Đạt Gần 1.500 Tỷ Đồng Giá Trị Sản Xuất Công Nghiệp Trong Tháng 8 Đạt Gần 1.500 Tỷ Đồng

Theo Cục Thống kê tỉnh, tháng 8 sản xuất công nghiệp của tỉnh có mức tăng trưởng không cao, do các doanh nghiệp trong tỉnh vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là khâu tiêu thụ sản phẩm.

25/08/2014
Nông Dân Ngoài Vùng Đê Bao Thu Hoạch Lúa Chạy Lũ Nông Dân Ngoài Vùng Đê Bao Thu Hoạch Lúa Chạy Lũ

Hiện UBND huyện Lấp Vò cũng đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các địa phương đẩy mạnh công tác gia cố đê bao, bảo vệ ăn chắc trên 10.000ha lúa vụ thu đông đang giai đoạn đòng trổ, dự kiến sẽ thu hoạch dứt điểm vào cuối tháng 8 âm lịch.

25/08/2014
Chủ Động Bảo Vệ Diện Tích Sản Xuất Vụ Thu Đông, Vườn Cây Ăn Trái Chủ Động Bảo Vệ Diện Tích Sản Xuất Vụ Thu Đông, Vườn Cây Ăn Trái

Các đơn vị hữu quan khẩn trương rà soát và di dời những hộ dân nằm trong khu vực có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn; thường xuyên bám sát địa bàn, theo dõi chặt chẽ tình hình để kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn tại địa phương.

25/08/2014
Một Số Diện Tích Có Thể Nhiễm Rầy Nặng Một Số Diện Tích Có Thể Nhiễm Rầy Nặng

Theo dự báo của Chi cục Bảo vệ thực vật Đồng Tháp, lứa rầy cám mới sẽ nở rộ từ ngày 22 - 31/8 gây hại trên trà lúa đẻ nhánh - làm đòng chủ yếu ở mức nhẹ, trung bình; cục bộ một số diện tích có thể nhiễm nặng do có nhiều lứa rầy gối nhau, tích lũy mật số từ đầu vụ.

25/08/2014