Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nuôi Thành Công Cá Lăng Chấm Ở Ao Đất Ở Quảng Bình

Nuôi Thành Công Cá Lăng Chấm Ở Ao Đất Ở Quảng Bình
Ngày đăng: 11/12/2012

Cá lăng chấm được xem là loài cá có giá trị kinh tế cao và là đặc sản nước ngọt hàng đầu ở miền Bắc. Loài cá quý hiếm hoang dã này vốn chỉ sống ở hệ thống sông Hồng nay đã được nuôi thử nghiệm thành công ở Quảng Bình.

Cá lăng chấm được nuôi thành công ở ao đất không chỉ mở ra một hướng làm giàu mới cho các hộ nuôi trồng thủy sản ở Quảng Bình mà còn góp phần bảo tồn giống cá lăng chấm quý hiếm hoang dã đang dần cạn kiệt, cần đuợc bảo vệ.

Cá lăng chấm rất giàu chất dinh dưỡng, thịt thơm ngon, được thị trường ưa chuộng nên giá thành rất cao. Năm 5/2011, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình đã triển khai mô hình nuôi thử nghiệm cá lăng chấm thương phẩm trong ao nuôi.

Trang trại ông Bùi Viết Phương ở thị trấn Nông trường Việt trung, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình là đơn vị được chọn làm điểm để triển khai mô hình nuôi mới này với quy mô 2.200 m2. Sau khi nhập mua con giống tại Trung tâm quốc gia thủy sản nuớc ngọt miền Bắc thuộc Viện Nguyên cứu Nuôi Trồng Thủy sản I tại tỉnh Hải Dương, cá lăng chấm được thả nuôi với số lượng 1.100 con.

Cá giống được thả nuôi với mật độ 0,5 con/m2. Trước và trong quá trình nuôi, cán bộ của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quảng Bình tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi và cùng với chủ trang trại nuôi theo dõi sát sao tình hình sinh trưởng và phát triển của cá lăng chấm.

Sau 17 tháng thả nuôi, cá sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ sống khoảng 80%, trong đó trên 60% số cá đạt trọng lượng khoảng 1,3 - 2 kg/con. Sản lượng cá lăng chấm nuôi trong ao khi thu hoạch ước đạt trên 900 kg với giá bán trung bình 200.000 đồng/kg, tổng doanh thu uớc đạt gần 200 triệu, trừ chi phí người nuôi cũng thu lãi gần 50 triệu đồng, cao hơn hẳn các đối tượng nuôi truyền thống.

Ông Bùi Viết Phương hồ hởi chia sẻ loài cá này sống chủ yếu ở hệ thống sông Hồng, tưởng về đây cá lăng chấm sẽ khó nuôi nhưng thực ra thì chúng lại thích nghi tốt với điều kiện tự nhiên ở địa phương, đặc biệt chịu đựng rất tốt với môi trường lạnh, ít bị dịch bệnh, không tốn công chăm sóc. "Đỉnh điểm, chúng tôi bán được với giá từ 300.000 đến 350.000 đồng/kg. Sau khi bán xong vụ cá này, chúng tôi nhất định sẽ tiếp tục đầu tư nuôi tiếp," ông Phương cho biết thêm.

Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình, cá lăng chấm nuôi trong ao thích ứng tốt với điều kiện nuôi mới, ít dịch bệnh, tỷ lệ sống cao. So với quy trình kỹ thuật nuôi cá Lăng chấm của Viện nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I (sau thời gian nuôi hai năm trọng lượng trung bình đạt 1 - 1,5 kg/con, năng suất đạt 4 - 5 tấn/ha, tốc độ sinh trưởng phát triển cá Lăng chấm của mô hình nuôi thử nghiệm ở trang trại ông Bùi Viết Phương là rất tốt.

Cũng theo Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Quảng Bình, vì nguồn giống cá lăng chấm phải mua ở Trung tâm Quốc gia giống thủy sản nuớc ngọt miền Bắc tỉnh Hải Dương nên chi phí vận chuyển cao và thiếu chủ động. Thời gian nuôi kéo dài (từ hai năm trở lên), chi phí đầu tư cao nên hiện nay chỉ có thể thực hiện ở các trang trại, các công ty thủy sản có tiềm lực.

