Nuôi Tôm Thẻ Chân Trắng Đại Trà, Ngành Chức Năng Khó Kiểm Soát Ở Cà Mau

Từ khi mới bắt đầu nuôi tôm, các chuyên gia ngành thuỷ sản khuyến cáo, quy hoạch nuôi tôm thẻ chân trắng phải nuôi riêng biệt với tôm sú, xây dựng hệ thống thuỷ lợi, nguồn nước khép kín, tuyệt đối không để lẫn lộn giữa nguồn nước nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng.
Nguyên nhân là con tôm thẻ chân trắng mang nhiều mầm bệnh, khó phòng trừ.
Chi cục phó Chi cục Nuôi trồng thuỷ sản Nguyễn Văn Trung cho biết: Trước đây, tỉnh Cà Mau có quy hoạch vùng nuôi tôm thẻ chân trắng, gần đây tỉnh cho phép nuôi tôm thẻ chân trắng với hình thức nuôi công nghiệp chung với khu nuôi tôm sú công nghiệp ở những khu quy hoạch nuôi tôm công nghiệp. Nhưng chỉ nuôi thẻ chân trắng ở loại hình công nghiệp, không được nuôi các loại hình khác.
Tuy nhiên, do thời gian nuôi tôm thẻ chân trắng ngắn (chỉ khoảng 2 tháng), rủi ro ít so với tôm sú, nên người dân tự phát nuôi tôm thẻ chân trắng ngoài vùng quy hoạch rất nhiều. Đây là vấn đề rất khó, ngành chức năng chưa có cách giải quyết.
Thời gian gần đây, người dân bất chấp khuyến cáo của ngành chức năng, ồ ạt thả nuôi tôm thẻ chân trắng cùng con tôm sú ngoài vùng quy hoạch tập trung, hậu quả cả hai cùng bị dịch bệnh, thiệt hại nặng.
Ông Phạm Tấn Đức, xã Phú Hưng, huyện Cái Nước, cho biết, sau nhiều vụ nuôi tôm sú thất bại, thấy nhiều người nuôi tôm thẻ thành công, ông cũng chuyển sang nuôi tôm thẻ chân trắng. Được gần 30 ngày tôm bắt đầu có dấu hiệu bị thiệt hại.
Cùng chung cảnh ngộ với ông Đức, anh Mai Thanh Hải nhiều năm thăng trầm với con tôm, than: “Sau nhiều vụ nuôi tôm thất bại, thấy con tôm thẻ chân trắng là đối tượng mới, thời gian nuôi ngắn, gia đình tôi đi vay mượn gần 20 triệu đồng để cải tạo ao, mua con giống thả nuôi, hy vọng thắng lợi vụ này sẽ trả nợ ngân hàng. Ai ngờ sau gần 1 tháng nuôi, tôm bệnh và chết sạch”.
Đó là hai trong nhiều hộ nuôi tôm theo kiểu kết hợp “mù” dẫn đến hậu quả bị thiệt hại nặng. Mặt khác, hầu hết nông dân nuôi tự phát nên việc đầu tư ao xử lý thải không bảo đảm, dẫn đến ô nhiễm môi trường nuôi và dịch bệnh.
Người nuôi tôm cho rằng, tôm chết là do nhiều nguyên nhân, “thua keo này bày keo khác”. Họ không biết chính kiểu “sản xuất mù”, chạy theo phong trào đã gây tác hại không nhỏ đến môi trường sinh thái: nước, đất nhiễm mầm bệnh, khó sản xuất những vụ tiếp.
Tôm thẻ chân trắng là loài thuỷ sản khó nuôi, mang nhiều dịch bệnh. Nếu không am hiểu kỹ thuật, xử lý triệt để mầm bệnh thì dễ phát sinh và lây lan rất nhanh ra các loài thuỷ sản khác. Ông Nguyễn Văn Trung khuyến cáo: Nếu ai không nắm chắc kỹ thuật, đầu tư thiếu đồng bộ thì tuyệt đối không nên nuôi tôm thẻ chân trắng.
Có thể bạn quan tâm

Dù được dự báo là tình hình xuất khẩu gạo sẽ khả quan hơn trong vòng 6 tháng cuối năm, nhiều ý kiến cho rằng, doanh nghiệp (DN) cần tiếp tục thay đổi chiến lược xuất khẩu, xuất khẩu theo nhu cầu, mở rộng thêm thị trường mới…

Ông Ngô Văn Xuân - Chủ tịch Hội Nông dân xã Hoà Liên (Hoà Vang, Đà Nẵng) cho biết, tại thôn Trường Định, xã Hoà Liên, có 33 hộ nông dân nuôi tôm thẻ chân trắng với diện tích 26ha. Hiện nay, con tôm đang ở thời kỳ từ 1 tháng rưỡi đến 2 tháng tuổi. Gần đây, bỗng dưng tôm chết hàng loạt làm cho người nuôi điêu đứng.

Ông Lê Thanh Trị (58 tuổi), ở xã Liên Nghĩa, huyện Đức Trọng, Lâm Đồng, vừa công bố chế tạo thành công chiếc máy tách vỏ xanh quả mắc ca. Chưa hết, ông Trị còn sắp cho ra đời thêm 2 loại máy là máy tách vỏ cứng, máy sấy mắc ca, để hoàn thành dây chuyền bóc tách vỏ và sấy khô mắc ca.

Hàng chục ha thanh long bị thối rễ, teo tóp cành là do nguyên nhân gì? Viện Bảo vệ thực vật đã lấy mẫu đất, rễ để xét nghiệm…

Hiệp hội Mía đường Việt Nam vừa có văn bản gửi các Bộ: Công Thương, Tài chính và NN&PTNT đề nghị bổ sung các quy định để có điều kiện quản lý Thông tư 08 về nhập khẩu đường của Bộ Công Thương.