Nuôi thủy sản tập trung hướng phát triển kinh tế mũi nhọn ở Tân Yên

Trang trại nuôi cá của gia đình anh Nguyễn Văn Dũng, thôn Đông Khoát, xã Việt Lập.
Những “cánh đồng bạc”
Xã Việt Lập là một trong những điểm sáng về phát triển vùng nuôi thủy sản tập trung ở huyện Tân Yên từ nhiều năm nay.
Hiện, 13 thôn trong xã đều có diện tích ao nuôi cá, điển hình như: Đồng Sen, Nguyễn, Đông Am Vàng, Đông Khoát.
Nói về những vụ cá bội thu, anh Nguyễn Văn Dũng, thôn Đông Khoát cho biết:
“Cách đây hơn chục năm, gia đình tôi nhận thầu và dồn đổi ruộng cho các hộ thành một khu rồi đầu tư xây bờ bao thành các ô riêng biệt nuôi thả cá với diện tích hơn 2,5 ha.
Do áp dụng phương pháp thâm canh, nuôi các giống cá chất lượng cao nên mỗi năm tôi thu 25 - 30 tấn cá, lãi 300 - 400 triệu đồng”.
Tương tự, với gần 2 ha ao nuôi cá, ông Nguyễn Văn Quyết, thôn Đông Am Vàng thu lãi mỗi năm khoảng 200 triệu đồng.
Với mục đích hỗ trợ nhau về con giống, vốn, kỹ thuật sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, 350 hộ dân ở các thôn trong xã đã liên kết thành lập HTX Chăn nuôi thuỷ sản 1 và 2.
Theo ông Nguyễn Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND xã, Việt Lập hiện có gần 150 ha mặt nước nuôi cá, trong đó khoảng 120 ha nuôi thâm canh, sản lượng cá thương phẩm đạt 900 tấn, doanh thu khoảng 25 tỷ đồng/năm.
Nhờ đó, đời sống của người dân được nâng lên đáng kể, thu nhập bình quân đầu người đạt 31 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 3,8%.
Khai thác lợi thế về nguồn nước do gần các tuyến kênh, những năm qua, xã Song Vân chuyển đổi hơn 30 ha ruộng trũng, ao hồ sang nuôi cá, tập trung ở các thôn: Đồng Kim, Đồng Sào…
Nhiều hộ tích cực áp dụng kỹ thuật thâm canh cao, sử dụng chế phẩm khử trùng nguồn nước, phòng bệnh cho cá đã giúp tăng năng suất, chất lượng. Ước tính 2 - 3 năm gần đây, sản lượng cá thương phẩm toàn xã đạt 350 tấn/năm.
Từ hiệu quả kinh tế cao, nhiều vùng nuôi cá tập trung ở các xã: Quế Nham, Hợp Đức, Liên Chung, An Dương, Cao Thượng, Ngọc Châu cũng dần hình thành. Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, đến nay toàn huyện có 1,1 nghìn ha mặt nước nuôi thủy sản, trong đó có 900 ha nuôi thâm canh cao.
Giá trị thủy sản tăng từ 85 tỷ đồng năm 2010 lên 220 tỷ đồng vào năm nay với sản lượng ước đạt gần 9 nghìn tấn.
Nhân rộng "làng thủy sản"
Theo ông Lê Ánh Dương, Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện ủy, hiện nay thủy sản đang từng bước trở thành thế mạnh trong số các sản phẩm nông nghiệp của huyện.
Việc phát triển và nhân rộng vùng thủy sản tập trung đã góp phần tích cực chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng hàng hóa, thuận lợi trong chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, từng bước tạo ra sản phẩm đồng đều, bảo đảm chất lượng.
Nhằm nhân rộng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, huyện Tân Yên đã thực hiện nhiều giải pháp, cơ chế hỗ trợ đồng bộ như:
Chỉ đạo các xã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân chuyển đổi diện tích ruộng trũng cấy lúa một vụ không ăn chắc sang nuôi thủy sản với quy mô gần 500 ha; thực hiện tốt việc quy hoạch vùng sản xuất nhằm khai thác lợi thế về đất đai theo hướng mỗi xã, thị trấn có ít nhất ba khu, mỗi khu có diện tích tối thiểu 3 ha làm trang trại.
Đặc biệt, năm 2013, huyện quy hoạch xây dựng 3 làng chăn nuôi thủy sản với diện tích gần 50 ha tại các thôn: Tân Minh, Phú Thọ, Tân Châu của xã Ngọc Châu; hỗ trợ 200 triệu đồng xây dựng hạ tầng, cá giống.
Năm 2014, huyện tiếp tục quy hoạch thêm 3 làng thủy sản ở xã Việt Lập. Cơ quan chuyên môn hướng dẫn bà con kỹ thuật sản xuất, đưa cá giống mới vào nuôi thả.
Để giúp các hộ mở rộng quy mô, giai đoạn 2012 - 2015 huyện phối hợp với Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT triển khai Đề án “Mở rộng đầu tư cho vay nuôi trồng thủy sản” nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn.
Ngân hàng huyện đã bố trí hơn 40 tỷ đồng cho các hộ có quy mô trang trại thủy sản từ 2 ha trở lên vay vốn.
Cùng với các giải pháp của huyện, từ năm 2012 đến nay, Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh) phối hợp với huyện xây dựng một số mô hình nuôi cá thâm canh cao, mô hình điểm nuôi cá theo hướng VietGAP, tổ chức chuyển giao kỹ thuật nuôi cá an toàn sinh học.
Các hộ dân tích cực áp dụng tiến bộ kỹ thuật, thay đổi cơ cấu giống cá theo hướng tăng tỷ lệ nuôi những giống cá có năng suất, chất lượng cao, giảm giống cá truyền thống.
Bởi vậy, cá chất lượng hiện chiếm 80% cơ cấu giống cá nuôi.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tân Yên lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 xác định, thủy sản là một trong những mũi nhọn của phát triển kinh tế trên địa bàn huyện.
Huyện đề ra chỉ tiêu tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản bình quân hằng năm là 6% - 7%.
Để đạt chỉ tiêu này, huyện tiếp tục quy hoạch và hỗ trợ nhân rộng các làng thủy sản, liên kết với cơ quan chuyên môn của tỉnh, trung tâm giống thủy sản trong, ngoài tỉnh hỗ trợ về kỹ thuật và chuẩn hóa giống cá nuôi.
Theo Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT), hai năm gần đây, huyện Tân Yên luôn đứng đầu về sản lượng thủy sản trong toàn tỉnh. Việc mở rộng diện tích, nâng cao chất lượng sản phẩm đang là hướng đi đúng để tăng thu nhập cho hộ dân.
Có thể bạn quan tâm

