Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nuôi Hươu Lấy Nhung Hướng Đi Mới Cho Nhà Nông

Nuôi Hươu Lấy Nhung Hướng Đi Mới Cho Nhà Nông
Ngày đăng: 11/07/2014

Nuôi hươu lấy nhung đang là mô hình khá mới ở tỉnh Gia Lai. Được triển khai từ đầu năm 2013 tại huyện Chư Pah (thuộc dự án ứng dụng khoa học công nghệ cấp huyện), đến nay, mô hình này đã bước đầu cho thấy những hiệu quả nhất định, tạo sự phấn khởi nơi người chăn nuôi.

Theo ông Phạm Minh Châu-Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pah, hươu là động vật bán hoang dã, có thể nuôi nhốt trong chuồng trại gia đình, ít bệnh tật, có khả năng chống chịu bệnh cao và ít gây tác hại tới môi trường.

Thức ăn của chúng cũng dễ tìm, chủ yếu là các loại lá, quả có sẵn trong vườn, rừng hay phế phẩm nông nghiệp…

Nhung hươu là sản phẩm có giá trị kinh tế và sinh học cao, có tác dụng bồi bổ, nâng cao sức khỏe cho con người. Việc đưa ứng dụng khoa học công nghệ trong việc nuôi hươu sao thay thế cho các loài vật nuôi khác trên địa bàn huyện vừa góp phần bảo vệ động vật hoang dã vừa đem lại lợi nhuận và tăng thêm thu nhập cho người dân.

Dự án được triển khai tại thị trấn Ia Ly với tổng kinh phí đầu tư là 170 triệu đồng, trong đó, 120 triệu đồng từ nguồn vốn sự nghiệp khoa học công nghệ và 50 triệu đồng do nhân dân đóng góp.

Đối tượng được lựa chọn tham gia mô hình là các hộ có kinh nghiệm trong chăn nuôi gia súc, có điều kiện kinh tế và tâm huyết với dự án, sẵn sàng tạo điều kiện cho các hộ dân khác trên địa bàn học tập kinh nghiệm.

Ban đầu, bà con sẽ được cán bộ kỹ thuật tập huấn kiến thức, hướng dẫn làm chuồng trại, cách chăm sóc hươu đực, hươu cái, hươu mang thai về thời gian, phương pháp cho ăn, phòng và điều trị một số bệnh thường gặp; cùng với đó là cách tận dụng thức ăn có sẵn và kỹ thuật lấy nhung hươu.

Kế đến, mỗi hộ được dự án hỗ trợ 100% chi phí con giống với 4 con hươu trưởng thành (3 hươu cái có trọng lượng trung bình từ 25 kg đến 40 kg/con, 1 hươu đực có trọng lượng 40-50 kg).

“Chúng tôi lấy giống từ trại giống ở Công viên Đồng Xanh (thuộc Công ty Cổ phần Văn hóa Du lịch Gia Lai CTC) chứ không lấy ở ngoài tỉnh. Bởi lẽ, những con hươu ở đây đã cơ bản thích nghi với điều kiện khí hậu của địa phương, giúp bà con dễ nuôi hơn”- ông Châu cho biết thêm.

Bỏ qua đợt nhung đầu tiên, đến nay gia đình ông Trần Văn Hồng (thôn Ia Lâm, thị trấn Ia Ly) đã tiến hành lấy nhung hươu được 2 lần với tổng cộng 1 kg, thu về 25 triệu đồng. Ba con hươu cái cũng đã sinh sản được 3 hươu con (con lớn nhất đã 6 tháng tuổi).

Nhận thấy hiệu quả khả quan, tháng 3-2014, ông Hồng quyết định đầu tư mua thêm 3 con giống (2 đực, 1 cái) với giá từ 15 triệu đồng đến 17 triệu đồng/con. Ông Hồng phấn khởi nói: “So với bò, dê, hươu dễ nuôi hơn nhiều mà giá trị kinh tế lại cao. Chúng không kén thức ăn, chỉ cần lá cây, rau cỏ trong vườn hay phế phẩm nông nghiệp...

Hơn nữa, từ ngày nhận nuôi đến nay, hươu không hề đau bệnh, chỉ cần giữ vệ sinh chuồng trại sạch sẽ là được. Duy nhất một nhược điểm cần lưu ý, đó là hươu khá nhút nhát nên chuồng trại phải hơi kín đáo, các con đực phải được nhốt riêng để tránh húc nhau”. Hiện, ông Hồng có tất cả 5 ô chuồng và 1 sân chơi tắm nắng, tắm bùn cho hươu.