Tuy là đối tượng mới, thị trường chưa quen sử dụng nhưng cá lăng chấm lại có giá trị dinh dưỡng cao và mang lại nhiều lợi ích cho người nuôi, cung cấp sản phẩm chất lượng cao cho người tiêu dùng. Vì thế, Trung tâm sẽ tiếp tục thực hiện mô hình để có điều kiện tuyển chọn đàn cá hậu bị phục vụ nghiên cứu sản xuất giống; tiến tới hoàn thiện quy trình nuôi cá lăng chấm trong ao đất.

Đồng thời, Trung tâm tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ dân có nhu cầu học hỏi nuôi lăng chấm thương phẩm trong ao đất. Trong tương lai, Trung tâm sẽ thực hiện thêm các loại hình nuôi khác như nuôi lồng, nuôi trên ao cát nhằm tận dụng tiềm năng sẵn có của địa phương.

Việc nuôi thử nghiệm thành công cá lăng chấm thương phẩm trong ao đất đã không những mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần đa dạng hình thức nuôi, mở hướng đi mới cho nghề nuôi cá nước ngọt ở Quảng Bình mà còn góp phần bảo tồn giống cá quý hiếm hoang dã.


Có thể bạn quan tâm

Nuôi Tôm Rạ, Tôm Cỏ Ăn Chắc Nuôi Tôm Rạ, Tôm Cỏ Ăn Chắc

Có thể so sánh mô hình nuôi trồng thủy sản kiểu mới này ở huyện Bình Đại (Bến Tre) cũng giống như mô hình chăn nuôi bằng đệm lót sinh học trong chăn nuôi heo, gà ở các huyện trong tỉnh. Mô hình này có nhiều ưu điểm là ít vốn, an toàn, ăn chắc, bảo vệ môi trường, phù hợp với bà con nông dân khi không đủ vốn để nuôi tôm theo hướng công nghiệp.

01/10/2013
Xây Dựng Thương Hiệu Cho Cá Bống Bớp Ở Nghĩa Hưng (Nam Định) Xây Dựng Thương Hiệu Cho Cá Bống Bớp Ở Nghĩa Hưng (Nam Định)

Với trên 20km bờ biển, vùng bãi triều rộng lớn và nguồn phù sa, vi sinh vật, vi khoáng núi đá vôi vô tận của 2 cửa sông Ninh Cơ và sông Đáy đổ về đã tạo cho huyện Nghĩa Hưng (Nam Định) nhiều lợi thế trong nuôi trồng thủy, hải sản; đặc biệt thích hợp cho sự phát triển, sinh trưởng của cá bống bớp.

02/10/2013
Phát Triển Phong Trào Nuôi Lươn Đồng Phát Triển Phong Trào Nuôi Lươn Đồng

Các hộ dân nghèo không có đất sản xuất nông nghiệp tận dụng các khoản đất trống xung quanh nhà hoặc dưới sàn nhà để thiết kế bể lót bạt ny-lon nuôi lươn, nâng cao thu nhập cho gia đình.

02/10/2013
Nhiều Loại Thủy Sản Đánh Bắt Tự Nhiên Tăng Giá Nhiều Loại Thủy Sản Đánh Bắt Tự Nhiên Tăng Giá

Giá hầu hết các loại thủy sản đánh bắt tự nhiên trong mùa lũ năm nay đều tăng từ 10.000-30.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước.

02/10/2013
Giá Heo Hơi Giảm Giá Heo Hơi Giảm

Tuy nhiên, với tình hình nguồn cung heo hơi đang giảm, nhiều tiểu thương kinh doanh thịt heo dự đoán giá heo hơi sẽ bình ổn chứ khó giảm sâu hơn do thời gian qua có nhiều người nuôi heo bị lỗ đã nghỉ nuôi. Với giá bán heo hơi hiện nay, nhiều người nuôi heo tại TP Cần Thơ cho biết, họ bị lỗ đến phá huề chứ không có lời.

02/10/2013