Nuôi Sò Huyết Trong Vuông Tôm Tăng Thu Nhập Cho Nông Dân Hàm Rồng (Cà Mau)

Không phụ thuộc vào con tôm, nhiều năm qua, hội viên Cựu chiến binh (CCB) ấp Truyền Huấn, xã Hàm Rồng, huyện Năm Căn (Cà Mau) áp dụng thành công mô hình nuôi sò huyết trong vuông tôm.
Người tiên phong thực hiện mô hình này và vận động hội viên CCB cùng thực hiện là Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hàm Rồng Phan Văn Đấu. Đến nay, trong ấp Truyền Huấn có 12 hộ nuôi sò huyết trong vuông tôm, thu nhập hơn 50 triệu đồng/vụ.
Một lời một
Trong cái nắng như cháy da, ông Đấu vẫn trầm mình dưới ao để mò sò. Chỉ sau 10 phút, ông đã mò được hơn 3 kg sò huyết loại 50 con/kg. Ông phấn khởi cho biết: “Tôi mới bán xong 400 kg chỉ trong 1 ngày, số sò còn lại khoảng trên 500 kg thương lái ngày nào cũng gọi điện hỏi mua nhưng tôi chưa bán”.
Ông Đấu cho biết, qua thông tin báo, đài, ông nhận thấy con sò thích nghi tốt trong vuông tôm, nhất là vùng đất có phù sa bồi lắng như quê ông. Vì thế, đầu năm 2012, ông bắt tay vào thực hiện mô hình này và đã thu về trên 20 triệu đồng từ 100 kg sò giống. Năm 2013, qua 7 tháng nuôi, ông thu hơn 1,8 tấn sò thương phẩm, lãi trên 100 triệu đồng. Hiện tại ông đã thu được 40 triệu đồng, nếu tính số sò còn lại trong vuông thì thu nhập cũng trên 40 triệu đồng nữa.
Cũng với mô hình này, ông Thạch Văn Lel, hội viên CCB ấp Truyền Huấn, nhận định: “Mặc dù vốn ban đầu bỏ ra cao nhưng khi nuôi thì 1 lời 1, thậm chí lời 2. Những hộ có kinh nghiệm nuôi, chọn giống tốt thì 1 lời đến 3. Như con giống loại 300 con/kg chỉ sau 7 tháng nuôi, sò đạt trọng lượng 50-60 con/kg; tính ra, 1 kg sò giống cho 5-6 kg sò thương phẩm”. Chính hiệu quả này nên từ 1-2 hộ nuôi ban đầu, hiện nay đã có 12 hộ nuôi và có thu nhập từ 50 triệu đồng/vụ nuôi trở lên.
Nhân rộng mô hình
Theo số liệu tổng hợp của Phòng NN&PTNT huyện Năm Căn, hiện toàn huyện có 30-40% số hộ thả nuôi sò trong vuông tôm, diện tích khoảng 800 ha, tập trung nhiều ở xã Đất Mới, Hàm Rồng, Hiệp Tùng, Lâm Hải...
Ông Thạch Văn Lel thông tin: “Đa số hộ nuôi sò đã trả được nợ ngân hàng. Nhiều hội viên muốn thực hiện mô hình này nhưng còn thiếu vốn và hạn chế về kỹ thuật”.
“Phòng NN&PTNT huyện Năm Căn đang khuyến kích các hộ dân có điều kiện thực hiện nuôi sò huyết trong vuông tôm để nâng cao thu nhập. Đồng thời, thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã để bảo đảm đầu ra cho người nuôi sò. Song song đó, tổ chức hội thảo, tập huấn kỹ thuật cho nông dân”, ông Trương Quốc Duẫn, Phó Phòng NN&PTNT huyện Năm Căn, cho hay.
Thời tiết ngày càng biến đổi, môi trường nuôi ngày càng khó khăn cho con tôm phát triển thì sò huyết đang cho nguồn thu cao và ổn định. Qua đó, tạo thêm lòng tin cho hội viên CCB ấp Truyền Huấn, xã Hàm Rồng tiếp tục phát huy diện tích thả nuôi, nâng cao thu nhập.
Có thể bạn quan tâm

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa ban hành Quy chế Quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Sầu riêng Đạ Huoai”. Theo đó, các tổ chức, cá nhân được cấp Giấy Chứng nhận sử dụng nhãn hiệu “Sầu riêng Đạ Huoai” phải đáp ứng các điều kiện như: sản xuất trên diện tích từ 0,5ha trở lên hoặc hoạt động kinh doanh sản phẩm sầu riêng từ 1.000 kg/ngày trở lên trên địa bàn huyện Đạ Huoai; đảm các tiêu chí chất lượng theo quy định; cam kết tuân thủ nghiêm ngặt và đầy đủ các nội dung sử dụng nhãn hiệu…

Huyện Tân Phú Đông (Tiền Giang) có trên 650 ha mãng cầu Xiêm tập trung tại các xã Tân Phú, Phú Thạnh…. Hơn 1 tuần nay, giá mãng cầu Xiêm tăng mạnh, người trồng thêm phấn khởi.

Từng rất thành công với mô hình trồng táo Đài Loan, gần 3 năm nay, ông Lê Văn Là ở ấp Mắc Miễu, xã Đại Hòa Lộc, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre tiếp tục trồng xen cây đu đủ Đài Loan trong vườn táo với phương châm không để lãng phí diện tích đất, tăng thu nhập trên cùng một diện tích.

Trung bình, mỗi hộ dân trồng xoài tại Đồng Tháp thu về khoảng 186 triệu đồng/năm, với lợi nhuận khoảng 105 triệu đồng/hộ/năm.

Làm nông bây giờ, mỗi hộ tự chọn giống cây trồng, vật nuôi sao cho hiệu quả kinh tế lâu dài đã khó; làm ra sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng, có thương hiệu, đầu ra ổn định lại càng khó hơn. Vậy mà ở huyện Bù Gia Mập (Bình Phước), gia đình anh em nhà họ Dương đã làm được điều tưởng chừng rất khó trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. Đó là anh em anh Dương Nhục Sáng và Dương Mã Dưỡng, ở thôn Đồng Tiến, xã Phước Tân.