Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nuôi Sò Huyết Xen Canh Khẳng Định Hiệu Quả

Nuôi Sò Huyết Xen Canh Khẳng Định Hiệu Quả
Ngày đăng: 21/09/2013

Thời gian qua, người dân Đầm Dơi (Cà Mau) khốn đốn mỗi khi tôm nuôi bị dịch bệnh. Nhưng nay họ đã tìm được mô hình nuôi ổn định, mang tính bền vững, đó là mô hình nuôi sò huyết thương phẩm xen canh với cua, tôm. Nhiều hộ nông dân ở xã Quách Phẩm khá lên từ mô hình này.

Sau nhiều năm nuôi tôm, cua kết hợp, cuộc sống gia đình anh Bùi Văn Dũng, ở ấp Ngã Oát, xã Quách Phẩm, thu nhập chỉ tạm đủ nuôi sống gia đình. Năm 2009, anh bắt đầu nuôi thử nghiệm mô hình tôm, cua, sò huyết kết hợp, bước đầu cho hiệu quả.

Từ đó đến nay, với diện tích 1,5 ha, mỗi năm anh Dũng thả nuôi từ 1,3-1,5 tấn sò huyết giống, giá dao động từ 70.000-100.000 đồng/kg, thời gian nuôi từ 6-8 tháng. Mỗi năm anh thu hoạch gần 5 tấn sò huyết thương phẩm, thương lái đến tận nhà mua với giá từ 60.000-80.000 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, gia đình có thu nhập hơn 100 triệu đồng.

Bình quân mỗi năm từ mô hình nuôi tôm - cua - sò huyết, gia đình anh Dũng thu nhập hơn 400 triệu đồng. Riêng năm 2013, gia đình anh thả nuôi hơn 1,3 tấn sò giống, đến nay đã được gần 5 tháng. Sò đạt trọng lượng khoảng 100 con/kg, hứa hẹn một vụ mùa bội thu.

Anh Dũng cho biết: "Nuôi sò huyết ít xảy ra dịch bệnh và khi có dịch thì hộ nuôi vẫn lấy được vốn và có lãi bởi dịch bệnh thường xảy ra ở giai đoạn sò đã lớn từ 4-5 tháng tuổi. Để hạn chế dịch bệnh, người nuôi nên thả thưa và cũng để sò huyết mau lớn”.

Từ kết quả mô hình nuôi sò huyết thương phẩm của anh Dũng, đến nay ấp Ngã Oát có 100/218 hộ tham gia nuôi sò huyết thương phẩm xen canh với tôm, cua. Trong đó có 45 hộ thực hiện nuôi xen canh với diện tích từ 1 ha trở lên.

Gia đình anh Lâm Thanh Nguyên là hộ nghèo ở ấp Bào Hầm, xã Quách Phẩm. Khi lập gia đình, cha mẹ cho được 2 công đất để sản xuất. Năm 2012, anh thả 15 kg sò huyết giống, sau 10 tháng nuôi, anh thu hoạch 60 kg sò huyết thương phẩm, thu lãi hơn 5 triệu đồng.

Năm 2013, anh tiếp tục thả 50 kg sò huyết giống, hiện nay sò đang phát triển tốt. Dự kiến sau 8 tháng sẽ cho thu hoạch 200 kg sò thương phẩm, thu nhập hơn 15 triệu đồng. Kết hợp với nguồn thu từ tôm, cua, mỗi năm gia đình có thu nhập hơn 50 triệu đồng. Năm 2013 anh Nguyên đã làm đơn tình nguyện xin thoát nghèo.

Đến nay, toàn xã Quách Phẩm có hơn 400 hộ nuôi sò huyết thương phẩm xen canh tôm, cua kết hợp. Để duy trì và phát triển mô hình này, tháng 4/2013, Hội Nông dân Đầm Dơi thành lập 2 tổ hợp tác nuôi sò huyết thương phẩm.

Vụ mùa năm 2013, 2 tổ hợp tác này đã thả hơn 3,5 tấn sò giống. Năm 2013, từ nguồn vốn hỗ trợ nông dân của Hội Nông dân tỉnh, 2 tổ hợp tác này được đầu tư hơn 300 triệu đồng, bình quân mỗi hộ vay từ 10-20 triệu đồng để mua sò giống.

