Nuôi Heo Rừng Ở Lý Sơn (Quảng Ngãi)

Những tưởng vùng biển đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) chỉ có gió, sóng và sản vật từ biển, nhưng rất lạ ở nơi này còn nuôi được heo rừng – vật nuôi chỉ thường nuôi ở vùng núi, trung du. Dẫu chưa phải là phổ biến song việc con heo rừng đang thích ứng tốt với điều kiện sống ở đây như một thí nghiệm hay cần được tiếp tục nghiên cứu…
Heo rừng lần đầu tiên được nuôi trên đảo Lý Sơn tại đơn vị Trạm Rada 550. Ý tưởng nuôi heo rừng là của Ban Chỉ huy trạm. Thượng tá Hồ Bá Trung – Trạm trưởng Trạm Rada 550 cho biết: Nơi đơn vị đóng quân do nhiệt độ cao, thiếu nước, nên nuôi con gì, trồng cây gì cũng khó sống.
Anh em trong đơn vị nghĩ chắc con heo rừng có khả năng thích ứng với điều kiện tự nhiên ở đây, nên đặt mua 2 con heo rừng lai về nuôi. “Sau khi thả nuôi, heo lớn nhanh. Thức ăn dễ kiếm, chỉ là canh, cơm thừa, rau già, cỏ dại. Sau một thời gian, heo đẻ ra 4 heo con. Đơn vị quyết định để nuôi hết”.
Khuôn viên nuôi heo rừng của đơn vị được bố trí theo cách rất “thiên nhiên”, đá lởm chởm, có gốc cây làm bóng mát. Cả ngày heo cứ leo núi ủi đất, đói lại tìm cỏ, rau, cơm thừa đổ sẵn trong máng để ăn. Tối đến, kéo nhau về ngủ trong căn chuồng nhỏ xây bằng gạch, đúc mái nằm ở góc khuất gió. Cứ thế, ngày qua ngày, những con heo rừng lớn lên, sinh sôi thành đàn.
Cuối năm 2013, Cơ quan quân sự huyện Lý Sơn cũng quyết định nuôi thử nghiệm 4 con heo rừng dưới chân núi sát doanh trại. Heo được chăm sóc kỹ lưỡng, cộng với môi trường sống được bố trí tự nhiên nên heo sống khỏe, lớn nhanh. Từ 4 con heo ban đầu, sau một thời gian, hai con heo cái đã đẻ ra thêm một đàn heo con gần 20 con. Tất cả đàn heo con được đơn vị đưa vào nuôi để mở rộng mô hình này.
Hằng ngày, các chiến sĩ của đơn vị tranh thủ thời gian rảnh xuống núi cắt cỏ cho heo. Để chuẩn bị thức ăn cho đàn heo rừng, các anh em trong đơn vị đã trồng thêm mì, cỏ voi, rau lang nhằm đảm bảo heo không bị “đứt bữa”.
Trạm trưởng Trạm Rada 550 Hồ Bá Trung bảo: “Nuôi heo rừng chủ yếu là để tăng chất lượng cuộc sống, cải thiện bữa ăn trong ngày lễ, tết cho anh em đơn vị. Thú thực, cũng là thịt heo nhưng thịt heo rừng ở biển có tiền cũng không dễ gì mua được. Quý và giá trị là ở chỗ ấy”.
Những chiến sĩ sau giờ huấn luyện lại cần mẫn cắt cỏ, kiếm rau chăm đàn heo rừng. Mỗi chú heo lớn lên, khỏe mạnh, sinh sản ra đàn heo con là một thành tích về chinh phục nắng gió biển khơi, tích cực tăng gia, cải thiện bữa ăn của bộ đội.
Phát huy kết quả đạt được, năm 2014, Trạm Rada 550 và Cơ quan quân sự huyện Lý Sơn sẽ tiếp tục mở rộng mô hình nuôi heo rừng tại đơn vị, với nguồn giống từ chính những con heo bố mẹ sẵn có, các cán bộ, chiến sĩ Trạm Rada 550 và Cơ quan quân sự huyện Lý Sơn cho rằng, heo rừng nuôi không khó, nếu chịu khó, ai cũng có thể nuôi được.
Nếu như mô hình này được chuyển giao đến nhiều hộ dân trên đảo, thì tương lai không xa Lý Sơn sẽ có thêm nguồn thực phẩm mới, hòa vào sản vật phong phú của biển, phục vụ người dân trên đảo và khách tham quan.
Có thể bạn quan tâm

Sau 10 năm lên Điện Biên lập nghiệp, nhờ mô hình chăn nuôi, đến nay gia đình anh Phan Văn Chung ở đội 4, khu Pom Lót, xã Sam Mứn huyện Điện Biên đã có cơ ngơi khang trang. Gia đình anh đã vươn lên trở thành hộ có thu nhập khá trong vùng.

Được ông Mào Văn Đào, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mường Nhé giới thiệu, chúng tôi đến thăm gia đình ông Chang Váng Sinh dân tộc Hà Nhì ở A Pa Chải, xã Sín Thầu, một trong những hộ sản xuất kinh doanh giỏi của mảnh đất vùng biên giới - nơi một con gà gáy 3 nước cùng nghe.

Những năm qua, Hội Nông dân xã Thanh Xương (huyện Điện Biên) luôn xác định thực hiện tốt chương trình liên kết với ngân hàng chính là khơi thông nguồn vốn tín dụng đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; giúp nông dân được hưởng lợi từ nguồn vốn ưu đãi về lãi suất, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng về nguồn vốn phát triển sản xuất kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Xác định tiềm năng thế mạnh của địa phương trong sản xuất nông nghiệp, những năm qua với nhiều giải pháp đồng bộ, huyện Tủa Chùa đã tích cực chỉ đạo người dân thâm canh, phát triển kinh tế. Đến nay, trình độ áp dụng KHKT, sử dụng giống cây trồng trong sản xuất nông nghiệp đã có chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống bà con vùng cao còn nhiều khó khăn

Hộ chú Trần Văn Hạnh ngụ ấp Nam Hưng, xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi là một trong những người đã “biết nuôi” và thành công trong việc chăn nuôi vịt theo quy trình an toàn sinh học, mang lại hiệu quả kinh tế, tạo sản phẩm sạch, giữ gìn môi trường sinh thái.