Nuôi Lươn Trong Bể Xi Măng Cho Thu Nhập Cao

Mô hình nuôi lươn trong bể xi măng đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình anh Phạm Văn Thức, ấp Liên Lộc, xã Xà Bang (huyện Châu Đức, Bà Rịa - Vũng Tàu). Từ kết quả ban đầu đạt được, anh Thức đang có kế hoạch đầu tư mở rộng tại nhà, đồng thời xin thành lập HTX để huy động nhiều người cùng tham gia.
Sau thời gian tham gia lớp tập huấn nuôi lươn do Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh tổ chức và học hỏi kinh nghiệm tại các tỉnh miền Tây, anh Phạm Văn Thức, ấp Liên Lộc, xã Xà Bang (huyện Châu Đức) đã đầu tư 120 triệu đồng xây dựng 15 hồ nuôi lươn thịt, lươn giống với diện tích khoảng 200m2. Vận dụng những kiến thức có được đồng thời vừa làm vừa rút kinh nghiệm, sau hơn một năm nuôi, những bể lươn đầu tiên đã thành công ngoài sự mong đợi của anh. Mới đây nhất, đầu tháng 10 vừa qua, anh đã xuất gần 8 tạ lươn thịt, với giá 128.000 đồng/kg. Trừ các khoản chi phí con giống, thức ăn, nhân công… anh Thức thu lãi 70 triệu đồng. Anh Thức cho biết, đối với lươn thịt thì nuôi khoảng 4-6 tháng là xuất được, còn lươn giống thì nuôi khoảng 2 tháng là bán. Con giống thì anh gom mua từ các tỉnh miền Tây do người dân đánh bắt thiên nhiên, với giá khoảng 130.000 đồng/kg. Nuôi lươn không quá khó, chỉ mất thời gian khoảng vài tháng đầu là phải chăm sóc cẩn thận, chú ý điều chỉnh nước, độ pH… Về diện tích nuôi, người dân có thể tận dụng đất vườn để xây bể. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ lươn lại rất tiềm năng và mang lại giá trị kinh tế cao. Hiện tại, lươn thịt và lươn giống của trang trại anh Thức được xuất đi ở các tỉnh từ Quảng Nam trở vào.
Nhận thấy đây là mô hình sản xuất tiềm năng, anh Thức đã có kế hoạch sẽ đầu tư thêm 250 triệu đồng để xây 32 hồ nuôi lươn thịt và khu sinh sản. Với việc đầu tư khu sinh sản này sẽ tiết kiệm được chi phí vận chuyển lươn giống và quan trọng tránh được tình trạng hao hụt. Bởi hiện nay, nguồn lươn giống chủ yếu là từ đánh bắt lươn con trong tự nhiên. Thế nhưng, do lươn giống bị đánh bắt bằng nhiều cách khác nhau trong đó có cả bằng xung điện, mồi thuốc nên con giống không đồng đều, tỷ lệ hao hụt lớn, hiệu quả nuôi chưa cao. Hiện tại, anh Thức đang tập trung cho mẻ lươn mới, dự kiến sẽ được xuất vào dịp Tết năm nay với khoảng 1,5 tấn lươn thịt và hơn 1 tấn thịt lươn giống.
Cùng với mô hình nuôi lươn, anh Thức cũng đang nuôi gần 22 tấn trùn quế trên diện tích khoảng 300m2. Đây là một loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, không những dùng để làm thức ăn cho lươn mà còn đủ cung cấp bán cho các hộ nuôi tôm, trại nuôi gà... Anh Thức tính toán, với cách làm này, trung bình mỗi tháng gia đình anh thu lãi hơn 40 triệu đồng từ tiền bán lươn thịt, lươn giống và trùn quế.
Để nhân rộng mô hình nuôi lươn, anh Thức đang hoàn tất các thủ tục để thành lập hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Châu Đức, trong đó mô hình nuôi lươn là chủ đạo. Dự kiến, tháng 11 này sẽ ra mắt HTX với 9 xã viên, số vốn điều lệ 3 tỷ đồng. Hiện tại, 9 xã viên này cũng đang nuôi lươn trong địa bàn xã, tuy nhiên mô hình nhỏ, thị trường đầu ra không ổn định. Vì thế, việc thành lập HTX sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho họ trong việc tìm kiếm thị trường, đồng thời được cung cấp con giống bảo đảm, tránh tình trạng phải mua trôi nổi trên thị trường.
Có thể bạn quan tâm

Trong những năm qua, nghề nuôi vịt đã được nhiều hộ nông dân trên địa bàn TX Quảng Yên (Quảng Ninh) triển khai và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên giống vịt của các hộ trên địa bàn chủ yếu là vịt cỏ, bầu cánh trắng, vịt kakicampel nên chậm lớn, thời gian nuôi kéo dài, chi phí đầu tư cao.

Nhưng đến nay, sau hơn 1 năm triển khai trồng thí điểm, dự án được đoàn kiểm tra của Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cùng Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện đánh giá không đạt yêu cầu do có đến 30% diện tích cà phê trồng thí điểm bị chết, diện tích cây cà phê còn sống phát triển chậm.

Trên địa bàn ngoại thành TP.HCM và các tỉnh lân cận đã hình thành nhiều mô hình chăn nuôi “sạch” để có những sản phẩm thịt an toàn. Tuy nhiên, vẫn còn rất ít các sản phẩm như thế đến với người tiêu dùng do khâu quảng bá.

Từ việc thử nghiệm thành công mô hình trồng cây đương quy, vụ đông xuân năm 2013 - 2014, huyện Bát Xát (Lào Cai) hỗ trợ 520 hộ dân ở 6 xã của huyện, gồm: Y Tý, Nậm Pung, Pa Cheo, Bản Xèo, Nậm Chạc, A Mú Sung mở rộng diện tích trồng cây dược liệu đương quy lên 36 ha.

Dù giữa trưa, trời nắng chang chang nhưng nhiều nông dân xã Xuân Đông (huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai) vẫn ở ngoài ruộng chăm sóc và thu hoạch rau cải bắp, cải muối dưa. Những gương mặt mồ hôi đầm đìa vẫn cười tươi rói cho biết năm nay rau Xuân Đông trúng mùa.