Nuôi Lợn Rừng Thu Lãi Cao

Chỉ sau một thời gian ngắn nhân giống lợn rừng, ông Trương Văn Năm thôn Lục Liễu, xã Đạo Trù (huyện Tam Đảo - Vĩnh Phúc) đã trở thành chủ nhân của một trang trại lợn rừng rộng tới 8ha với hơn 100 con, bao gồm cả lợn sinh sản, lợn phối giống và lợn giống.
Năm 2008, sau khi tham quan một cơ sở nuôi lợn rừng ở xã Ngọc Thanh (Phúc Yên) cùng đoàn khuyến nông của tỉnh, ông Năm quyết định dồn toàn bộ số tiền dành dụm được lên Hà Giang mua 2 con lợn giống (1 con đực và 1 con cái) với giá 3 triệu đồng/con về nuôi thử nghiệm. Sau hai tháng, do chưa có nhiều kinh nghiệm chăn nuôi lợn rừng, con cái bị bệnh và chết.
Không nản chí, với suy nghĩ “thất bại là mẹ của thành công”, muốn làm giàu phải biết chấp nhận thất bại, ông Năm mạnh dạn bàn với vợ vay 50 triệu đồng của Ngân hàng Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn để tiếp tục mua thêm giống, xây dựng chuồng trại, đào hào xung quanh, quây rào bằng lưới sắt B40 để mở rộng mô hình trang trại lợn.
Là người năng động, ham học hỏi, ông Năm tham gia tất cả các chương trình khuyến nông của xã về mô hình chăn nuôi lợn rừng để tích luỹ kiến thức và học hỏi kinh nghiệm. Bên cạnh đó, với bản tính dám nghĩ dám làm, cần cù chịu khó, ông Năm còn tự tìm tòi nghiên cứu thêm các tài liệu, vừa nuôi, vừa rút kinh nghiệm để thực hiện ước mơ làm giàu từ nuôi lợn rừng.
Ông cho biết: Lợn rừng dễ nuôi hơn lợn nhà. Lợn rừng có sức đề kháng tốt nên ít dịch bệnh (thường mắc chứng bệnh đi ngoài hoặc viêm phổi vào mùa đông và chỉ cần tiêm thuốc là khỏi). Lợn rừng cũng là loài ăn tạp, thức ăn chủ yếu là cám gạo, ngô, rau xanh... nên rất dễ nuôi và ít tốn kém.
Tính đến nay, trang trại lợn rừng của ông có 20 con lợn sinh sản, 2 con lợn phối giống và hơn 80 con lợn thịt. Lợn rừng dễ bán bởi thịt ngon, lớp da dày, ăn giòn, có vị bùi và thơm đặc trưng. Đầu ra và giá cả thịt lợn rừng cũng luôn ổn định và cao hơn nhiều so với giá lợn nhà, khoảng 120.000 đồng – 140.000 đồng/kg. Mỗi năm, ông Năm bán không dưới 700 triệu đồng tiền bán lợn và thu lãi khoảng 150 – 200 triệu đồng. Ông tâm sự: “Nếu chịu khó học hỏi, nuôi lợn rừng sẽ cho thu lãi cao”.
Trang trại nuôi lợn rừng của ông Năm hiện nay đã được rất nhiều người biết và đến tìm hiểu học tập. Lợn rừng giống và lợn rừng thịt của gia đình ông đều có khách hàng tự tìm đến mua chứ ông không phải đi chào hàng, thậm chí nhiều lúc còn không đủ lợn để bán.
Hơn nữa, khi mọi người đến tham quan học tập, ông luôn cởi mở chia sẻ về cách chọn lợn thịt ngon và cách nuôi lợn giống sao cho đạt hiệu quả kinh tế cao. Ông tâm sự: “Điều cần lưu ý nhất khi nuôi lợn rừng là điều chỉnh làm sao để mỗi tháng lợn chỉ tăng từ 2 – 2,5 kg/con. Nếu tăng ít hơn, lợn sẽ bị gầy, mất ngon. Nếu tăng nhiều hơn, thịt sẽ nhiều mỡ, không đảm bảo độ dai, giòn. Kinh nghiệm của ông là khi lợn nuôi được khoảng 10 – 15 kg, ông chỉ cho ăn 3 lạng cám xát/ngày.
Lợn rừng ngon thì tai thường nhỏ, mõm dài, chân dài, bụng bé và lông cứng”. Nói về dự định sắp tới, ông Năm cho biết sẽ tiếp tục phát triển thêm đàn lợn với khoảng 30 lợn sinh sản, 5 lợn đực giống và 300 lợn thịt, lợn giống để cung cấp được nhiều hơn cho nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Lợn rừng hiện nay còn được nuôi ở rất nhiều tỉnh thành trong cả nước và thịt lợn rừng luôn được xếp vào hàng đặc sản.
Có thể bạn quan tâm

Đến cuối tháng 8, diện tích cây ăn trái trong tỉnh Hậu Giang đã tăng hơn cùng kỳ năm trước gần 400ha và đang ở mức 29.204ha. Các cây trồng có xu hướng tăng diện tích là cam, quýt do người dân thấy gần đây giá cả có nhiều thuận lợi cho nhà vườn.

Để chuẩn bị cho mô hình này, từ năm 2013, Hội Nông dân phường Vĩnh Phú đã tổ chức nhiều lớp tập huấn và tham quan mô hình chăn nuôi thỏ công nghiệp tại TX.Bến Cát, TX.Tân Uyên cho 50 lượt hộ nông dân. Qua sàng lọc danh sách, phường đã chọn 6 hộ có hoàn cảnh khó khăn để hỗ trợ kỹ thuật, con giống thực hiện thí điểm.

Những năm gần đây, chăn nuôi Dak Lak phát triển ổn định, riêng 9 tháng năm 2014, tổng đàn gia súc đã phát triển lên gần 897.000 con, trong đó đàn trâu 33.962 con; bò 166.788 con, bò lai chiếm 13,76% tổng đàn, riêng đàn bò sữa hiện có 93 con, trong đó bò cái cho sữa 57 con, chiếm 61,3 % tổng đàn bò sữa; đàn heo trên 696.000 con, tỷ lệ heo nái chiếm 12,47% tổng đàn, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 46.426 tấn; đàn gia cầm 8.675.771 con.

Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, tổng sản lượng thủy sản 8 tháng đầu năm ước đạt trên 4 triệu tấn, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó sản lượng khai thác ước đạt gần 1,9 triệu tấn, tăng 4,6%, sản lượng nuôi trồng ước đạt trên 2 triệu tấn, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Sau một thời gian dài giá giảm mạnh, nông dân Bến Tre đổ xô đốn bỏ cây ca cao, đến nay, đầu ra của loại cây này rất ổn định, giá cao. Đặc biệt, những khu vườn được cấp chứng nhận UTZ cho thu nhập cao hơn cả cây dừa - cây trồng chính của các nhà vườn Bến Tre.