Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nuôi Heo Thả Rông Thói Quen Cần Phải Thay Đổi

Nuôi Heo Thả Rông Thói Quen Cần Phải Thay Đổi
Ngày đăng: 17/02/2014

Phát triển chăn nuôi heo là một trong những lĩnh vực kinh tế chủ lực, cần thiết trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhằm từng bước tạo thu nhập, cải thiện đời sống. Tuy nhiên, tập tục nuôi heo thả rông của đồng bào đã gây nên những hệ lụy xấu, cần phải thay đổi…

Hệ lụy “kép”

Với đa phần bà con dân tộc thiểu số vùng cao Quảng Ngãi, việc nuôi heo thả rông đã trở thành tập quán từ xa xưa. Heo tự đi kiếm thức ăn, tự tìm chỗ ngủ, gần như không có bàn tay chăm sóc của người nuôi. Cách nuôi này không mang lại hiệu quả kinh tế lại gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Chúng tôi về các khu dân cư Nước Đốp, thôn Ra Manh xã Sơn Long (Sơn Tây) vào những ngày giáp Tết. Trời rét kèm theo mưa nặng hạt. Người dân không ra rẫy quây quần giữa sàn nhà xem tivi. Thông tin cảnh báo được kênh truyền hình nông nghiệp phát đi nhắc nhở người dân tăng cường bảo vệ đàn gia súc trong mùa đông.

Thế nhưng ông Đinh Văn Rốp khu dân cư Nước Đốp vẫn thản nhiên bảo: “Heo nuôi thả rông quen rồi, nhốt nó sẽ phá chuồng. Thả cho nó đi kiếm ăn, nhốt phải nấu rau cám, mệt, tốn kém”.

Ngoài hiên, đàn heo con nhà ông Rốp đứng co ro, lông dựng đứng, da tím tái, bụng tóp rọp. Có lẽ chúng khó mà qua khỏi mùa đông năm nay.

Ông Đinh Văn Chuông, trưởng khu dân cư Nước Đốp bảo: Bà con họ nuôi heo thả đi chơi quen rồi, có nhắc nhở họ cũng chẳng chịu nhốt. Họ lấy lý do không có tiền làm chuồng, không biết nấu thức ăn cho heo, nên phải thả heo ra cho nó… sống! Thậm chí đã nhiều lần cán bộ xã Sơn Long đi bộ ròng rã hàng chục cây số đường rừng về khu dân cư Nước Đốp để giúp người dân chặt cây, làm chuồng; hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, bảo vệ đàn heo nhưng khi cán bộ đi rồi thì đâu lại vào đấy.

Ông Phạm Hồng Khuyến – Chủ tịch UBND xã Sơn Long bảo: Nuôi heo theo cách thả rông heo còi cọc, dễ bị bệnh. Khi bị bệnh rất dễ lây lan chết hàng loạt. Hơn nữa, heo thả rông còn thải phân bữa bãi, dễ gây nên các mầm bệnh cho người, gia súc khác.

Dạy và học cách nuôi heo “chuẩn”

Tại các huyện miền núi vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, mấy năm nay, ngân sách tỉnh và Trung ương đầu tư không ít cho công tác khuyến nông, đặc biệt là tập huấn kỹ thuật chăn nuôi heo.

Mỗi mô hình đưa vào thực hiện đều chuẩn bị rất bài bản từ khâu tập huấn kỹ thuật, làm chuồng, chọn giống, thả nuôi, chăm sóc thú y… Thế nhưng hầu hết các mô hình này hiệu quả chưa tương xứng với mức đầu tư tiền của, công sức.

Đối với ngành chức năng, quy trình nuôi heo Móng Cái sinh sản có lẽ đã được xây dựng thành bài giảng từ lâu. Việc tập huấn truyền tải những kiến thức này, giúp người dân, đặc biệt là người nghèo áp dụng khá thành công ở một số địa phương vùng đồng bằng, trung du trong tỉnh.

Thế nhưng đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao cần thiết lại không mấy hiệu quả. Nguyên nhân xuất phát từ cả hai phía, người dạy và người học.

Chúng tôi đã có dịp được tiếp cận với tập tài liệu dày đến vài chục trang mô tả rất kỹ lưỡng các bước trong chăn nuôi heo Móng Cái sinh sản nhưng quả thực sau khi đọc xong khó lòng mà nhớ nổi. Từ ngữ nặng tính khoa học không phù hợp với trình độ có hạn của người dân.

