Nuôi Sá Sùng Ở Cam Lâm Người Dân Chưa Mặn Mà

Theo một số hộ dân ở Cam Lâm (Khánh Hòa), nuôi sá sùng kết hợp với một vài đối tượng khác trong ao không mất nhiều công chăm sóc và chi phí, lại có thêm thu nhập. Tuy nhiên, họ chưa mặn mà bởi không chủ động được khâu thu hoạch...
Hiệu quả kinh tế
Nhớ lại 7 năm trước, khi ao nuôi tự nhiên xuất hiện sá sùng, ông Nguyễn Văn Bần (tổ dân phố Tân Hải, thị trấn Cam Đức) cho biết: “Hồi đó, trong thôn chưa ai biết nuôi sá sùng, cũng chẳng biết cách ăn, còn nghĩ sá sùng làm ô nhiễm ao nuôi! Vì thế, tôi phải thuê người đào rồi cho không! Vài năm sau mới biết lợi ích của sá sùng, lúc đó tôi thuê đào bán, rồi mua thêm giống về thả”.
Đợt thu hoạch vừa qua, với 3.000m2 ao nuôi, ông Bần thu hơn 70kg sá sùng, bán được 17 triệu đồng. Với 2 vụ nuôi/năm, cộng cả cua, tôm sú, cá dìa, năm ngoái, ông thu lãi tổng cộng 50 triệu đồng, riêng sá sùng lãi 30 triệu đồng. Theo ông Bần, sá sùng nuôi kết hợp không vất vả, không tốn thức ăn, thuốc bệnh, chỉ phải chú ý thay nước ao nuôi.
Ông Đỗ Lập, 1 trong 3 hộ tham gia chương trình thí điểm nuôi sá sùng tại thị trấn Cam Đức của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III cũng thừa nhận, nuôi sá sùng kết hợp tuy không trúng lớn nhưng nhàn và chắc ăn hơn nuôi gà, heo, thích hợp để xóa đói giảm nghèo.
Năm 2013, với diện tích 5.800m2 ao nuôi, trong đó có 2 ô (600m2) được hỗ trợ 30.000 con giống theo chương trình, ông Lập thu lãi 38 triệu đồng, chưa tính nguồn thu từ cá dìa, tôm sú. Theo kinh nghiệm của ông, nếu đáy ao xuất hiện sá sùng tự nhiên thì thả thêm con giống chắc chắn phát triển tốt.
Bên cạnh đó, nhất định phải nuôi sá sùng kết hợp với 1 - 2 giống khác. “Em trai tôi còn khá hơn, có năm thu tới 200kg! Nhưng khá nhất là hộ anh Dũng (tổ dân phố Bãi Giếng Trung), vụ vừa rồi thu 70 - 80 triệu đồng (ao hơn 4.000m2)”, ông Lập cho hay.
Vướng khâu thu hoạch
Khó khăn nhất của người nuôi sá sùng ở Cam Lâm là bên cạnh phụ thuộc giá vào đầu nậu, họ đều không tự thu hoạch được sá sùng nên phải chi phí đáng kể cho khoản tiền công thu hoạch.
Như ông Bần vừa bán cho đầu nậu 190.000 đồng/kg sá sùng (loại 80 - 130 con/kg), nhưng phải trừ lại 60.000 đồng/kg công đào, chỉ thực hưởng 130.000 đồng/kg. Sá sùng quá cỡ chỉ được đầu nậu trả 100.000 đồng/kg, còn trừ một nửa tiền công đào.
Ông Bần đã thử học để tự đào sá sùng, nhưng sá sùng vẫn bị eo (mình thắt lại) nên đầu nậu không thu. Một đầu nậu giải thích, sá sùng bị eo chỉ sống được không quá 24 giờ, còn sá sùng đạt chuẩn có thể sống hàng tuần, đủ thời gian vận chuyển xuất khẩu.
Ông Bần cũng đã thử phơi khô nhưng do không biết cách lộn sá sùng để vệ sinh nên khi sá sùng quắt lại, tỷ lệ hao hụt cao. Ngoài ra, đào sá sùng cần nhanh, phải huy động 5 - 12 người có độ lành nghề ngang nhau nên rất khó tận dụng người nhà.
Chị Hoàng Thị Dung, khuyến nông viên thị trấn Cam Đức thừa nhận, Tân Hải là địa phương tập trung người nuôi sá sùng nhiều nhất Cam Đức (hơn chục hộ), nhưng người nuôi nơi đây chưa mặn mà bởi không chủ động được khâu thu hoạch.
Theo bà Nguyễn Thị Nhặn - Phó Trưởng trạm Khuyến công - nông - lâm - ngư huyện, trên cùng diện tích mặt nước, so với thả nuôi 1 đối tượng, nuôi sá sùng kết hợp vừa không tốn chi phí nuôi, lại góp phần làm sạch môi trường nước, giảm dịch bệnh trong ao...
Đây là chu trình nuôi khép kín, các đối tượng nuôi không cạnh tranh lẫn nhau, bởi sá sùng là giống sống ở đáy ao, ăn chất thải từ các loài khác. Tuy nhiên, ao đìa nuôi sá sùng phải có chất đáy đạt tỷ lệ cát/bùn ngang nhau. Hiện nay, người nuôi chỉ dựa vào kinh nghiệm đơn giản: Ao nào có sá sùng tự nhiên xuất hiện thì thả nuôi thêm sá sùng giống.
Trạm đã nắm bắt được khó khăn của người nuôi sá sùng nhưng hiện chưa hỗ trợ được bởi cán bộ Trạm cũng chưa được hỗ trợ tài liệu hay tập huấn cách thu hoạch. 2 tháng nay, Trạm triển khai thí điểm mô hình nuôi kết hợp sá sùng với cá dìa, tôm sú tại xã Cam Thành Bắc, mỗi năm chọn 1 hộ thí điểm nuôi (trong 2 năm), hỗ trợ 50% con giống với kinh phí 9,5 triệu đồng/hộ. Sau khi sơ kết, Trạm mới có đánh giá cụ thể và hướng tháo gỡ.
Được biết, các hộ nuôi đang có xu hướng chuyển sang nuôi sá sùng quá cỡ vì tuy giá thu mua thấp nhưng do nặng gấp 4 lần sá sùng đạt chuẩn nên sá sùng quá cỡ vẫn cho thu nhập cao hơn.
Cam Lâm hiện có khoảng 30 - 50 hộ nuôi sá sùng, tập trung chủ yếu ở Cam Đức, ngoài ra còn ở Cam Thành Bắc, Cam Hải Đông. Từ năm 2013, 3 hộ dân ở Cam Đức đã tham gia chương trình thí điểm nuôi sá sùng của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III. Ước tính, với 300m2 ao nuôi, người nuôi lãi 15 - 20 triệu đồng/vụ.
Có thể bạn quan tâm