Đồng Tháp Mười (ĐTM) là vùng đất nhiễm phèn vốn không phù hợp với việc nuôi cá tra. Vậy mà hiện nay, mỗi năm đã có hàng chục ngàn tấn cá tra được nuôi ở ĐTM nhờ sức sáng tạo của nông dân địa phương. Một hướng đột phá độc đáo đang mở ra triển vọng lớn cho ĐTM và cả nghề nuôi cá tra ở ĐBSCL.

Nắm bắt được nhu cầu thị trường ưa chuộng các loại thịt động vật ngoài những gia súc truyền thống, nhiều hộ dân ở các huyện ngoại thành (TP.HCM) đang rộ lên phong trào nuôi con đặc sản (thỏ, ếch, nhím, cá sấu…) để cung cấp cho các nhà hàng, quán nhậu. Nghề này có thể giúp người dân thu lãi lớn nhưng cũng đối mặt với không ít rủi ro...

Thời điểm khoảng 10 năm trước đây, diện tích cây mãng cầu ta tại Bình Thuận lên đến hơn 1.200 ha. Nhưng vì nhiều nguyên nhân, nhất là do năng suất và chất lượng không như mong đợi nên người trồng chặt bỏ thay thế bằng cây trồng khác. Chính vì vậy mới đây, đơn vị chức năng ở địa phương đã tiến hành thực hiện đề tài ứng dụng khoa học công nghệ nhằm tìm lại “chỗ đứng” cho cây mãng cầu ta…

Mấy ngày nay, giá thịt gà liên tục tăng. Theo các tiểu thương, thịt gà tăng giá không phải do nguồn cung khan hiếm mà do dịch cúm gia cầm đang khiến cho người chăn nuôi dè chừng khi bán ra nên giá có xu hướng tăng.

Trước đây, do chỉ độc canh cây lúa, hiệu quả thấp, đời sống gia đình anh Lê Hồng Phương (xã Tân Quý Tây, thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) thường thiếu trước, hụt sau. Năm 2001, khi về quê vợ ăn giỗ nghe nói ở đây có người “phất” lên nhờ trồng củ cải trắng, thế là anh khăn gói “tầm sư học đạo”.