Tương tự, ông Nguyễn Văn Cứ (thôn Ia Sir, thị trấn Ia Ly) cũng chia sẻ: “Gia đình tôi nuôi dê đã lâu nên cũng có nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi gia súc. Khi nghe phổ biến dự án, tôi đăng ký với mong muốn thử sức với loài vật nuôi mới này. Sau 1 năm gắn bó, tôi thấy việc nuôi hươu cũng khá thuận lợi và dễ dàng. Hươu đực đã cho nhung 1 lần, hươu cái cũng đã sinh sản được 1 hươu con, số còn lại đang mang thai”.

Riêng về nhung hươu, ông Hồng cho hay: Qua theo dõi, quan sát trong quá trình nuôi cũng như nghiên cứu trên sách, báo và internet, tôi được biết, nhung từ khi mọc đến khi cắt cỡ 45-55 ngày, khoảng cách giữa 2 lần thu hoạch là 3 tháng. Vào mùa cắt nhung cần cho hươu ăn thêm tinh bột và lá cây có nhiều nhựa thì chất lượng nhung sẽ tốt hơn.

Hiện nay, nhu cầu mua nhung hươu trên thị trường cả nước nói chung và tỉnh ta nói riêng khá lớn, dẫn cung không đủ cầu. Do đó, nuôi hươu lấy nhung hứa hẹn sẽ là một hướng đi mới trong chăn nuôi, giúp bà con nông dân vươn lên lên làm giàu chính đáng.


Có thể bạn quan tâm

Hạ Hòa Khắc Phục Khó Khăn Trong Sản Xuất Vụ Đông Hạ Hòa Khắc Phục Khó Khăn Trong Sản Xuất Vụ Đông

Trong những năm gần đây diện tích ngô vụ đông trên địa bàn huyện Hạ Hòa giảm dần. Nguyên nhân do yêu cầu khắt khe về thời vụ, ngô phải gieo trước ngày 30-9, trong khi đó lao động đi làm ăn xa, hoặc chọn công việc khác thu nhập cao hơn dẫn đến thiếu lao động khi vào mùa vụ. Hơn nữa, thời điểm thu hoạch lúa mùa, gieo trồng ngô đông thường mưa nhiều nên cũng làm chậm tiến độ sản xuất.

27/11/2014
Thực trạng quản lý các nông, lâm trường thất thoát đất nghiêm trọng Thực trạng quản lý các nông, lâm trường thất thoát đất nghiêm trọng

Tham gia đoàn giám sát chúng tôi thấy rất thấm thía về thực trạng hoạt động của các nông, lâm trường. Sau khi rà soát đánh giá thấy tình trạng thất thoát quỹ đất và tài sản của Nhà nước khá nghiêm trọng, kể cả với cơ quan chuyển đổi

29/08/2015
Chống giả mạo khoai tây Trung Quốc thành khoai Đà Lạt Chống giả mạo khoai tây Trung Quốc thành khoai Đà Lạt

Ngày 27.8, UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, vừa chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra xử lý hành vi gian lận thương mại biến khoai tây Trung Quốc thành khoai Đà Lạt.

29/08/2015
Lợi nhuận doanh nghiệp cá tra tụt dốc Lợi nhuận doanh nghiệp cá tra tụt dốc

Xuất khẩu giảm, giá cả trên thị trường thế giới cạnh tranh, chi phí tài chính tăng... khiến nhiều doanh nghiệp cá tra giảm lãi tới vài trăm phần trăm, thậm chí lỗ.

29/08/2015
Cận cảnh tàu cá vỏ thép đầu tiên tại Bình Định trị giá hơn 17 tỷ đồng Cận cảnh tàu cá vỏ thép đầu tiên tại Bình Định trị giá hơn 17 tỷ đồng

Sau 128 ngày, tàu cá vỏ thép mang tên Hải Cảng 1 đã được công ty TNHH MTV đóng Tàu Cam Ranh (thuộc Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam) thi công hoàn thành và bàn giao cho ngư dân Nguyễn Việt Hằng (TP Quy Nhơn, Bình Định).

29/08/2015