Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng Thep Phương Pháp Sinh Học Đạt Hiệu Quả Cao

Về thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam, hỏi những người nuôi tôm ai cũng biết anh Phạm Sơn, người nuôi tôm thẻ đạt hiệu quả nhất của xã Cẩm Thanh nói riêng và thành phố nói chung trong hai năm qua. Một trong những bí quyết thành công của anh là nuôi tôm thẻ theo phương pháp sinh học, hoàn toàn không sử dụng các loại hóa chất trong quá trình nuôi, một hướng nuôi tôm bền vững đang được ngành nông nghiệp khuyến cáo.
Dưới ánh nắng rát bỏng của những ngày đầu tháng 7, chúng tôi tìm đến trại nuôi tôm của anh ở khu Hóc Rộ, thôn 8, xã Cẩm Thanh. Anh Sơn đang xử lý chế phẩm sinh học để đánh xuống ao nuôi. Chỉ tay vào thùng chế phẩm đang được sục khí, anh vui vẻ cho biết "Chế phẩm này em nhờ người lấy tận thành phố Hồ Chí Minh chuyển về, nhờ có nó trong hai năm qua, các ao nuôi tôm thẻ đều đạt hiệu quả cao".
Những năm trước đây, khi đang còn nuôi tôm sú, anh sử dụng hóa chất, thuốc kháng sinh khá nhiều. Đây cũng là tình trạng phổ biến của những người nuôi tôm sú theo hình thức bán thâm canh và thâm canh thời điểm đó. Nuôi tôm sú lâu năm, bệnh dịch thường xuyên xảy ra là nguyên nhân khiến người nuôi tôm phải sử dụng nhiều hóa chất, thuốc kháng sinh. Và thực tế, hiệu quả mang lại từ việc sử dụng các loại này hầu như không cao, tôm chết vẫn hoàn tôm chết.
Trong hai năm qua, khi chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng, anh Sơn cho biết, anh hoàn toàn không sử dụng các loại hóa chất, thuốc kháng sinh.
Tìm hiểu về phương pháp nuôi theo hướng sinh học này, anh Sơn cho biết, điều quan trọng đầu tiên là khâu cải tạo vệ sinh ao nuôi. Từ lúc dọn ao đến lúc thả giống thường kéo dài đến nửa tháng. Một điểm khác biệt ở cách dọn ao của anh so với các hộ nuôi tôm khác là sau khi tháo cạn ao nuôi, anh dùng máy áp lực để xịt rửa ao. Với cách làm này, hầu như toàn bộ lớp bùn ở đáy ao được dọn một cách triệt để. Nước lấy vào ao nuôi được xử lý diệt khuẩn bằng chlorin với nồng độ thấp, rồi tiến hành gây màu nước bằng dolomite (CaMg(CO3)2).
Con giống tôm thẻ, theo anh Sơn, cũng cực kỳ quan trọng. Trong khi ở các trại giống địa phương chỉ có giá từ 15-17 đồng/con thì anh chỉ tin tưởng vào giống chất lượng cao đang được một số công ty có uy tín bán ở Bình Định, Bình Thuận với giá lên đến 35 đồng/con.
Trong suốt vụ nuôi, anh chỉ sử dụng vôi sống (super can-xi), vôi dolomite và chế phẩm vi sinh. Mỗi vụ nuôi, riêng chi phí cho các loại chế phẩm vi sinh xử lý ao nuôi cũng lên đến 20-30 triệu đồng. Thời điểm có dịch bệnh đốm trắng xảy ra hoặc tôm nuôi ở giai đoạn cuối, định kỳ 3-4 ngày/lần anh dùng chế phẩm vi sinh, gấp đôi thời gian khuyến cáo của nhà sản xuất, giúp cải thiện môi trường ao nuôi, hạn chế dịch bệnh. Men vi sinh cũng được anh trộn vào thức ăn thường xuyên để kích thích quá trình tiêu hóa và phòng các bệnh về đường ruột ở tôm nuôi. Đặc biệt, anh hoàn toàn không sử dụng bất kỳ một loại hóa chất, thuốc kháng sinh nào trong quá trình nuôi. Nhờ phương pháp nuôi này, thời gian nuôi của anh rút lại còn 2,5 tháng đến gần 3 tháng với hệ số thức ăn chỉ từ 0,9 đến 1,1 và cỡ tôm thu hoạch từ 60-70 con/kg.
Hai năm nuôi tôm thẻ chân trắng, năm nào anh cũng thắng lớn và trở thành người nuôi tôm thẻ có lãi cao nhất ở Hội An hiện nay.
Năm 2009, anh thu hoạch 21,7 tấn tôm thẻ, sau khi mua sắm một số máy móc, trang thiết bị, còn lãi trên 500 triệu đồng. Vụ 1 năm nay, trong khi xung quanh bị dịch bệnh đốm trắng tấn công thì trên tổng diện tích 1,45 hecta, anh đã thu hoạch 11,3 tấn, lãi gần 250 triệu đồng. Chỉ tay xuống ao nuôi có diện tích hơn 5.000 m2 anh phấn khởi cho biết, tôm nuôi đã được 1,5 tháng, hiện tôm phát triển rất tốt, hứa hẹn một vụ 2 bội thu.
Khu nuôi tôm Hóc Rộ, xã Cẩm Thanh là một trong những vùng nuôi trọng điểm của xã và của thành phố. Những năm qua, nhờ phát huy tính cộng đồng trong sản xuất nên môi trường nuôi được bảo đảm, dịch bệnh cũng ít xảy ra, đa phần các hộ nuôi tôm đều có hiệu quả. Việc áp dụng mô hình nuôi tôm theo phương pháp sinh học ở đây sẽ góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao hiệu quả sản xuất, bảo đảm tính bền vững đối với nghề nuôi tôm nước lợ.
Có thể bạn quan tâm

