Nuôi Tôm Công Nghiệp Tự Phát Ở Cà Mau Những Thách Thức Mới

Tỉnh Cà Mau có diện tích nuôi thủy sản lớn nhất cả nước với 265.000ha, trong số này nuôi tôm quảng canh truyền thống, quảng canh cải tiến và tôm lúa chiếm trên 95%. Nhưng từ năm 2013, một số vùng nông thôn của Cà Mau xuất hiện mô hình nuôi tôm công nghiệp và phát triển rất nóng nên gây ra nhiều hệ lụy: thiếu kinh rạch dẫn và thoát nước, gây ô nhiễm môi trường, thiếu điện, thiếu cơ sở ương giống, thiếu cán bộ kỹ thuật, thiếu vốn…
Theo anh Nguyễn Văn Trạng, Chi cục phó Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau, việc nuôi tôm công nghiệp là tự phát của một số gia đình có khả năng đầu tư. Gần đây, nuôi tôm theo dạng công nghiệp phát triển rất nóng. Từ đầu năm 2013 tới trung tuần tháng 6-2014 đã có 7.600ha; chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2014 tăng gần 2.000ha.
Cũng khá nhiều gia đình lần đầu tiên nuôi tôm công nghiệp trúng mùa, trúng giá. Anh Đặng Hòa Hiệp, 42 tuổi, ở ấp Ông Khâm, xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước cho biết, cuối năm 2012, gia đình nuôi 1,4ha tôm sú (chia làm 3 ao). Cuối vụ, anh thu được 1,2 tỷ đồng, lời 600 triệu đồng.
Lời thấy ham nên vụ 2014 anh mở thêm 6 ao với diện tích 2ha. Tôm cũng đang phát triển tốt. Anh bảo: Những năm trước nuôi tôm quảng canh truyền thống, quảng canh cải tiến chỉ lời 20 - 30 triệu đồng/ha/năm. Nay ở ấp Ông Khâm có tới 72 hộ nuôi tôm công nghiệp với diện tích gần 50ha.
Anh Nguyễn Thanh Giảng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Cái Nước, nhận định: Đồng ý nuôi tôm công nghiệp một hai vụ đầu rất trúng, nhưng bài học nuôi tôm công nghiệp ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh… cho thấy mấy vụ đầu nuôi rất trúng, nhưng sau đó liên tiếp thất bại. Cái khó là người nuôi tôm công nghiệp không theo quy hoạch của tỉnh, huyện.
Nhà nào có khả năng đầu tư thì làm, do đó một số vùng nuôi tôm trở thành những cánh đồng da beo, thiếu trầm trọng những kênh mương cống dẫn và thoát nước nên đã có 120ha nuôi tôm công nghiệp bị thiệt hại. Mặt khác, nuôi tôm công nghiệp rất cần điện nhưng lại đang thiếu điện trầm trọng, thiếu cán bộ kỹ thuật, thiếu cơ sở ương tôm giống, thiếu hệ thống thủy lợi như cống, kênh dẫn, thoát nước… Những nguy cơ trên đang treo lơ lửng trước mặt các hộ nuôi tôm công nghiệp ở Cà Mau.
Anh Nguyễn Thanh Giảng cho biết: “Mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến trong 10 năm trở lại đây đã được người dân đồng thuận nhất. Còn việc nuôi tôm công nghiệp đối với Cà Mau rất mới, một bước đi không dễ; bởi nó phải quy tụ nhiều yếu tố liên quan, trong đó việc đầu tư cơ sở hạ tầng (đặc biệt là điện, mạng lưới kênh dẫn và thoát nước), vốn, con giống, thức ăn, rất quan trọng”. Cà Mau tuy đã có quy hoạch nhưng chưa đồng bộ với các điều kiện phục vụ nuôi tôm công nghiệp.
Vì thế, Cà Mau cần phải có bước đi cụ thể, đầu tư quy hoạch từng vùng, tránh dàn trải; khuyến cáo người nuôi tôm không nên “xé rào”, nóng vội, làm ảnh hưởng đến các vùng nuôi tôm truyền thống khác. Có như vậy, các mô hình nuôi tôm mới cùng nhau phát triển bền vững.
Có thể bạn quan tâm

Ngay sau cuộc họp báo về Hiệp định TPP của Bộ Công Thương, một DN đã bức xúc: "TPP quá cao cấp nhưng cần được hiểu theo nghĩa của một người dân bình thường. Họ cần phải được biết, ngày mai gió bão là gì? DN chẳng biết cần chuẩn bị gì trong TPP".

Ban Quản lý dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững tỉnh Sóc Trăng tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm và giải pháp nuôi tôm tại tổ hợp tác ấp Hòa Trực, xã Hòa Tú 1.
Theo thống kê của Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Khánh Hòa, đến hết quý 3 năm 2015, toàn tỉnh có gần 192 ha diện tích thả nuôi tôm bị thiệt hại hoàn toàn về kinh tế do nhiễm bệnh.

Tôm khô là một trong những đặc sản nổi tiếng thế giới. Mà tôm khô ngon, được nhiều người biết đến nhờ chỉ dẫn địa lý là tôm khô Rạch Gốc (Cà Mau).
Nhờ thời tiết tương đối thuận lợi cho việc đánh bắt thủy sản, cùng với đó chính sách hỗ trợ tàu thuyền khai thác xa bờ giải quyết kịp thời đã khuyến khích ngư dân mạnh dạn vươn khơi bám biển.