Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nuôi Tôm Trên Ruộng Muối Ở Bà Rịa - Vũng Tàu

Nuôi Tôm Trên Ruộng Muối Ở Bà Rịa - Vũng Tàu
Ngày đăng: 27/09/2012

Nuôi tôm trên ruộng muối vào mùa mưa đã đem lại nguồn thu nhập cao cho bà con diêm dân huyện Long Điền.
 
Từ những mô hình của Phòng Nông nghiệp huyện Long Điền và Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư, những diêm dân ở huyện Long Điền (Bà Rịa - Vũng Tàu) vốn chỉ quen với việc làm muối nay đã bắt đầu biết nuôi tôm và họ tự tin về những kế hoạch của mình.
 
Ông Huỳnh Văn Thuyết, một trong số những diêm dân ở xã An Ngãi lần đầu tiên nuôi tôm cho biết, năm nay, được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư (KNKN), ông đã phối hợp nuôi 1 ha tôm sú trên ruộng muối của mình. Tính đến nay, tôm nuôi trong ao được hơn 2,5 tháng tuổi, đạt trọng lượng 80 con/kg. Ông Thuyết tính toán, nếu “thuận buồm xuôi gió”, ông có thể thu lợi nhuận gần 100 triệu đồng.
 
Ông Nguyễn Văn Gia, một diêm dân ở thị trấn Long Điền cho biết, năm nay, ông được Phòng Nông nghiệp huyện Long Điền đầu tư xây dựng mô hình nuôi tôm sú trên ruộng muối với diện tích 0,5 ha. Qua thực hiện mô hình, ông đang rất tự tin cho dự định của mình: “Qua năm, tôi sẽ nâng bờ thêm 4 - 5 ha ruộng muối đưa vào nuôi tôm trong mùa mưa”.
 
Tại cuộc hội thảo đầu bờ ngày 17-9 vừa qua tại ao nuôi tôm của ông Thuyết, từ những kết quả ban đầu các hộ nuôi đạt được, nhiều diêm dân cũng rất tâm đắc về mô hình này, vì nâng cao được hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích nhờ kết hợp giữa sản xuất muối trong mùa nắng và nuôi tôm trong mùa mưa. Theo ông Gia tính toán, nghề muối có đầu ra bấp bênh, giá luôn thấp và tiêu thụ khó khăn, trong khi đó, nếu người dân có vốn đầu tư thì việc nuôi tôm có thể tăng thu nhập từ 200 – 300 triệu đồng/ha/năm.
 
Để giúp cho bà con diêm dân “chịu” nuôi tôm vào mùa mưa là một sự nỗ lực lớn của Phòng Nông nghiệp huyện Long Điền và Trung tâm KNKN. Ông Thái Thành Hải, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Long Điền cho biết, dự án nuôi tôm trên ruộng muối được Phòng phối hợp với Trung tâm KNKN triển khai thực hiện từ năm 2011. Trước khi triển khai mô hình này, Trung tâm KNKN đã tổ chức cho bà con diêm dân trong huyện tham quan thực tế tại một số hộ nuôi tại phường 12 (TP. Vũng Tàu). Tuy nhiên, do điều kiện cơ sở hạ tầng ao nuôi chưa bảo đảm nên năm 2012, huyện Long Điền mới triển khai và vận động bà con diêm dân nuôi tôm theo mô hình này.
 
Việc nhiều bà con quan tâm đến mô hình này là tín hiệu lạc quan cho việc khai thác, nâng cao hiệu quả sản xuất của vùng ruộng muối huyện Long Điền. Theo ông Hải, huyện Long Điền hiện có hơn 500 ha ruộng muối, tuy nhiên từ trước đến nay, nhiều bà con diêm dân chỉ biết mỗi nghề làm muối, do vậy đời sống kinh tế không bảo đảm. Từ hiệu quả của mô hình nuôi tôm trên ruộng muối, thời gian tới, Phòng Nông nghiệp huyện Long Điền sẽ tiếp tục vận động bà con diêm dân kết hợp nuôi tôm trên ruộng muối; đồng thời tham mưu cho UBND huyện xây dựng thêm 1 mô hình nữa vào năm 2013 để nâng cao hiệu quả việc tuyên truyền nhân rộng.
 