Từ năm 2010, giống thanh long này mới được một số gia đình ở huyện Xuyên Mộc đưa về trồng thử đến nay đã phát triển ra nhiều hộ trồng với quy mô lớn. Nhìn chung, giống thanh long “Long Định 1” thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của tỉnh, sinh trưởng tốt, ra hoa tập trung và có tỷ đậu trái cao, chất lượng hơn hẳn giống thanh long thông thường.

Một hai năm trở lại đây, tình hình xuất khẩu ở tỉnh không thuận, nhất là ở nhóm hàng nông, thủy sản. Việc sụt giảm kim ngạch, gián đoạn thị trường hoặc mất thị trường đã xảy ra.

Qua kiểm tra, phần lớn các cơ sở đều chấp hành các quy định của pháp luật, tuy nhiên, đoàn cũng đã nhắc nhở 4 cơ sở cần phải thường xuyên kiểm tra lại hàng hóa, kịp thời phát hiện các mặt hàng đã hết hạn sử dụng để tiêu hủy hoặc trả về cho doanh nghiệp, đồng thời niêm yết giá đúng theo thị trường, mua bán phải xuất hóa đơn, chứng từ rõ ràng, tránh mua bán các mặt hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Hợp tác xã (HTX) Sản xuất và Tiêu thụ rau an toàn xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự đang liên kết tiêu thụ với Siêu thị Vinafood Mart TP.Cao Lãnh với số lượng 30 - 50kg rau củ an toàn các loại mỗi ngày. Đồng thời, đơn vị cũng hướng đến hợp đồng cung cấp nông sản cho Siêu thị Coop Mart TP.Hồ Chí Minh với số lượng vài chục kí rau màu mỗi ngày.

Đây là năm thứ 3 liên tiếp, giá cao su xuất khẩu giảm, đặc biệt, tại các thị trường chủ lực giảm mạnh cả khối lượng lẫn giá trị. Làm gì để “cứu” giá cao su xuất khẩu là vấn đề bức xúc hiện nay.