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hiện nay trên địa bàn tỉnh sâu cuốn lá lứa 6 đang phát sinh và gây hại, sâu non tuổi 1 gây hại từ ngày 8 đến 13-8-2014, đợt 2 tập trung từ ngày 15 đến 18-8-2014 trên các trà lúa mùa sớm, chính vụ và rải rác cho tới 25-8-2014 trên trà lúa cấy muộn, khả năng trong những ngày tới, nếu không có biện pháp phòng trừ tích cực, quyết liệt thì sẽ xuất hiện đợt dịch sâu cuốn lá nhỏ trên diện rộng, ở nhiều địa phương trong tỉnh, nhất là các huyện ven biển, thiệt hại do sâu gây ra sẽ là rất lớn, đặc biệt là trên diện tích trà lúa mùa muộn.

Nhằm bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR) tận gốc, Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ Thanh Kỳ (trên địa bàn xã Thanh Tân, huyện Như Thanh) đã giao khoán 5.482 ha rừng cho 651 hộ dân bảo vệ, chăm sóc và sản xuất theo mô hình trang trại tổng hợp, nông - lâm kết hợp chăn nuôi.

Riêng năm đầu tiên ngư dân được miễn lãi và chưa phải trả nợ gốc, phương thức và thủ tục cho vay thuận tiện, phù hợp. Đặc biệt, ngư dân chỉ phải trả lãi suất từ 1 - 3%/năm tùy thuộc vào chất liệu của vỏ tàu và tổng công suất máy chính đối với tàu đóng mới, nâng cấp.

Thời gian gần đây, Hợp tác xã (HTX) Thủy sản Rạng Đông (xã Thới Thuận, huyện Bình Đại, Bến Tre) quản lý và khai thác tài nguyên thiên nhiên con nghêu có hiệu quả. Ngoài việc được thiên nhiên ưu đãi thì việc công khai minh bạch, phát huy dân chủ cơ sở là yếu tố quan trọng góp phần vào thành công chung của HTX.

Ngày 13/8, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Cà Mau kết hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thới Bình tổ chức Hội thảo chuyên đề “Thực trạng và giải pháp phát triển mô hình lúa – tôm bền vững” và triển khai Đề án “Nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất lúa – tôm tỉnh Cà Mau”.