Khó khăn lớn nhất hiện nay của bà con diêm dân là vốn sản xuất, bởi theo tính toán của ông Nguyễn Văn Gia, để nuôi được tôm trên ruộng muối, trên mỗi ha người nuôi bỏ ra khoảng hơn 250 triệu đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm tài sản cố định và chi phí con giống, thức ăn… Đây là khoản chi phí lớn mà không phải diêm dân nào cũng đáp ứng được. Chính vì vậy, tại cuộc hội thảo đầu bờ vừa qua, nhiều bà con diêm dân Long Điền cũng băn khoăn và mong có được nguồn vốn vay ưu đãi để thực hiện chương trình này.


Có thể bạn quan tâm

Cần Định Hướng Cho Người Chăn Nuôi Qui Mô Nhỏ Cần Định Hướng Cho Người Chăn Nuôi Qui Mô Nhỏ

Trước đây, mô hình gia cầm, chủ yếu là các loại gà và vịt xiêm theo quy mô nhỏ tại gia đình rất phát triển. Gần đây, các loại vịt ta được nhiều gia đình phát triển nuôi theo dạng nhốt chuồng với số lượng phổ biến từ 10 - 30 con, thậm chí có hộ nuôi từ 50 - 70 con theo hình thức làm chuồng nhốt vịt hoàn toàn trên cạn hoặc tận dụng ao, một đoạn kênh rạch gần nhà giăng lưới, làm chuồng nuôi nửa trên cạn, nửa dưới nước.

22/01/2015
Gà Đông Tảo Gà Đông Tảo "Sốt" Giá

Giá gà tăng đột biến do dịp cuối năm, nhu cầu mua loại gà đặc sản này làm quà biếu tăng cao. Gà biếu thường được bán theo cặp, trung bình từ 6 - 10 kg/cặp. Theo đó, gà Đông Tảo có giá từ 3 - 5 triệu đồng/cặp. Điểm đặc biệt của gà Đông Tảo là cặp chân “voi”, chân càng to càng được thị trường ưa chuộng. Khách đặt mua chủ yếu là ở Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành lân cận.

22/01/2015
Nông Dân Được Bao Tiêu 60% Lượng Sữa Tươi Nguyên Liệu Nông Dân Được Bao Tiêu 60% Lượng Sữa Tươi Nguyên Liệu

Mở đầu vụ sản xuất năm 2015, chỉ trong 19 ngày đầu tháng 1, Vinamilk thu mua gần 12.000 tấn sữa, tăng trưởng gần 20% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, riêng khu vực TPHCM và phụ cận, trong những ngày đầu năm 2015, Vinamilk thu mua hơn 7.500 tấn, tăng 11% so với cùng kỳ.

22/01/2015
Nguồn Cung Thịt Heo Không Lo Thiếu Hàng Vào Dịp Tết Nguồn Cung Thịt Heo Không Lo Thiếu Hàng Vào Dịp Tết

Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015 đang đến gần. Đây là thời điểm lượng hàng hóa, thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao. Để đáp ứng nhu cầu này, việc bảo đảm cân đối nguồn cung - cầu thịt heo trong dịp tết đã được các cơ quan chức năng, ngành chăn nuôi, siêu thị, trung tâm thương mại tăng cường.

22/01/2015
Kinh Nghiệm Nuôi Bê Trên Đệm Lót Sinh Học Kinh Nghiệm Nuôi Bê Trên Đệm Lót Sinh Học

Qua quá trình nuôi bê trên đệm lót sinh học, ông Minh thấy hình thức nuôi này có nhiều ưu điểm nổi bật như: chuồng bê hoàn toàn không có mùi hôi thối, phân bê thải ra được xử lý ngay bởi đệm lót. Nếu như trước kia ông nuôi bê trên nền xi măng, đến ngày thứ 2 đã phải tắm cho bê vì phân thải ra hàng ngày dính bẩn trên cơ thể, làm cho bê bị dễ bị lạnh, dễ phát sinh bệnh hô hấp, tiêu chảy, thì nay ông nuôi bê không cần phải tắm.

22/01/2015