Theo tính toán của người dân, bình quân thả 1 tấn sò huyết giống sau 6-8 tháng cho thu hoạch 10 tấn sò thương phẩm, sau khi trừ chi phí người dân sẽ thu lãi hơn 600 triệu đồng.

Kỹ sư Lê Thanh Đăng, cán bộ kỹ thuật Phòng NN&PTNT Đầm Dơi, cho biết: “Đây là mô hình cho hiệu quả đem lại giá trị kinh tế cao. Bởi khi nuôi xen canh, sò có tính năng lọc các chất bùn bã hữu cơ dưới đáy ao, nhằm cải thiện môi trường giúp cho các loài thuỷ sản như tôm, cua phát triển”.

Trước đây bà con ở xã Quách Phẩm nuôi sò huyết chỉ thu gom nguồn con giống tự nhiên, nhưng hiện nay nguồn giống này không ổn định. Và anh Lâm Thanh Điền, ấp Bào Hầm đã ươm vèo thành công con giống từ sò cám lên sò giống tại địa phương.

Sau khi mua sò giống ở Cái Đôi Vàm về vèo trong vuông tôm khoảng 5-6 tháng, sò khoảng 2.000 con/kg, bán với giá 100.000 đồng/kg.

Do sò được thuần dưỡng tại địa phương, phù hợp với nguồn nước, chất lượng con giống bảo đảm, sò nuôi lớn nhanh, vừa giảm chi phí cho bà con. Vì thế, từ đầu năm 2013 đến nay, gia đình anh đã cung cấp hơn 6 tấn sò giống cho bà con trong vùng.

“Thời gian tới, Hội Nông dân huyện sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này, điều tra những hộ nghèo, cận nghèo ít đất, tổ chức đi tham quan mô hình, rút kinh nghiệm để vận dụng cho từng gia đình”, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Đầm Dơi Nguyễn Hoàng Em cho biết.


Có thể bạn quan tâm

Hà Nội Dồn Điền Đổi Thửa Đạt 95,90% Kế Hoạch Hà Nội Dồn Điền Đổi Thửa Đạt 95,90% Kế Hoạch

Đây là thông tin được ông Lê Thiết Cương - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội (Sở NNPTNT Hà Nội) cho biết ngày 1.4.

02/04/2014
Cá Trắm Hồ Tây Giá Nửa Triệu Đồng Vẫn Hút Khách Cá Trắm Hồ Tây Giá Nửa Triệu Đồng Vẫn Hút Khách

Tôm, cá đánh bắt từ hồ Tây (Hà Nội) có giá đắt hơn các loại nuôi trong ao hồ bình thường, nhưng vẫn được mua nhiều, vì… sạch!

02/04/2014
Nghịch Lý Dưa Hấu Việt Xuất Xuôi Và Xoài Đi Ngược Nghịch Lý Dưa Hấu Việt Xuất Xuôi Và Xoài Đi Ngược

Cả 2 mặt hàng nông sản trong nước đang vào chính vụ, nhưng nếu dưa hấu chật vật xuất hàng với giá rẻ thì có nghi án xoài sang Trung Quốc rồi quay ngược về Việt Nam.

02/04/2014
Bỏ Nghề Cơ Khí, Về Nuôi 'Hàng Độc' Bỏ Nghề Cơ Khí, Về Nuôi 'Hàng Độc'

Là thợ cơ khí lành nghề với lương khá cao, nhưng anh Võ Lợi ở Phú Bài (thị xã Hương Thủy, Thừa Thiên Huế) lại bỏ nghề để mở trang trại nuôi chim trĩ, gà Đông Tảo và bồ câu Pháp.

02/04/2014
Hơn 3.500 Tỷ Đồng Từ Tôm Hùm Mỗi Năm Hơn 3.500 Tỷ Đồng Từ Tôm Hùm Mỗi Năm

Khoảng 43.000 lồng bè tôm hùm do người dân canh tác từ Quảng Bình đến Bình Thuận, trung bình mỗi năm đạt doanh thu hơn 3.500 tỷ đồng.

02/04/2014