Về phía người học, không biết có phải vì thói quen chăn thả rông đã ăn sâu vào tiềm thức hay không nhưng rất nhiều người sau khi “học bài” rồi vẫn không thực hiện theo phương pháp chăn nuôi cải tiến - chăn nuôi heo nhốt chuồng.

Thậm chí, gần đây, chương trình giảm nghèo của tỉnh đã đầu tư “trọn gói” chăn nuôi heo Móng Cái sinh sản cho một số địa phương trong tỉnh. Từ tập huấn kỹ thuật, cấp heo giống, cấp tiền làm chuồng, cử cán bộ thú y cùng với người dân chăm sóc trong suốt quá trình thả nuôi…

Thế nhưng hiệu quả mang lại còn nhiều hạn chế. Cá biệt, cùng là nuôi heo nhưng heo “dự án” thì nuôi nhốt chuồng, còn heo hộ dân tự đầu tư thì thả “đi chơi”. Kết quả con heo trong chuồng mau lớn, không mắc bệnh, không thải phân bừa bãi, bán thu nhiều tiền hơn, nhưng khi dự án kết thúc thì chính hộ dân này lại vẫn lựa chọn cách… nuôi heo thả rông!

Biết rõ nuôi heo thả rông heo sẽ còi cọc, chậm lớn, hiệu quả kinh tế rất thấp; môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng nhưng người dân vùng cao vẫn chưa sẵn sàng thay đổi. Bởi thế, việc giúp họ từ bỏ thói quen không tốt này càng trở nên khó khăn hơn, không chỉ có ngành chức năng tổ chức tập huấn là được mà phải có sự vào cuộc của các cấp chính quyền, đoàn thể.


Có thể bạn quan tâm

Cách Phòng Chống Bệnh Đốm Trắng Trên Tôm Biển Cách Phòng Chống Bệnh Đốm Trắng Trên Tôm Biển

Theo kết quả quan trắc môi trường của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Bến Tre, từ tháng 6-2014 đến nay, ở hầu hết các điểm thu mẫu giáp xác ngoài kênh rạch tự nhiên trên địa bàn Bình Đại, Ba Tri và Thạnh Phú đều phát hiện nhiễm mầm bệnh đốm trắng với tần suất ngày càng cao, đặc biệt là bệnh đốm trắng (WSSV).

03/09/2014
Cẩn Trọng Với Táo Trung Quốc Cẩn Trọng Với Táo Trung Quốc

Mới đây, Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa công bố, 7 tháng đầu năm, lượng táo nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm trên 58% so với hàng nhập khẩu từ nước khác. Thông tin này làm người tiêu dùng không khỏi băn khoăn bởi lượng táo TQ nhập nhiều như vậy đã đi đâu?

22/08/2014
Nỗi Lo Từ Nghề Lưới Lừ Nỗi Lo Từ Nghề Lưới Lừ

Khai thác thủy sản bằng lưới lừ không mang tính chất huy diệt như giả cào, xung điện nhưng lại làm cho nguồn lợi thủy sản suy giảm một cách nghiêm trọng. Vấn đề này đã và đang trở thành mối lo ngại của chính quyền địa phương.

03/09/2014
Một Con Bò Sữa Hơn Cả Hecta Lúa Một Con Bò Sữa Hơn Cả Hecta Lúa

Huyện Lâm Hà nằm kế cận trung tâm chăn nuôi bò sữa của tỉnh là Đơn Dương. Ấy nhưng, suốt vài chục năm qua, khi nông dân ở “trung tâm bò sữa” - Đơn Dương ăn nên làm ra trông thấy từ con vật nuôi này, thì Lâm Hà xem ra vẫn... bình chân như vại trước một cơ hội làm giàu từ con bò sữa.

22/08/2014
Nhân Rộng Mô Hình Vùng Nuôi Tôm Biển An Toàn Dịch Bệnh Ở An Đức (Bến Tre) Nhân Rộng Mô Hình Vùng Nuôi Tôm Biển An Toàn Dịch Bệnh Ở An Đức (Bến Tre)

Tháng 7-2013, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre đã xây dựng mô hình vùng nuôi tôm an toàn dịch bệnh ở xã An Đức, huyện Ba Tri. Vùng nuôi được triển khai ở ấp 9 với tổng diện tích 100ha, phù hợp với qui hoạch của địa phương, giao thông, thủy lợi thuận lợi.

03/09/2014